Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 24

Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 24

 

17 Phương pháp thứ mười bảy: Dùng ca nhạc để truyền bá Phúc Âm

Nhiều con cái Chúa thích dùng điệu nhạc, lời ca để diễn tả sự khôn ngoan sáng suốt, đức thánh khiết, nhân từ, lòng bác ái vô biên và sự hy sinh cao cả tuyệt đối của Chúa Cứu Thế, hoặc để thuật lại những kinh nghiệm bản thân về quyền năng cứu chuộc, giải thoát, an ủi, khích lệ của Chúa.

Hội Thánh Việt Nam chúng ta ghi ơn những người đã dày công sáng tác các bản nhạc lời ca và trình diễn các bài ấy như giáo sĩ Cao Sơn, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, Trần Thượng Trí, Vĩnh Phúc, bác sĩ Lê Ngọc Vinh, các ca sĩ Nguyễn Hữu Ái, Mai Hương, v.v… Nhạc sĩ Nguyễn Bá Nguyên đã đưa Phúc Âm vào những bài ca vọng cổ hấp dẫn.  Lời ca tiếng nhạc với nhiều màu sắc dân tộc đã đi vào lòng người tìm hiểu Phúc Âm và chắc chắn đã đem nhiều thành quả vô cùng tốt đẹp cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.

 

18/ Phương pháp thứ mười tám: Dùng kịch nghệ

Ở Ấn độ, tại nhiều khu vực rộng lớn, các nhà truyền bá Phúc Âm không thể nào mời ai bước vào nhà thờ, nhà giảng hay trại vả để nghe giảng Phúc Âm cả.  Một số tín hữu và một nhóm nhà truyền giáo Ấn độ đã quyết định dùng nhạc kịch cổ điển để trình bày cuộc đời của Chúa Cứu Thế và các câu chuyện Thánh Kinh, xen lẫn nhiều bài hát đặt theo điệu dân ca Ấn độ.  Hiệu quả nhạy như điện, hàng ngàn hàng vạn người ùn ùn kéo nhau đến xem ca kịch nhờ đó mà biết được tình yêu thương và sự hy sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu.

 

19/ Phương pháp thứ mười chín: Dùng hội họa

Lịch sử có ghi lại câu chuyện của hai nhà truyền bá Phúc Âm là Cyril và Methodius.  Khi truyền giáo cho dân tộc Bảo-gia-lợi, Cyril đã hết sức giảng luận nhưng không đem lại kết quả nào cả.  Khi đó Methodius là một họa sĩ đã vẽ trên tường quang cảnh cuộc đoán xét sau cùng theo Khải thị chương 20, có tòa án trắng và Thượng Đế ngồi ngay Thẩm phán.  Bức tranh đập vào tâm trí nhiều người và một số người đã quyết định tiếp nhận Chúa, trong số đó có một lãnh tụ người Bảo-gia-lợi.

Câu chuyện được nhiều người biết và nhắc nhở hơn là chuyện của Nikolas Ludwig von Zinzendorf (1700-1760), được gọi tắc là bá tước Zinzendorf.  Là một thanh niên quí phái giàu có, Zinzendorf thu thập một số tiền lớn để đi du lịch cho thỏa thích. Nhưng khi đến một thành phố bên Đức, Zinzendorf vào thăm một bảo tàng viện, đứng ngắm nhìn một bức họa Chúa chịu thương khó.  Trên nét mặt của Chúa có cái gì hấp dẫn Zinzendorf và cuối cùng anh ta khóc òa, thưa với Chúa: Lạy Chúa, Chúa yêu thương con nhiều như vậy, đã hy sinh chịu chết vì tội lỗi cho con.  Zinzendorf liền bỏ dỡ cuộc lịch trở về phục vụ Chúa và được Thánh Linh sử dụng để sáng lập ra hội truyền giáo Moravian là một trong những hội truyền bá Phúc Âm quan trọng nhất vào thế kỷ thứ 18.  Ngoài ra Zinzendorf cũng sáng tác được trên 2 ngàn bản thánh ca để ca ngợi tôn vinh Thượng Đế.  Một bức tranh không thể đem lại kết quả vĩ đại như vậy, nhưng Chúa Thánh Linh có thể dùng thiên tài hội họa đã đem dâng lên Ngài và cảm ứng cho họa sĩ vẽ bức tranh, rồi cũng chính Thánh Linh dùng bức tranh đó nhắc nhở cho người xem tranh nhớ lại những câu Thánh Kinh người đó đã học đã nghe từ thuở còn bé, hay đánh vào trí tò mò của người xem tranh để người đó tìm đọc Thánh Kinh cho biết rõ câu chuyện được mô tả trong tranh, rồi cuối cùng được Thánh Linh cáo trách về tội lỗi và dẫn đến thập tự giá.

Nhiều họa sĩ danh tiếng khắp thế giới đã dâng đời sống và tài năng họ cho Chúa để vẽ những bức tranh về Chúa Cứu Thế giáng sinh, Chúa chữa bệnh, Chúa đi trên mặt biển, Chúa cầu nguyện, Chúa chịu thương khó, chịu đóng đinh trên đồi Gô-gô-tha và Chúa phục sinh trong vinh quang.  Các bức tranh này đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc truyền bá Phúc Âm.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top