Khảo Cổ: Hòm Giao Ước
Hòm Giao Ước
Một trong những thánh vật được ghi lại trong Kinh Thánh mà rất nhiều người muốn tìm hiểu xem thánh vật đó hiện đang ở đâu đó là Hòm Giao Ước.
Thời Gian
Sau khi người Do Thái được Đức Chúa Trời giải cứu khỏi Ai Cập, khi dân Do Thái đến núi Sinai (Xuất Ê-díp-tô 19:1-21), Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se lên núi Si-nai gặp Đức Chúa Trời để nhận Mười Điều Răn. Sau đó, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se làm Hòm Giao Ước (Xuất Ê-díp-tô 25:10-22), là vật được dùng để chứa dựng bảng đá khắc Mười Điều Răn. Theo các nhà nghiên cứu, Môi-se sống vào khoảng thế kỷ thứ 13 trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh, như vậy Hòm Giao Ước đã được làm cách thời đại của chúng ta khoảng hơn 3.300 năm.
Kích Thước
Theo mô tả trong Kinh Thánh, Hòm Giao Ước là một khối hình chữ nhật có kích thước như sau ” Vậy, chúng hãy đóng một cái hòm bằng cây si-tim; bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi, và bề cao cũng một thước rưỡi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10 – BD1925). Chữ “thước” mà Bản Dịch 1925 dùng là “cubit” trong nguyên Hebrew. Kích thước của Hòm Giao Ước là 2,5 cubit x 1,5 cubit x 1,5 cubit.
Trong những thập niên gần đây, các bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ mới với dụng ý giúp độc giả thời nay dễ hiểu hơn, cho nên những đơn vị đo lường xưa trong Kinh Thánh đã được đổi sang những đơn vị đo lường hiện đại. Điều đáng tiếc là dụng ý tốt đó lại vô tình khiến cho độc giả Kinh Thánh tiếng Việt bối rối vì các bản dịch đã dịch khác nhau về kích thước. Bản Dịch Truyền Thống Hiện Đại đã dịch kích thước của Hòm Giao Ước là 110 cm x 66 cm x 66 cm; trong khi đó các Bản Dịch 2011 (BD2011), Bản Dịch Mới (BDM), và Bản Dịch Phổ Thông (BDPT) ghi kích thước của Hòm Giao Ước là 1,25 m x 0,75 m x 0,75 m.
Lý do của sự khác biệt này đó là cubit là một đơn bị đo lường thời xưa. Trong các văn bản cổ, chiều dài của một cubit khác nhau tùy theo thời gian được nhắc đến và tùy theo địa phương. Điều này cũng tương tự như chữ “chục” trong tiếng Việt. Tại nhiều nơi, một chục là 10, nhưng tại một số nơi khác là 12, và thậm chí là 14. Chiều dài của một cubit xê dịch giữa 444 mm và 524 mm. Bản Dịch Truyền Thống Hiện Đại đã dịch 1 cubit là 444 mm, trong khi các BD2011, BDM, và BDPT dịch 1 cubit là 524 mm.
Vật Liệu
Kinh Thánh cho biết Hòm Giao Ước được đóng bằng gỗ sitim, bên ngoài bọc vàng. Trên nắp Hòm Giao Ước có hai thiên thần cũng bọc vàng.
“Vậy, chúng hãy đóng một cái hòm bằng cây si-tim; bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi, và bề cao cũng một thước rưỡi, lấy vàng ròng bọc trong, bọc ngoài, và chạy đường viền chung quanh hòm bằng vàng. Ngươi cũng hãy đúc bốn khoen bằng vàng để tại bốn góc hòm: hai cái bên hông nầy, hai cái bên hông kia, cùng làm hai cây đòn bằng cây si-tim, bọc vàng; rồi lòn đòn vào khoen hai bên hông hòm, để dùng đòn khiêng hòm. Đòn sẽ ở trong khoen luôn, không nên rút ra. Ngươi hãy cất vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho.
Ngươi cũng hãy làm một cái nắp thi ân bằng vàng ròng, bề dài hai thước rưỡi, bề ngang một thước rưỡi. Lại làm hai tượng chê-ru-bin bằng vàng giát mỏng, để hai đầu nắp thi ân, ló ra ngoài, một tượng ở đầu nầy và một tượng ở đầu kia. Hai chê-ru-bin sẽ sè cánh ra, che trên nắp thi ân, đối diện nhau và xây mặt vào nắp thi ân. Ngươi hãy để nắp thi ân trên hòm, rồi để vào trong hòm bảng chứng mà ta sẽ ban cho.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:10-21 – BD1925).
Mô hình của Hòm Giao Ước
George Washington Masonic National Memorial
Kinh Thánh cũng cho biết Đức Chúa Trời giao cho người Lê-vi trách nhiệm chăm sóc và khiêng Hòm Giao Ước “ Đức Giê-hô-va biệt chi phái Lê-vi riêng ra, đặng khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va ” (Phục Truyền 10:8), “Môi-se chép luật nầy, giao cho những thầy tế lễ, là con cháu Lê-vi, khiêng hòm giao ước của Đức Giê-hô-va” (Phục Truyền 31:9).
Nội Dung
Theo ký thuật trong Tân Ước, bên trong Hòm Giao Ước có hai bảng đá ghi Mười Điều Răn, một ít bánh ma-na, và cây gậy trổ hoa của A-rôn.
“Trong hòm có một cái bình bằng vàng đựng đầy ma-na, cây gậy trổ hoa của A-rôn, và hai bảng giao ước” (Hê-bơ-rơ 9:4)
Địa Điểm
Theo các tài liệu cổ, dưới đây là vài địa điểm có thể là nơi ẩn giấu Hòm Giao Ước.
- Jerusalem
Theo Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã mặc khải cho Tiên tri Giê-rê-mi biết rằng người Do Thái sẽ mất nước. Nước Do Thái sẽ bị đế quốc Ba-by-lôn xâm chiếm. Tiên tri Giê-rê-mi đã công bố những sứ điệp này cho người Do Thái (Giê-rê-mi 21:1-7). Tiên tri Giê-rê-mi cũng báo trước rằng trong tương lai người Do Thái sẽ không còn dùng Hòm Giao Ước trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời nữa: “Đức Giê-hô-va phán: Trong những ngày đó, khi các ngươi sanh sản thêm nhiều ra trong đất, thì người ta sẽ không nói đến hòm giao ước của Đức Giê-hô-va nữa! Người ta sẽ không còn tưởng đến, không còn nhớ đến, không còn tiếc đến, và không làm một cái khác” (Giê-rê-mi 3:16).
Tiên tri Giê-rê-mi sống vào khoảng (650-570 T.C.), và Tiên tri Giê-rê-mi đã công bố một phần sứ điệp của ông vào thời vua Giô-sia-a.
Theo ký thuật trong II Sử Ký 35:3, vua Giô-si-a đã ra lệnh cho những người Lê-vi có trách nhiệm khiên Hòm Giao Ước như sau: “Người phán cùng những người Lê-vi vẫn dạy dỗ cả Y-sơ-ra-ên, và đã biệt mình riêng ra thánh cho Đức Giê-hô-va, mà rằng: Hãy để hòm thánh tại trong đền mà Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, đã xây cất; các ngươi không cần còn khiêng hòm ấy trên vai. Bây giờ, hãy phục sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi và giúp việc cho Y-sơ-ra-ên là dân sự của Ngài.”
Các nhà nghiên cứu cho rằng ký thuật “Hãy để hòm thánh tại trong đền mà Sa-lô-môn, con trai của Đa-vít, vua Y-sơ-ra-ên, đã xây cất; các ngươi không cần còn khiêng hòm ấy trên vai. Bây giờ, hãy phục sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi và giúp việc cho Y-sơ-ra-ên là dân sự của Ngài” hàm ý vua Giô-si-a đã giấu Hòm Giao Ước trong một nơi nào đó, có thể bên dưới Đền Thờ được xây dưới thời vua Sa-lô-môn, rồi giải thể những người Lê-vi đặc trách việc chăm lo Hòm Giao Ước, và cho họ trở về hầu việc Chúa như những người Lê-vi khác.
Ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng vua Giô-si-a đã hành động sau khi nghe sứ điệp của Tiên tri Giê-rê-mi. Tiên tri Giê-rê-mi và vua Giô-si-a có sự tin cậy lẫn nhau cho nên sau khi vua Giô-si-a chết, Tiên tri Giê-rê-mi đã viết điếu văn cho vua Giô-si-a (II Sử Ký 35:23).
- Núi Na-bô
Theo ký thuật của sách 2 Ma-ca-bê, được viết trước khi Đức Chúa Jesus giáng sinh khoảng 100 năm, Tiên tri Giê-rê-mi đã được lệnh mang Lều Tạm và Hòm Giao Ước đem giấu trong một cái hang trên núi Na-bô. Ký thuật trong 2 Ma-ca-bê 2:1-7 ghi lại chi tiết này như sau.
1 Những tài liệu lưu trữ cho biết Tiên tri Giê-rê-mi đã truyền cho những người bị lưu đày phải mang theo một ít lửa như đã được hướng dẫn, 2 và tiên tri, trong lúc truyền luật pháp, đã hướng dẫn những người bị lưu đày đừng quên những mệnh lệnh của Ðức Giê-hô-va, hay để cho tâm trí của họ bị lầm lạc khi nhìn những tượng bằng vàng, bằng bạc và những vật trang trí của các tượng đó. 3 Ông cũng dùng những lời tương tự để khuyến khích họ đừng để luật pháp lìa khỏi tấm lòng của họ. 4 Cũng bản văn ấy còn cho biết tiên tri đã được báo cho một sứ điệp, được lệnh phải đưa Lều và Hòm Giao Ước cùng đi với ông, và thế nào ông đã lên chính ngọn núi nơi Môi-se đã leo lên để ngắm cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. 5 Khi Giê-rê-mi đến đó, ông vào một nơi, trong một cái hang; ông đưa Lều, Hòm Giao Ước và bàn thờ dâng hương vào, rồi bít lối vào lại. 6 Sau đó, một vài người theo ông đã quay trở lại, định đánh dấu đường đi, nhưng họ không tìm ra. 7 Khi Giê-rê-mi nghe điều này, ông quở trách họ rằng: “Không ai biết nơi này cho đến khi Đức Chúa Trời quy tụ dân của Ngài trở lại và bày tỏ lòng thương xót với họ” (2 Ma-ca-bê 2:1-7)
Theo Phục Truyền chương 34, ngọn núi mà Môi-se đã đứng nhìn vào Đất Hứa đó là núi Na-bô. Núi Na-bô nằm khoảng 43 Km ở phía đông nam Jerusalem, và nằm ở bờ phía đông của sông Jordan, thuộc lãnh thổ của nước Jordan.
Trong vài thế kỷ qua, dựa theo ký thuật của sách 2 Ma-ca-bê, rất nhiều nhà nghiên cứu Công giáo đã khảo cứu núi Na-bô. Tuy nhiên, vẫn chưa ai tìm được Hòm Giao Ước tại đây.
- Ê-thi-ô-pi
Một văn kiện cổ khác do Abu al-Makarim, một sử gia của Chính Thống Giáo viết vào cuối thế kỷ thứ 12 S.C. cho rằng Hòm Giao Ước được lưu giữ tại Orthodox Tewahedo Church ở Ethiopian. Sử gia Abu al-Makarim cho biết mỗi năm bốn lần có những nghi lễ về Hòm Giao Ước được cử hành vào dịp lễ Giáng Sinh, lễ Chúa chịu Báp-têm, lễ Phục Sinh, và lễ vinh danh thập tự.
Edward Ullendorff, cựu giáo sư nghiên cứu về Ethiopian Studies của University of London, trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1992 đã nói rằng vào năm 1941, khi ông còn là một sĩ quan trong quân đội Anh, ông đã có dịp nghiên cứu di tích này. Đó chỉ là một cái hộp gỗ, không có gì ở bên trong cả. Đây là một sản phẩm được làm vào thời trung cổ chứ không phải là Hòm Giao Ước được mô tả trong Kinh Thánh.
Bên cạnh những nguồn tài liệu trên đây, có rất nhiều nơi khác công bố là nơi đã giữ Hòm Giao Ước. Tuy nhiên, tất cả đều là những lời công bố từ thời trung cổ trở lại đây và thiếu những bằng chứng đáng tin cậy.
Kinh Thánh cho biết, trong tương lai Hòm Giao Ước sẽ được đặt trong đền thờ của Đức Chúa Trời ở trên trời (Khải Huyền 11:19).
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.