Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Johann Sebastian Bach: Easter Oratorio – Trường Ca Phục Sinh

Johann Sebastian Bach: Easter Oratorio – Trường Ca Phục Sinh

 Easter Oratorio
Johann Sebastian Bach

Vài Nét Về Tác Phẩm

Easter Oratorio là một tác phẩm thánh nhạc do Johann Sebastian Bach sáng tác.  Tác phẩm được trình bày lần đầu tiên vào Chúa Nhật Phục Sinh 1/4/1725 tại Leipzig.

Easter Oratorio được Bach khai triển dần theo thời gian.  Trong lần trình diễn đầu tiên vào năm 1725, tác phẩm chỉ là một cantata thuật lại lòng nôn nả của các môn đệ Chúa chạy đến phần mộ vào sáng ngày Chúa phục sinh.  Đến năm 1735, các ca khúc cho song ca, tam ca và tứ ca được bổ sung.  Đến thập niên 1740 thì có thêm phần hợp xướng cho ban hát gồm bốn giọng.

Easter Oratorio khác với các oratotio khác là không có người hát trong vai dẫn chuyện.  Bốn ca sĩ đơn ca trong tác phẩm này đóng vai bốn nhân vật trong Thánh Kinh là Phi-e-rơ (tenor), Giăng (bass), Ma-ry Ma-đơ-len (alto), và Ma-ry, mẹ của Gia-cơ (soprano).

Cấu Trúc và Nội Dung

Easter Oratorio gồm 11 tiểu khúc.  Ban nhạc mở đầu với phần hòa tấu (sinfonia) rộn ràng mừng ngày Chúa phục sinh.  Tiểu khúc thứ hai (adagio) được viết cho kèn oboe và dàn nhạc diễn tả nỗi buồn sâu lắng của các môn đồ vẫn còn tiếc thương Chúa vì chưa biết Ngài đã sống lại. Tiểu khúc thứ ba viết cho hai giọng ca nam, ban hợp xướng và dàn nhạc diễn tả cảnh Phi-e-rơ và Giăng chạy nhanh đến phần mộ khi được báo tin phần mộ trống nhưng thi thể Chúa không còn ở đó.  Tiểu khúc thứ tư là ca khúc viết cho tứ ca diễn tả nỗi hoang mang của các môn đệ; họ không rõ ai đó đã mang xác Chúa đi nơi nào.

Tiểu khúc thứ năm viết cho giọng soprano, diễn tả tâm trạng của Ma-ry, mẹ Gia-cơ, người vì lòng yêu mến Chúa đã chuẩn bị hương liệu để tẩm xác Ngài, nhưng bây giờ thi thể Chúa không còn ở đó nữa, hương liệu trở thành vô dụng. Lời ca trình bày nỗi lòng của Ma-ry hòa lẫn với tiếng sáo, thể hiện nỗi tiếc thương và tự trách chính mình bởi vì không thể làm một nghĩa cử tốt đẹp cuối cùng cho Chúa.

Tiểu khúc thứ sáu là ca khúc cho tam ca diễn tả đối thoại giữa Phi-e-rơ, Giăng và Ma-ry Ma-đơ-len. Phi-e-rơ và Giăng hỏi rằng phần mộ đây, nhưng Chúa ở đâu?  Ma-ry Ma-đơ-len đáp rằng Chúa đã sống lại.   Tiểu khúc thứ bảy là phần đơn ca cho tenor.  Phi-e-rơ nâng tấm vải liệm Chúa đã để lại như là một kỷ vật, mang lại niềm an ủi cho chính mình.

Tác phẩm tiếp tục với phần song ca của hai giọng nữ diễn tả nỗi khát khao mong gặp Chúa phục sinh.  Trong tiểu khúc thứ chín, Bach dùng lời Kinh Thánh trong Nhã Ca, mô tả tâm trạng cô gái đi tìm người yêu, để diễn tả lòng Ma-ry Ma-đơ-len mong ước gặp Chúa.  Tiểu khúc thứ mười viết cho đơn ca giọng nam trầm (bass).  Giăng công bố niềm vui Chúa đã phục sinh.

Phần kết thúc của tác phẩm là ca khúc ngợi khen.  Trong phần này, ban nhạc, bốn ca sĩ đơn ca, cùng ban hợp xướng hòa lòng dâng lời ca ngợi Chúa đã đắc thắng tử thần.  Tác phẩm kết thúc trong niềm vui khải hoàn.

Toàn bộ tác phẩm kéo dài khoảng 43 phút, do nhạc trưởng John Eliot Gardiner, người từng điều khiển rất nhiều dàn nhạc nổi tiếng trên thế giới, hướng dẫn.  Mời bạn cùng lắng nghe.

Phước Nguyên
Mùa Phục Sinh (2014)

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top