Kiến Thức: Cá Và Biểu Tượng Của Cơ Đốc Giáo
Cá Và Biểu Tượng Của Cơ Đốc Giáo
Cá Trong Thánh Kinh Tân Ước
Cá được nhắc nhiều lần trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Thánh Kinh Tân Ước. Khi Đức Chúa Giê-xu bắt đầu chức vụ, Ngài chọn một số môn đệ là những người đánh cá (Ma-thi-ơ 4:18-22). Sau đó, Đức Chúa Giê-xu huấn luyện các môn đệ vào công tác truyền giảng, và gọi họ là những tay đánh lưới người. Có lần sau một buổi truyền giảng, Đức Chúa Giê-xu đã làm phép lạ trên năm cái bánh và hai con cá để cung cấp thức ăn cho một đoàn dân đông hơn năm ngàn người (Ma-thi-ơ 13:44-50). Một lần khác, Chúa cảm động khi thấy một đoàn dân theo Ngài ba ngày liền để nghe Ngài giảng dạy. Chúa đã làm phép lạ tương tự như lần trước, hóa bánh và cá làm thức ăn cho cả đoàn dân rất đông khoảng bốn ngàn người nam, chưa tính phụ nữ và trẻ em (Ma-thi-ơ 15:29-39).
Đức Chúa Giê-xu gần gũi và quen thuộc với nghề đánh cá. Trong một bài giảng, Chúa đã dùng hình ảnh ngư phủ lựa cá để so sánh với việc các thiên thần phân loại giữa người công chính và người gian ác (Ma-thi-ơ 13:44-50). Khi các học giả Do Thái muốn xin Chúa một dấu lạ, Đức Chúa Giê-xu đã trả lời dấu lạ mà họ sẽ nhận được là Chúa sẽ chết ba ngày rồi Ngài sống lại; tương tự như Tiên tri Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm (Ma-thi-ơ 12:38-40). Sau một buổi truyền giảng, Đức Chúa Giê-xu và các môn đồ đã ra khơi đánh cá. Dưới sự hướng dẫn của Chúa, các môn đồ đã thả lưới và bắt cá đầy hai chiếc thuyền (Lu-ca 5:1-7). Khi Chúa và các môn đồ cần phải đóng thuế, Chúa đã hướng dẫn Phi-e-rơ đi câu cá để lấy tiền đóng thuế (Ma-thi-ơ 17:24-27).
Không lâu sau khi Đức Chúa Giê-xu hy sinh trên thập tự, các môn đồ đã rời chức vụ quay lại nghề đánh cá. Lúc Chúa sống lại, khi thấy họ làm việc vất vả nhưng không kết quả, Chúa đã hướng dẫn các môn đồ thả lưới và họ bắt được rất nhiều cá (Giăng 21:1-8). Trong một lần gặp gỡ khác, để chứng minh cho vài môn đồ còn hoang mang, nghi ngờ cho rằng việc thấy Chúa đang sống chỉ là ảo giác, Đức Chúa Giê-xu đã nhận cá mà các môn đồ trao cho Ngài, và Ngài ăn trước mặt họ (Lu-ca 24:36-43). Chính Chúa cũng nướng cá và đãi các môn đệ của Ngài trên bờ hồ Ti-bê-ri-át (Giăng 21:9-14).
Cá Và Biểu Tượng Của Cơ Đốc Giáo
Trong tiếng Hy Lạp, chữ cá được viết là ἰχθύς, viết hoa là ΙΧΘΥΣ. Nhà thần học Augustine (354-430) sống vào thế kỷ thứ tư đã giải thích trong cuốn Civitate Dei rằng chữ ΙΧΘΥΣ (Ichthys) là chữ viết tắt của “Ίησοῦς Χριστός, Θεοῦ Υἱός, Σωτήρ“, (Iēsous Christos, Theou Yios, Sōtēr), dịch nguyên văn sang tiếng Việt “Giê-xu Cứu Chúa, Con Đức Chúa Trời, Đấng Cứu Thế.” Vì lý do này, một số tín hữu trong những thế kỷ đầu tiên đã dùng hình vẽ con cá làm biểu tượng cho cộng đồng Cơ Đốc.
Bên cạnh những yếu tố nêu trên, nét vẽ đơn sơ hình con cá giống như chữ alpha (α), là mẫu tự đầu tiên trong tiếng Hy Lạp. Sách Khải Huyền 21:8 viết về Chúa như sau: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, Đầu Tiên và Cuối Cùng, là Khởi Nguyên và Tận Chung.”
Nguồn Gốc Lịch Sử
Theo lịch sử Hội Thánh trong ba thế kỷ đầu tiên, Cơ Đốc giáo bị bách hại mãnh liệt. Những người tin Chúa không thể công khai bày tỏ đức tin nơi Chúa. Theo truyền thuyết, để có thể nhận diện người cùng niềm tin Cơ Đốc nơi công cộng vào thời gian đó, người tin Chúa thường vẽ một vòng cung, giống như hình nửa con cá, trên đất. Nếu một người lạ vẽ thêm một vòng cung nữa, thành hình một con cá; cả hai nhận ra nhau là người cùng niềm tin nơi Đức Chúa Giê-xu.
Vào giữa thập niên 1960, phong trào Hippy bùng nổ. Cộng đồng Hippy phô trương sự hiện diện và thể hiện quan điểm của họ tại những nơi công cộng bằng cách vẽ biểu tượng phản chiến, viết những khẩu hiệu ủng hộ phá thai, cổ vũ tự do ma túy và tình dục phóng túng. Nếp sống buông thả của giới trẻ thời đó bị ảnh hưởng bởi phong trào Hippy làm nhiều người lo ngại. Trước tình trạng đó, một số sinh viên Tin Lành tại Đại Học Sydney, Úc đã vẽ hình những con cá trên các lối đi trong trường để trình bày niềm tin Cơ Đốc. Từ đó, hình ảnh con cá, được sử dụng trong những thế kỷ ban đầu, đã được phổ biến trở lại trong giới trẻ như là một biểu tượng của Cơ Đốc giáo.
Mặc dầu được nhiều tín hữu sử dụng, được phổ biến rộng rãi trong hội thánh, và được nhận biết cả bên ngoài hội thánh, hình ảnh cá tượng trưng cho Cơ Đốc giáo chỉ là một biểu tượng mang tính văn hóa chứ không thuần túy là biểu tượng tôn giáo chính thức. Biểu tượng chính thức của Cơ Đốc giáo được phổ biến và công nhận là thập tự. Điều này được ghi lại trong Thánh Kinh và được cộng đồng Cơ Đốc giáo sử dụng trong suốt 20 thế kỷ qua.
Sứ đồ Phao Lô đã viết về thập tự như sau: “Còn đối với tôi, tôi chẳng khoe điều gì ngoài thập tự của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ. Nhờ thập tự ấy, thế gian đối với tôi đã bị đóng đinh, và thế gian đối với tôi cũng vậy” (Ga-la-ti 6:14). Phao Lô viết thêm: “Vì sứ điệp của thập tự đối với những người hư mất là điên rồ, nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 1:18).
Phước Nguyên
Thư Viện Tin Lành
Tháng 8/2012
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)