Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 16
b/ Phương pháp sử dụng Lời Chúa cho người vô tín
Trong công cuộc truyền bá Phúc Âm, tha nhân của chúng ta gồm ít nhất hai thành phần:
Những người chưa tin Chúa.
Những người mới tin Chúa, tức là nhờ công cuộc truyền bá Phúc Âm của chúng ta mà họ mới quyết định ăn năn, trở lại tin nhận Chúa Cứu Thế, họ mới trở thành con đỏ trong Chúa, mới chập chững bước đi trên con đường theo Chúa.
- Sử dụng Lời Chúa với người chưa tin Chúa nói chung
Cũng gồm nhiều thành phần. Một thành phần là những người chống đối, phá hoại đức tin của chúng ta và của các tín hữu, những người tự nhận là kẻ thù của Hội Thánh, mặc dù Hội Thánh và con cái thật của Chúa không bao giờ coi người nào là kẻ thù cả, hoặc là những người nói là muốn kết thân với chúng ta, nhưng thật ra chỉ muốn quyến rũ chúng ta quay trở về nếp sống cũ lầm lạc, tội lỗi, ô uế mà thôi. Đối với hạng người này, chúng ta phải dứt khoát lập trường như Phao lô torng Ga-la-ti 1:13-16; Công vụ 9:20-22; II Cổ-linh 2:1-4 và Giu-đe câu 23b. I Cổ-linh 2:1-4 “Thưa anh em, khi đến thăm anh em, tôi không dùng lời lẽ hoa mỹ hay triết lý cao xa để truyền giảng huyền nhiệm của Thượng Đế. Vì tôi đã quyết định không nói gì với anh em ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng chịu đóng đinh trên cây thập tự. Tôi có vẻ yếu đuối, sợ sệt và run rẩy khi đến thăm anh em. Lời giảng dạy của tôi chẳng do tài biện luận khôn khéo nhưng thể hiện Thánh Linh và quyền năng. Như thế, đức tin của anh em không dựa vào khôn ngoan loài người, nhưng xây dựng trên quyền năng Thượng Đế. Công vụ 9:20-22a “Sau-lơ tức Phao-lô lập tức đến các hội trường mà công bố: Giê-xu là Chúa Cứu Thế, con của Thượng Đế. Mọi người nghe đều kinh ngạc hỏi nhau: Đây không phải là người đã từng khủng bố các môn đệ của Giê-xu tại Giê-ru-sa-lem và đến Đa-mách để bắt trói họ giải về cho các thầy trưởng tế hay sao? Nhưng Sau-lơ giảng dạy ngày càng mạnh mẽ, dùng lập luận đanh thép chứng minh Giê-xu là Chúa Cứu Thế.”
Đây là lời tự thuật của một người truyền bá Phúc Âm:
“Một buổi chiều Chúa Nhật, tôi đi về phía phố chợ và thấy một đám đông tụ tập nơi góc chợ. Khi nghe rõ tiếng âm nhạc và lời Thánh ca, tôi nhận ra rằng đó là một cuộc họp của các bạn truyền bá Phúc Âm. Tôi đi đến nơi ấy để thưởng thức. Họ có một ban nhạc xuất sắc gồm độ 60 nhạc công họp thành một vòng tròn và chung quanh có độ 3, 4 trăm người đứng xem. Tôi đi rẻ về phía trước đám đông và người hướng dẫn đã tiến lại gần tôi và hỏi tôi có vui lòng đứng ra làm chứng về Chúa hay không? Tôi rất sung sướng làm chứng cho Chúa giữa đám đông mỗi khi có cơ hội. Tôi bước ngay vào giữa vòng tròn các thính giả và trình bày Phúc Âm của Chúa Cứu Thế Giê-xu căn cứ trên kinh nghiệm riêng của tôi. Khi còn đang nói, tôi nhận thấy một người ăn mặc chỉnh tề với tầm vóc trung bình và dáng điệu thông minh, đứng bên lề đường, móc túi lấy ra một tấm thiếp rồi viết vài chữ trên đó. Vừa lúc tôi kết thúc lời làm chứng thì ông ta tiến lại phía tôi, lễ phép cất mũ chào và đưa cho tôi tấm thiếp ấy. Tôi đọc tên ông ghi trên danh thiếp. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra ông là ai vì tôi đã thấy tên ông đăng trên các báo và trên các bích chương vì ông là một diễn giả nổi tiếng, đã từng đọc diễn văn vài tháng trước đó từ Vancouver cho đến San Diego, tức là từ Gia-nã-đại cho đến Hoa Kỳ. Lật tấm thiếp về mặt sau, tôi đọc những dòng chữ thách thức, bây giờ tôi vẫn còn nhớ hết. Ông viết: Thưa ông, tôi xin thách ông thảo luận với tôi đề tài: Chủ nghĩa bất khả tri chống lại Phúc Âm, tại phòng họp của Viện Hàn Lâm Khoa Học, vào lúc 4 giờ chiều Chúa Nhật tới. Tôi xin vui lòng đài thọ mọi phí khoản. Tôi đọc tấm thiếp và trả lời một vài câu trước thính giả như sau: Tôi rất lưu ý đến cuộc thách thức này. Tôi phải thành thực nói rằng chiều Chúa nhật tới, tôi sẽ phải dự một buổi họp lúc 3 giờ, nhưng tôi tưởng rằng tôi có thể xếp đặt để đến viện Hàn lâm khoa học đúng 4 giờ. Vì thế, tôi rất sung sướng nhận cuộc tranh luận với một điều kiện này: Để chứng minh rằng ông X có một vài vấn đề đáng nên tranh luận và bàn cãi, ông bằng lòng hứa theo với ông đến phòng họp vào chiều Chúa Nhật tới hai người được xem là bằng chứng sống xác nhận: chủ nghĩa bất khả tri luận có giá trị rõ ràng để cải tạo đời sống của con người và gây dựng những tánh tình đạo đức chân chính. Hai người ấy nhiều năm qua đã bị người khác coi là cặn bã của xã hội, không cần phải xác định tội lỗi nào đã làm hư hoại đời sống của họ, nhưng họ đã bị loại ra khỏi xã hội và có thể họ đã ghiền rượu hay phạm những trọng tội khác. Trải qua nhiều năm, họ đã dự một buổi họp của ông X và được nghe ông diễn thuyết về những cái hay của chủ nghĩa triết học bất khả tri luận, với lời chỉ trích Thánh Kinh và Phúc Âm của Chúa Cứu Thế mà đời sống họ được đổi mới. Trong lúc nghe, tâm trí của những người ấy đã được kích động đến nỗi sau khi rời buổi họp họ đã nói: Từ nay, tôi cũng là một người theo chủ nghĩa bất khả tri. Và kết quả của việc tin nhận chủ nghĩa bất khả tri là hai người ấy cảm thấy có một năng lực mới xâm nhập vào đời sống của mình. Những tội lỗi trước đây họ có lần cưu mang, ôm ấp, nay họ ghét bỏ. Từ đó về sau, sự công bình thánh thiện trở thành lý tưởng của đời sống họ. Mỗi một người bây giờ là một con người mới có ích cho nhân loại, xã hội và tất cả những điều ấy chỉ nhờ họ đã theo phái bất khả tri luận. Bây giờ, thưa ông X, nếu ông bằng lòng hứa sẽ đưa hai người như thế đến nơi hẹn như là những bằng chứng sống của chủ nghĩa bất khả tri, tôi xin hứa sẽ gặp ông tại địa điểm chỉ định vào hồi chiều Chúa Nhật sắp tới và sẽ mang theo tôi một số người, ít nhất là 100 người. Họ đã nhiều năm sống trong tình trạng tội lỗi như tôi đã mô tả, nhưng đã được cứu thoát một cách vẻ vang sau khi tin nhận Phúc Âm và lời Thánh Kinh. Tôi sẽ có đủ số người này với tôi trên diễn đàn như những nhân chứng về quyền năng cứu chuộc lạ lùng của Chúa Cứu Thế Giê-xu và cũng là bằng chứng hiện tại của lẽ thật trong Thánh Kinh.
(Bất khả tri luận là một học thuyết cho rằng: nguyên nhân đầu tiên, bản chất và chung cuộc của vạn vật đều không thể hiểu biết. Chủ nghĩa hiện sinh vô thần cũng gọi là hiện sinh bế tỏa cũng theo chủ thuyết bất khả tri mà cho rằng con người phải dừng lại ở đời sống hiện tại mà không nhận một ai hay một đấng nào siêu việt, tức là không nhìn nhận siêu việt thế).
Nhà diễn thuyết bất khả tri là người nhanh trí, am hiểu cặn kẽ vấn đề đã đặt ra nên ông mỉm cười cách chua chát, rồi vẩy tay ra dấu như có ý nói: Tôi không thể làm như thế. Chen đám đông ra ngoài, ông ta chuồn mất trong khi đám đông vỗ tay hoan nghinh đoàn chứng nhân của Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì họ biết rằng trong tất cả các cuốn nhật ký của kẻ vô tín, không hề có ai nghe nói về mộ thuyết tiêu cực như thuyết bất khả tri có thể làm cho người xấu trở nên tốt và họ cũng biết rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu qua nhiều thế kỷ đã và đang thực hiện hàng ức, hàng triệu phép lạ như thế”. Đó là cách dùng Lời Chúa đối với nhưng người chống đối, phá hoại đức tin của các tín hữu hoặc là những người tự nhận là kẻ thù của Hội Thánh.
- Với những người ngoan cố khước từ tiếng gọi của Chúa Cứu Thế
Lời Chúa có thể thức tỉnh họ và kéo họ trở về Chúa Cứu Thế. Cear Malon, một nhà truyền bá Phúc Âm danh tiếng của thế kỷ 19 đã được Đức Chúa Trời đại dụng để đưa hàng ngàn người đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Một lần ông đi trên chiếc xe trong một cuộc hành trình xa. Trên chuyến xe, khách đồng hành thuộc nhiều hạng người lẫn lộn và Malon đã dùng nhiều thì giờ đọc Kinh Thánh để bổ dưỡng linh hồn. Thấy thế một hành khách trong xe cảm thấy khó chịu đã thốt ra lời: Tôi tự hỏi tại sao một người thông minh như ông lại có thể đọc một cuốn sách chỉ thích hợp với giới phụ nữ và nhi đồng như thế? Malon đáp lại bằng cách đọc lớn những câu Kinh Thánh thích hợp với sự trả lời trong trường hợp ấy. Người khách đồng hành kia hỏi vặn: Sao ông không có câu trả lời gì tốt hơn mà lại cứ đọc những câu trong cuốn sách cũ rích như thế? Malon vẫn yên lặng không nói gì và cứ tiếp tục giở trang khác ra đọc tiếp. Người ấy nói: Tôi đã chẳng nói với ông rằng tôi không tin một lời nào trong cuốn sách ấy sao? Malon đáp: Dù ông có tin hay không, điều ấy tùy quyền của ông, nhưng đây là Lời của Đấng Tạo Hóa, tôi xin cứ đọc. Người vô tín im lặng không nói gì thêm nữa. Một vị đại tá, bạn của nhà truyền bá Phúc Âm khi xuống xe đã nói với ông rằng: Mặc dù tôi rất yêu mến và kính trọng ông, nhưng theo ý tôi, dường như ông không được khôn khéo khi đối thoại với người kia trên xe ngựa, vì ông chỉ đọc Thánh Kinh để trả lời cho lý luận của y. Malon đáp: Thưa đại tá, ông mang cái gì bên cạnh hông của ông thế? Vị sĩ quan đáp: Cái gươm. Malon hỏi: Bây giờ nếu phải đối diện với kẻ thù ngoài mặt trận muốn đâm ông chết, thì ông có thích cãi vã với kẻ thù về lưỡi gươm này có phải là một loại khí giới hay không? Đại tá đáp: Không. Nếu ra trận gặp kẻ thù muốn giết tôi, tôi sẽ đâm lưỡi gươm này vào kẻ thù. Malon đáp: Đại tá nói phải lắm.
Một vài năm sau, một người khách lạ đến gần nhà truyền bá Phúc Âm Malon và hỏi: Xin lỗi ông, ông có nhớ tôi không? Nhà truyền bá Phúc Âm đáp: Tôi không nhớ ông là ai cả. Người ấy nói: Ông có nhớ khi cùng đi trên một chuyến xe, ông đã bị một người vô tín phản đối việc đọc Thánh Kinh của ông dữ dội hay không? Nhà truyền bá Phúc Âm đáp: Vâng, tôi còn nhớ rõ lắm. Người ấy thưa: Chính tôi là người ấy. Tôi xin thưa với ông rằng việc đọc Kinh Thánh của ông đã làm cho chính tôi cũng phải đọc Kinh Thánh, nhờ đó tôi đã tìm được Chúa Cứu Thế Giê-xu và tin nhận Ngài là Cứu Chúa của tôi rồi.
Thật là một sự đắc thắng lạ lùng của Lời Chúa, một sự làm chứng kỳ diệu về quyền năng của Lời Thánh Kinh, vì Lời Thánh Kinh vẫn còn đầy quyền năng. Thật, Lời Thượng Đế sống động và đầy năng lực, sắc hơn gươm hai lưỡi, mổ xẻ hồn linh, xương tủy phân tích tư tưởng và ước vọng trong lòng. Chúa Hằng Hữu phán: “Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta, vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng các ngươi bấy nhiêu. Vả như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa mà đượm nhuần đất đai làm cho sinh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng Ta thì chẳng trở về luống công, nhưng mà chắc sẽ làm trọn điều Ta muốn, thuận lợi công việc Ta đã sai khiến nó.” (Ê-sai 55:8-11)
Một sinh viên đại học mới tiếp nhận Chúa đã hân hoan trở về làm chứng cho gia đình mình. Anh bị chống đối, nhưng lần sinh viên này nói đến Chúa Cứu Thế, đến Thánh Kinh là bị người anh ruột cãi cọ, la rầy thậm tệ. Anh sinh viên nhận thấy có tranh luận cũng vô ích, anh lẳng lặng đặt một quyển Thánh Kinh Tân Ước diễn ý trong nhà, tại chỗ mà anh mình có thể thấy được. Người anh sau nhiều ngày chống đối, đã tò mò lật quển Thánh Kinh Tân Ước ra đọc. Rồi anh đọc say mê, anh đọc suốt qua một lần, anh đọc lại lần thứ nhì. Rốt cuộc, anh gọi người sinh viên và bảo: Em đưa anh đến ông mục sư, để xin ông cầu nguyện cho anh tiếp nhận Chúa Cứu Thế vào lòng.
3/ Với những người thù ghét chống đối Hội Thánh
Những người chống đối Hội Thánh chỉ vì hiểu lầm các tổ chức của giáo hội, hoặc của một số người tự xưng là đại diện của giáo hội. Có tổ chức của giáo hội đi xa lời dạy của Chân Thần trong Thánh Kinh, nên tạo điều kiện khiến nhiều người hiểu lầm tôn chỉ của Phúc Âm và mục đích của Hội Thánh. Chỉ có Lời của Thánh Kinh và người sống theo Lời Thánh Kinh mới có thể cải chính và đánh tan mọi sự hiểu lầm đáng tiếc, nhất là trong lãnh vực chính trị. Phúc Âm Giăng chương 18 ghi rằng: Người Do Thái giải Chúa Giê-xu đến dinh quan tổng trấn La-mã vào lúc sáng tinh sương, nhưng họ không vào dinh để khỏi bị ô uế và được ăn lễ Vượt qua. Vì thế tổng trấn Phi-lát phải ra sân hỏi: Các anh tố cáo người này về tội gì? Họ đáp: Nếu nó không phải là người gian ác, chúng tôi đâu dám giải lên quan tổng trấn. Tổng trấn bảo: Các anh cứ đem xử theo luật các anh, người Do Thái thưa: Chúng tôi không có phép xử tử ai cả, yêu cầu tổng trấn xử nó. Điều này làm ứng nghiệm lời Chúa Giê-xu báo trước là phải chết cách nào. Tổng trấn trở vào dinh hỏi Chúa: Anh có phải là vua dân Do-thái không? Chúa Giê-xu hỏi lại: Ông dùng chữ vua theo nghĩa thông thường hay theo nghĩa Chúa Cứu Thế của người Do-thái. Phi-lát xẳng giọng: Ta có phải là người Do-thái đâu? Chính đồng bào anh và các thầy trưởng tế bắt anh giải lên cho ta xử. Anh làm gì mà họ muốn giết anh? Chúa Giê-xu đáp: Ta không phải là vua một nước trần gian, nếu thế, các môn đệ Ta đã chiến đấu, không cho người Do-thái bắt Ta, nhưng nước của Ta không thuộc về thế giới này. Phi-lát hỏi: Thế anh là vua sao? Chúa Cứu Thế đáp: Phải, Ta là Vua. Ta sinh ra chỉ vì mục đích ấy. Ta đến trần gian để giải bày Chân lý, mọi người yêu chuộng Chân lý đều yêu Ta.”
Sứ đồ Phao-lô đã giải thích thêm về trường hợp này: II Cổ-linh 2:14,15 “Tạ ơn Thượng Đế đã cho chúng tôi dự phần chiến thắng với Chúa Cứu Thế, dùng chúng tôi truyền bá Phúc Âm như gieo rắc hương thơm ngào ngạt khắp nơi. Trước mặt Thượng Đế, chúng tôi là hương thơm của Chúa Cứu Thế giữa những người được cứu rỗi và người bị hư vong. Chúng tôi công khai giảng giải Chân lý, đó là cách chúng tôi tự giới thiệu cho mọi người có lương tâm nhận xét. Nếu Phúc Âm chúng tôi truyền giảng có vẻ khó hiểu, chỉ khó hiểu cho người hư vong, vì Sa-tan, thần của đời này làm mờ tối tâm trí kẻ vô tín, khiến họ không nhìn thấy ánh sáng Phúc Âm, không hiểu lời truyền giảng về vinh quang Chúa Cứu Thế là hiện thân của Thượng Đế. Chúng tôi không rêu rao tài đức của mình nhưng giảng Chúa Cứu Thế Giê-xu và vì Ngài, chúng tôi làm tôi tớ cho anh em” II Cổ-linh 4:2-6 “Chúng tôi bị áp lực đủ cách nhưng không kiệt quệ, bị hoang mang, thắc mắc nhưng không bao giờ tuyệt vọng, bị bức hại nhưng không mất nơi nương tựa, bị quật ngã nhưng không tiêu diệt, thân này hằng mang sự chết của Chúa Giê-xu để sức sống Ngài thể hiện trong thân xác mình.” II Cổ-linh 6:4-10 “Trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi chứng tỏ mình xứng đáng là tôi tớ của Thượng Đế, chúng tôi kiên nhẫn chịu đựng khi hoạn nạn, quẫn bách, khốn cùng. Chúng tôi bị tra tấn, tù đày, chịu lao khổ, nhịn đói, bị chà đạp trong cuộc bạo động, nhiều hôm phải thức trắng đêm, chúng tôi giữ nếp sống trong sạch, nhẫn nhục, nhân từ, trau dồi tri thức, tâm linh thánh khiết và tình yêu không giả dối. Chúng tôi chỉ nói lời chân thật, sử dụng quyền năng Thượng Đế với khí giới tiến công phòng thủ của người công chính, bền vững giữa lúc thăng trầm vinh nhục, khi bị đã kích hay được tuyên dương. Chúng tôi bị xem như kẻ lừa gạt nhưng vẫn chân thành, coi như kẻ vô danh, xa lạ nhưng lại được nhiều người quen biết, bị kể như chết rồi nhưng vẫn sống, mang thương tích đầy mình nhưng không bỏ mạng. Tưởng như buồn bực nhưng luôn vui mừng, như nghèo cực nhưng làm cho nhiều người giàu có, như chỉ còn hai bàn tay trắng nhưng lại có tất cả mọi sự.”
Mục sư Lê Hoàng Phu
Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.