Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Niềm Tin và Cuộc Sống » Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 27

Đọc Sách: Những Nguyên Tắc Truyền Bá Phúc Âm – Phần 27

24/ Phương pháp thứ hai mươi bốn:  Thiết kế và thực thi công tác tăng cường và phát triển Hội Thánh

Cần đề ra và thực thi kế hoạch tăng cường và phát triển Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  Thư Ê-phê-sô 6:10-20 ghi rằng: “Sau hết, anh em hãy mạnh mẽ trong Chúa, nhờ năng lực vô hạn của Ngài.  Hãy trang bị đầy đủ khí giới của Thượng Đế để có thể đối phó với mọi mưu kế của quỷ vương.  Vì chúng ta không chiến đấu với người trần gian, nhưng với quyền lực vô hình đang thống trị thế giới tối tăm này, và với các tà linh trên trời.  Vậy, hãy mặc toàn bộ áo giáp của Thượng Đế để anh em có thể chiến đấu lúc bị tiến công và khi chiến cuộc đã qua, anh em là kẻ chiến thắng.  Muốn được như thế, anh em phải thắt lưng bằng Chân Lý, mặc sự công chính làm giáp che ngực, mang giày Phúc Âm hòa bình, luôn luôn dùng một đức tin để gạt đỡ mọi tên lửa của Sa-tan, đội nón sắt cứu rỗi, cầm gươm Thánh Linh là Lời Thượng Đế, luôn luôn cầu nguyện trong mọi trường hợp, nài xin mọi điều theo sự hướng dẫn của Thánh Linh, cảnh giác và kiên nhẫn cầu thay cho tất cả các tín hữu.  Nhiều tín hữu chỉ cầu nguyện mà không chịu bắt tay vào công tác của Hội Thánh, nhiều tín hữu khác có khải tượng truyền giáo, nhưng chỉ thỏa lòng vì khải tượng mà không bao giờ có kế hoạch thực hiện khải tượng đó.  Nhiều tín hữa lại sẵn sàng học tập mà Hội Thánh chưa có kế hoạch động viên toàn lực để củng cố và phát triển Hội Thánh đúng như ý muốn của Chúa Thánh Linh.

Đặt kế hoạch và thực hiện kế hoạch đó không những trách nhiệm cấp thiết của những bậc lãnh đạo Hội Thánh toàn quốc, toàn giáo phận, hay địa hạt.  Nhưng đây cũng là phận sự cấp thiết của những người hữu trách trong một chi hội hay của từng nhóm tín hữu, từng gia đình tín hữu.  Cố nhiên hoàn cảnh và điều kiện mỗi cấp và mỗi nơi một khác, nên phải có sáng kiến dùng những phương pháp thích ứng với điều kiện đặc biệt của khu vực và địa phương mình.  Nhưng nguyên tắc tăng cường và phát triển Hội Thánh vẫn là một và đã được đề ra trong Kinh Thánh.  Vấn đề thực thi kế hoạch tăng cường và phát triển Hội Thánh gồm hai phần:

Làm thế nào để tăng cường Hội Thánh ngày nay?

Làm thế nào để phát triển Hội Thánh ngày nay?

  1. Làm thế nào để tăng cường Hội Thánh ngày nay?

Câu trả lời của Thánh Kinh là huấn luyện tín hữu, hay nói theo mệnh lệnh tối hậu của Chúa Cứu Thế là dạy tín hữu vâng giữa mọi mệnh lệnh của Chúa Cứu Thế, tức là những điều Chúa truyền bảo (Mã-thi 18-20).  Sứ đồ Phao-lô đã huấn luyện Hội Thánh Ê-phê-sô theo một kế hoạch chương trình toàn bích.  Phao-lô nhắc lại chương trình huấn luyện đó trong một buổi họp từ giả các cấp lãnh đạo Hội Thánh Ê-phê-sô trong Công vụ 20:18b-21, 15-31.  Phao-lô nói:  Thưa anh em, từ ngày tôi đặt chân lên Tiểu Á, anh em biết tôi đã sống với anh em như thế nào.  Tôi hầu việc Chúa cách khiêm nhường, đổ nhiều nước mắt, chịu bao thử thách gian khổ do người Do Thái âm mưu hãm hại.  Tôi chẳng bao giờ từ chối truyền dạy anh em những điều hữu ích.  Tôi đã huấn luyện anh em nơi công cộng cũng như tại các tư gia, tôi kêu gọi cả người Do-thái lẫn người Hy-lạp ăn năn quay về Thượng Đế và tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-xu là Chúa chúng ta.  Bây giờ tôi biết chắc anh em, những người đã nghe tôi truyền giảng nước Trời không còn ai thấy mặt tôi nữa nên hôm nay tôi xác nhận: Nếu trong anh em có ai bị hư vong, tôi không còn chịu trách nhiệm nữa, tôi không hề từ chối công bố mệnh lệnh của Chúa cho anh em.  Anh em phải giữ mình và chăn bầy chiên mà Thánh Linh đã giao cho anh em chăm sóc, là Hội Thánh mà Thượng Đế đã mua bằng chính máu Ngài, thì tôi biết sau khi tôi đi, sẽ có phần tử giả mạo trà trộn phá hoại anh em như lang sói độc ác chẳng tiếc gì bầy chiên.  Trong anh em cũng sẽ có người xuyên tạc chân lý để lôi cuốn tín hữu.  Vậy, anh em hãy đề cao cảnh giác, đừng quên tôi đã đổ nước mắt khuyên bảo mọi người, ngày cũng như đêm ròng rả 3 năm trời.

Mục đích của Phao-lô khi viết các thư tín cho các đoàn thể tín hữu như Cổ-linh, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, Tê-sa-long-ca là để huấn luyện thêm các tín hữu cũ và hướng dẫn các tín hữu mới học tập chương trình của Chúa.  Thí dụ: Thư Ê-phê-sô chương 1 huấn luyện tín hữu học biết về công vụ của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh trong chương trình cứu chuộc (1:3-14).  Từ câu 15-23 Phao-lô vừa cầu nguyện vừa dạy dỗ cho anh em tín hữu biết rõ Chúa Cứu Thế qua những điều Ngài tiết lộ, ông cũng xin Thượng Đế cho tâm trí họ sáng suốt để biết được hy vọng của người đã được Chúa lựa chọn và cơ nghiệp vinh quang phong phú Ngài dành cho con cái Ngài.  Chúng ta lưu ý động từ Phao-lô dùng: Biết được và biết rõ.  Động từ biết này không có nghĩa là chỉ hiểu biết bằng trí óc mà còn biết trong kinh nghiệm bản thân.  Phao-lô cố gắng thực thi chương trình huấn luyện bằng lời giảng dạy và cuộc đời gương mẫu của mình, nhưng ông phải cầu nguyện xin Chúa mở lòng, mở trí cho tâm linh và tâm hồn anh em tín hữu hiểu đúng, biết rõ và có kinh nghiệm bản thân về Chúa Cứu Thế và các chân lý của Ngài vì chỉ có Chúa Thánh Linh mới có thể thực hiện điều đó.

Hội Thánh chỉ thực sự tăng cường khi Hội Thánh được huấn luyện đầy đủ và rút được sức mạnh từ nơi Chúa Cứu Thế để sinh hoạt đúng theo ý nghĩa là thân thể của Chúa Cứu Thế như Phao-lô đã diễn tả trong Ê-phê-sô 3:16-19: “Tôi cầu xin Cha, do vinh quang vô hạn của Ngài, ban quyền năng Thánh Linh làm cho tâm hồn anh em vững mạnh, cầu xin Chúa Cứu Thế nhơn đức tin ngự vào lòng anh em cho anh em đâm rễ vững gốc trong tình yêu thương.  Cầu cho anh em cũng như mọi con cái Chúa có khả năng hiểu thấu tình yêu sâu rộng bao la của Chúa Cứu Thế.  Cầu cho chính anh em kinh nghiệm được chính tình yêu ấy dù lớn lao vô hạn, vượt quá tri thức loài người, nhờ đó anh em được đầy dẫy Thượng Đế.”

Một số tín hữu than thở rằng: Chi hội tôi yếu đuối quá, thiếu khả năng và phương tiện.  Nhưng trong chương trình huấn luyện của Chúa, mỗi cá nhân tín hữu đều phải được tăng trưởng nhanh chóng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, thì Hội Thánh chung và các đoàn thể tín hữu địa phương mới được tăng cường.  Theo thư Ê-phê-sô 4:13 Chúa muốn mỗi người đề đạt đến bực trưởng thành trong Chúa, tức là có Chúa Cứu Thế đầy dẫy trong tâm hồn.  Phao-lô giải thích ở chương 4:4-7,12: Chúng ta cùng thuộc về một thân thể, cùng nhận lãnh một Thánh Linh, cùng chia xẻ một niềm hy vọng về tương lai vinh quang.  Chúng ta chỉ có một Chúa, một đức tin, một lễ báp tem, một Thượng Đế là Cha mọi người, cao quý hơn mọi người, tác động trên mọi người và sống trong mọi người.  Tuy nhiên, mỗi người trong chúng ta nhận lãnh một ân tứ khác nhau tùy theo sự phân phối của Chúa Cứu Thế.  Ngài phân phối công tác như thế để chúng ta phục vụ đắc lực cho Ngài, cùng nhau xây dựng Hội Thánh là thân thể Ngài.

Đến chương 6, Phao-lô lại giải thích tỉ mỉ hơn như chương 6:10-18.  Chúng ta lưu ý đến chương trình huấn luyện tín hữu mà Phao-lô mượn hình ảnh của một chiến sĩ thời xưa để diễn tả:

  1. Mặc áo giáp của Thượng Đế cũng gọi là áo giáp công chính.
  2. Thắt lưng bằng Chân lý.
  3. Mang giày Phúc Âm hòa bình.
  4. Dùng mộc đức tin để gạt bỏ tên lửa của Sa-tan
  5. Đội nón sắt cứu rỗi.
  6. Cầm gươm Thánh Linh là Lời Thượng Đế.
  7. Luôn luôn cầu nguyện trong mọi trường hợp. 

Thật là diệu kỳ, mỗi tín hữu là một chiến sĩ, nhưng là một chiến sĩ cầu nguyện, chiến sĩ chiến đấu chống Sa-tan chớ không phải chống con người dù là người đang bắt bớ hãm hại mình.  Chiến sĩ đi cứu người chớ không phải giết người.  Khi mới đến Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô chỉ gặp 12 tín hữu yếu đuối, chưa hiểu biết về Chúa, nhưng ông đã đặt ngay kế hoạch thực thi chương trình tăng cường và phát triển Hội Thánh tại Ê-phê-sô gần 3 năm trời.  Hội Thánh Ê-phê-sô được tăng cường và phát triển nhanh chóng trong 3 năm ấy, đến nỗi các tín hữu đều đầy dẫy sức sống của Chúa, mỗi tín hữu trở thành một chiến sĩ Phúc Âm, mỗi gia đình tín hữu trở thành một trung tâm Phúc Âm, các chi hội mới mọc lên nhan nhãn quanh Hội Thánh Ê-phê-sô và cả xứ Tiểu Á và với số nhân dân đông đảo đều được nghe đạo Chúa.  Phao-lô đã đặt kế hoạch như thế nào, và thực thi chương trình huấn luyện Hội Thánh và cá nhân tín hữu ra sao, chúng ta sẽ học qua trong loạt bài Lịch sử Truyền giáo phát thanh hằng tuần trên làn sóng này.  Trong sự hiện diện của Chúa Cứu Thế, dưới ánh sáng của Lời Thánh Kinh, chúng ta lắng lòng tự hỏi: Chúng ta có ý thức trách nhiệm tăng cường Hội Thánh của Chúa Cứu Thế chưa? Chúng ta đã đặt kế hoạch tăng cường Hội Thánh chưa? Chúng ta đã thực thi kế hoạch phát triển Hội Thánh chưa? Chi hội chúng ta đã có chương trình huấn luyện tín hữu để đáp ứng tinh thần sốt sắng học tập của các tín hữu như thế nào?  Quý vị tín hữu có thúc đẩy các bậc lãnh đạo hướng dẫn đoàn thể địa phương đặt kế hoạch và thực thi chương trình huấn luyện và tăng cường Hội Thánh Chúa không?  quý vị tín hữu đang sống lẻ loi hay đang sinh hoạt từng nhóm nhỏ ở các vùng xa Hội Thánh, có theo học các chương trình hàm thụ của Hội Thánh hay chưa?  Quý vị tín hữu có học lời Chúa qua chương trình phát thanh Nguồn Sống hay chưa? Quý vị và các bạn cũng có thể tự học lời Chúa và áp dụng Lời Chúa vào cuộc sống hằng ngày.

Phương pháp truyền giáo thứ 7 là đề ra những kế hoạch tăng cường và phát triển Hội Thánh.  Hai điều này đi song song với nhau như hai đường rầy xe lửa.  Chúng ta đã đề cập phần đầu tức là kế hoạch tăng cường Hội Thánh.  Bây giờ, chúng ta tìm hiểu về kế hoạch phát triển Hội Thánh.

b/ Làm thế nào để phát triển Hội Thánh

Có thể nói, Chúa Cứu Thế đã truyền cho Hội Thánh một kế hoạch, một chương trình tổng quát trong sách Công vụ 1:8 “Khi Đức Thánh Linh giáng trên các con, các con sẽ nhận được quyền năng, làm chứng cho ta tại Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri và khắp thế giới.  Sứ đồ Phao-lô được xem là nhà truyền giáo lớn nhất trong lịch sử, đã không làm việc bốc đồng hay ngồi chờ xem thế sự xoay vần đến đâu rồi mới tùy cơ ứng biến mà truyền bá Phúc Âm.  Trái lại, Phao-lô đã tìm cầu ý Chúa để phát triển Hội Thánh theo một kế hoạch hẳn hoi.

  1. Giai đoạn đầu: Truyền bá Phúc Âm tại quê hương

Trong kế hoạch phát triển Hội Thánh của Phao-lô là giai đoạn truyền bá Phúc Âm tại quê hương xứ sở.  Sau khi tiếp nhận Chúa và học riêng với Chúa 3 năm trong vùng sa mạc Á-rập, Phao-lô bắt đầu thi hành kế hoạch truyền giáo cho đất nước ông là xứ Si-li-si.

  1. Giai đoạn thứ hai: Huấn luyện để phát triển tương lai

Đang truyền giáo hăng say ở quê hương, Phao-lô được Ba-na-ba mời qua hợp tác giảng dạy ở An-ti-ốt, xứ Sy-ri.  Phao-lô vui lòng nhận lời vì do sự soi sáng của Thánh Linh, ông nhận biết đây là giai đoạn thứ hai trong chương trình của Chúa; giai đoạn huấn luyện Hội Thánh ở nước Sy-ri để thành lập căn cứ truyền giáo và phát triển Hội Thánh trong tương lai.  Có lẽ Phao-lô không ngờ rằng nước Sy-ri sẽ có hai trung tâm truyền giáo quan trọng nhất thế giới sau này: một là An-ti-ốt, căn cứ truyền giáo hướng về phương tây qua vùng Tiểu Á, các xứ cực tây của Á châu và Âu châu, nhất là Đông Âu và Nam Âu; và căn cứ truyền giáo thứ hai là Ê-đết-xa hướng về phương đông qua I-rắc, Ba-tư, Ấn-độ, Trung hoa, Mông cổ, Si-bê-ri, v.v…

  1. Giai đoạn thứ ba: Đặt kế hoạch truyền giáo “lan rộng”

Đối với Phao-lô, giai đoạn thứ ba trong chương trình phát triển Hội Thánh là đặt kế hoạch truyền giáo cho đảo Sip, cho các xứ Bam-phi-ly, Bi-si-đi và Ga-la-ti.

  1. Giai đoạn thứ tư: đã có hai đoàn truyền giáo; một do Phao-lô và một do Ba-na-ba lãnh đạo

Đoàn truyền giáo của Phao-lô đặt một kế hoạch đơn giản gồm hai điểm:

a/ Tăng cường các Hội Thánh cũ tại quê hương, tức là thành phố Tạt-sơ và các Hội Thánh xứ Si-li-si, tại các thành phố Đẹt-bơ, Lý-tra, và Y-cô-ni trong xứ Ga-la-ti.

b/ Phát triển Hội Thánh qua Âu châu bắt đầu với hải cảng Phi-líp đến Tê-sa-long-ca, Bê-rê, lan rộng khắp xứ Ma-xê-đoan rồi tràn xuống Hy-lạp đến thủ đô Athen, dành nhiều thì giờ thành lập một Hội Thánh mạnh mẽ tại hải cảng Cổ-linh để làm căn cứ truyền bá Phúc Âm khắp nước Hy-lạp theo chiến thuật vết dầu loang.

  1. Giai đoạn thứ năm: Phao-lô đặt kế hoạch ba điểm:

a/ Truyền giáo và phát triển Hội Thánh tại xứ A-si, tức là Tiểu Á bằng cách tập trung hoạt động gần ba năm tại Ê-phê-sô, là trung tâm y tế, thương mãi và tôn giáo của xứ này.  Ông huấn luyện tín hữu biến mỗi nhà riêng của tín hữu thành một lớp học Kinh Thánh.  Chẳng bao lâu, ông đã gây dựng các lớp học Kinh Thánh thành những Hội Thánh nhánh trong khi đó các nhà riêng của các tín hữu mới cũng lần lượt trở thành các lớp Kinh Thánh thu hút nhiều đồng bào đến với Chúa.  Vì thế, tuy Phao-lô chỉ lo giảng dạy lời Chúa và huấn luyện tín hữu tại Ê-phê-sô, nhiều Hội Thánh đã mọc lên nhan nhãn ở Si-miệc-nơ, Bẹt-găm, Thi-a-ti-rơ, Sạt-đe, Phi-la-đen-phi, Lao-đi-xê, Cô-lô-se, Hy-a-ra-bô-lít.  Chung quanh mỗi Hội Thánh lớn có nhiều Hội Thánh nhánh, chung quanh mỗi Hội Thánh nhánh có hàng chục, hàng trăm lớp học Kinh Thánh tư gia, đến nỗi nhân dân cả xứ A-si tức là vùng Tiểu Á đều được nghe Phúc Âm.

b/ Quay lại thăm viếng và tăng cường các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan và Hy-lạp.

c/ Chuẩn bị đẩy mạnh công cuộc phát triển Hội Thánh đến thủ đô La-mã, bán đảo Ý và Tây-ban-nha.

Trước hết Phao-lô viết một bức thư bất hủ gởi cho người La-mã, và sau là hết lòng đi theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh để đạt đến mục tiêu La-mã theo lộ trình, thời điểm và phương pháp của Ngài.

  1. Giai đoạn thứ sáu: Phao-lô bị bắt và giam cầm

Phao-lô bị bắt bớ tại Giê-ru-sa-lem, bị giam cầm hai năm tại Sê-sa-rê và bị áp giải qua giam lỏng tại thủ đô La-mã.  Đối với người khác, có lẽ phải buộc lòng tạm ngưng chức vụ, nhưng ngay trong những năm tháng tù đày, Phao-lô đặt kế hoạch mới.

a/ Truyền giáo cho các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo cả La-mã lẫn Do-thái.

b/ Viết các thư tín gây dựng Hội Thánh thường được gọi là các thư tín trong tù.

c/ Hướng dẫn một nhóm môn đệ trẻ trở thành những nhà truyền giáo tương lai.

Trong số đó có bác sĩ Lưu-ca, người sưu khảo tài liệu trong thời gian Phao-lô bị tù ở Sê-sa-rê để viết sách Phúc Âm Lưu-ca và phần lớn sách Công vụ các sứ đồ.

  1. Giai đoạn thứ bảy: Trang bị cho tín hữu khí giới thuộc linh

Sau khi được trả tự do một thời gian ngắn, Phao-lô lại thực thi kế hoạch tăng cường Hội Thánh để mỗi tín hữu đều được trang bị tất cả các khí giới thuộc linh của Thượng Đế, sẵn sàng chiến đấu lúc bị tiến công và chiến thắng cho đến cuối cùng, chuẩn bị Hội Thánh sẵn sàng trược cuộc bắt bớ toàn diện, vừa đẫm máu dữ dội, vừa tế nhị và khoa học.  Phao-lô và Hội Thánh đã thành công rực rỡ.  Sau loạt bắt bớ sát hại tàn nhẫn ấy, Hội Thánh lại phát triển mạnh mẽ gấp trăm lần.

Tuy trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, Phao-lô đặt kế hoạch phát triển Hội Thánh tại các xứ, các vùng ông muốn đi nhưng chính ông không thể đặt chân đến.  Qua một lớp truyền giáo trẻ trung mà ông đã huấn luyện trong các giai đoạn trước, ngồi trong ngục tối, chờ ngày ra pháp trường cho thú dữ của Nê-rôn xé thây ăn thịt, Phao-lô sung sướng vì thấy kế hoạch tăng cường và phát triển Hội Thánh của Chúa do ông thực thi đã kết quả hoàn toàn tốt đẹp.  Viết những dòng cuối cùng của bức thư cuối cùng do Ti-mộ-thư, một người học trò cũng là một nhà truyền giáo thanh niên do ông huấn luyện, Phao-lô giải bày tâm sự của một người hoàn kế hoạch lớn cho Hội Thánh.  Phao-lô viết: Riêng phần ta, ta biết gần đến ngày từ giả trần gian về thiên đàng, ta đã chiến đấu anh dũng, chạy xong cuộc đua, giữ vững niềm tin.  Từ đây mão miện công chính đã dành sẵn cho ta.  Chúa là chánh án công bằng sẽ ban cho ta trong ngày Ngài trở lại, cũng như cho tất cả những người yêu mến trông đợi Ngài.  Khi ta ra tòa lần thứ nhất, chẳng có ai bênh vực mọi người đều bỏ rơi ta, xin tội ấy đừng đổ về họ, nhưng Chúa đã bảo vệ, bổ sức để ta tích cực phổ biến Phúc Âm cho các dân tộc nước ngoài.  Ta vừa được cứu khỏi nanh vuốt sư tử.  Chúa sẽ giải thoát ta khỏi mọi điều ác, đưa ta vào nước Trời.  Cầu xin Ngài được vinh quang mãi mãi vô cùng.  Thành tâm sở nguyện.  Ta gửi lời chào thăm Bích-sinh-la, A-quy-la và gia đình Oanh-siêu-pha.  Ê-rát còn ở lại Cổ-linh, Trô-phim bị bệnh phải ở lại Mỹ-lê.  Con nên cố gắng đến đây trước mùa đông.  Ưu-ba, Phu-dan, Lý-nhu, Cơ-lưu và các anh chị em đều gởi lời thăm con.”

Đọc kỹ đoạn văn này, ta nhận thấy tuy có một môn để bỏ cuộc vì ham mê thế gian và một môn đệ khác bị bệnh tạm nghỉ tại Mỹ-lê, nhưng còn nhiều môn đệ trung kiên đang tăng cường và phát triển Hội Thánh khắp nơi.  Ti-mộ-thư ở Tiểu Á, Cơ-ra-sen ở Ga-la-ti, Tích đi truyền giáo ở Nam-tư, bác sĩ Lưu-ca cộng tác với Phao-lô trong tù lại La-mã, Ty-chi-cơ đi hoạt động ở Ê-phê-sô, Ê-rát ở Cổ-linh, Hy-lạp.  Đó là những người lãnh đạo cao cấp, sau lưng họ còn có hàng ngàn trưởng lão, hay lãnh đạo cao cấp, hay lãnh đạo trung cấp và hàng vạn người hướng dẫn các trung tâm học Kinh Thánh, phát triển Hội Thánh và thu hút hàng triệu người đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, bảo Phao-lô không nức lòng mừng rỡ, ca ngợi Chúa làm sao được?

Một số hệ phái và Hội Thánh địa phương gần đây đã phát triển nhanh chóng trong sự hướng dẫn của Chúa.  Năm 1972, được mời thuyết trình cho hội nghị thường niên của một hệ phái nhỏ, một nhà truyền giáo được nghe các đại biểu làm chứng về các ân phước đặc biệt và hi hữu của Chúa, đến phiên phát biểu, nhà truyền giáo của chúng ta đặt ngay vấn đề: Quý Hội Thánh có định đặt kế hoạch phát triển Hội Thánh hay không?  Ông lấy các bản thống kê cũ của hệ phái ấy, phát cho mỗi đại biểu mỗi người một tờ giấy kẻ ô để yêu cầu họ làm đồ biểu, xem trong các năm trước Hội Thánh đã tăng trưởng theo mức độ nào.  Khi các đại biểu vẽ xong các đồ thị, họ đều buồn bả nhìn nhận rằng: Suốt những năm 61, 66 và 71, hệ phái này đều có 46 chi hội và tổng số tín hữu suýt soát là 4500 trong suốt 10 năm trời.  Các nhà lãnh đạo Hội Thánh đều cầu nguyện và lấy đức tin đặt kế hoạch phát triển trong 10 năm tới.  Năm 1981, kiểm kê lại thành quả, họ nức lòng tạ ơn Chúa vì trong 10 năm qua đã có thêm 1205 người tin Chúa và chịu báp-tem.

Chúng ta đã nhiều lần đề cập đến kế hoạch phát triển Hội Thánh của Mục sư Triệu Dung Cơ (Paul Yongi Cho).  Ông vốn là một người Phật giáo, vừa trở lại tin Chúa liền đi học Kinh Thánh và tốt nghiệp trường Kinh Thánh năm 1958.  Ông bắt đầu truyền bá Phúc Âm ở một khu phố nghèo nàn.  Suốt 6 tháng đầu, không một ai tin Chúa.  Nhưng ông bắt đầu được Chúa cho khải tượng về công cuộc truyền bá Phúc Âm và xin Chúa cho có 150 người tin Chúa.  Bắt đầu từ cái trại nhỏ để mở Hội Thánh mới từ con số không, Hội Thánh của ông đã phát triển lên đến 150, 300, 600 rồi 1000.  Năm 1962, ông xây một nhà thờ có 1500 chỗ ngồi nhưng đến năm 1964 lại có đến 2000 tín hữu.  Chúa hướng dẫn ông đặt kế hoạch phát triển Hội Thánh bằng từng nhóm nhỏ mà ông gọi là các tế bào của Hội Thánh.  Năm 1973 ông mời Mục sư Tiến sĩ Billy Graham đi đến khánh thành nhà thờ có 10 ngàn chỗ ngồi, nhưng chỉ một năm sau số tín đồ đã tăng lên đến 23 ngàn người.  Cuối năm 1979 vượt quá mức 100 ngàn tín hữu.  Qua năm 1987 vượt quá nửa triệu tín hữu.  Có người nói Hội Thánh của ông hiện nay có trên 800 ngàn tín hữu.  Ông theo kế hoạch chia từng nhóm nhỏ để sinh hoạt cầu nguyện, học Kinh Thánh và tương giao, tương trợ.  Hội Thánh gồm nhiều ngàn nhóm nhỏ như thế, phần lớn do các nữ tín hữu hướng dẫn, vì một khi nam giới khước từ thì Chúa bảo ông không ngần ngại gì mà cử các nữ tín hữu vào chức vụ lãnh đạo nhóm nhỏ.  Nhiều nhóm nhỏ họp thành nhóm lớn do các Mục sư truyền đạo phụ tá hướng dẫn.  Tuy nhiên tất cả các nhóm nhỏ đều được chính Mục sư Triệu Dung Cơ hướng dẫn, huấn luyện và kiểm soát chặt chẽ để khỏi đi sai lệch đường lối Phúc Âm.

Kế hoạch phát triển của một số Hội Thánh ngày nay

Một cuộc khảo cứu về kế hoạch phát triển Hội Thánh trong ba năm vừa qua đã đem lại các kết luận này: từ năm 1980 nhiều chi hội mới được thành lập, và chỉ trong vòng 2 năm, số tín hữu đã tăng lên đến 1000 người.  Các chi hội này đã áp dụng kế hoạch phát triển gồm 7 điểm như sau:

1/ Người chăn bày dấn thân nhận lãnh trách nhiệm lãnh đạo trước mặt Chúa và Hội Thánh với một lập trường lạc quan, tin quyết nơi quyền năng phát triển Hội Thánh của Chúa: tin quyết rằng Chúa muốn phát triển Hội Thánh đến mức tối đa.  Người chăn sống cuộc đời gương mẫu làm gương cho các tín hữu trong mọi lãnh vực.

2/ Kế hoạch cầu nguyện được đem lên sinh hoạt hàng đầu trong Hội Thánh.  Họ biết cách tổ chức các nhóm cầu nguyện, sinh hoạt trong nhóm cầu nguyện với sự tham gia của tất cả các thành phần trong Hội Thánh, chia xẻ gánh nặng cầu thay, làm chứng về Chúa vừa mới nhậm lời cầu nguyện trong các buổi nhóm bước thế nào.

3/ Hoàn toàn đầu phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, sử dụng đến mức tối đa các ân tứ Thánh Linh như chúng ta đã đề cập trong phương pháp truyền giáo thứ tư.

4/ Các tín hữu theo gương các người chăn bầy, dâng hiến tiền bạc rộng rãi để đẩy mạnh công cuộc truyền bá Phúc Âm.  Người chăn làm gương đi trước, bầy chiên theo sau người chăn, việc dâng hiến phần mười được xem là tối thiểu.  Tất cả đều dâng hiến cách chân thành, nhưng họ chống trả kịch liệt tinh thần đóng kịch chỉ để khích động tâm lý quần chúng.

5/ Thờ phượng Chúa là sinh hoạt then chốt của Hội Thánh, không phải chỉ để chủ tọa và một ít người trong giới lãnh đạo hướng dẫn giờ thờ phượng với vài ban hát đặc biệt mà thôi, nhưng tất cả mọi tín hữu đều tham gia cuộc thờ phượng, tôn vinh, ca ngợi, cảm tạ Chúa.  Các bài hát, nhất là các bài ca mới đều chú trọng vào sự tôn vinh thờ phượng Chúa, hơn là bài về các giáo lý hoặc kinh nghiệm tín đồ.

6/ Mỗi tín hữu đều được khích lệ tham gia vào các công tác của Hội Thánh, bất luận nam phụ lão ấu.  Hội Thánh mở những lớp huấn luyện ngắn hạn để giúp mỗi tín hữu biết rõ mình phải làm gì cho Chúa, cho Hội Thánh, cho đồng bào đồng loại cách nào hữu hiệu nhất, rồi mỗi người nhờ ơn Chúa thực hành ngay, vừa học vừa làm, vừa làm vừa học.

7/ Hội Thánh có chương trình huấn luyện Kinh Thánh rất đầy đủ, chu đáo cho các lớp tín hữu từ cấp thấp đến cấp cao để đáp ứng nhu cầu thiết thực của tín hữu, chớ không phải để dạy những môn chỉ có giá trị trên bình diện lý thuyết mà không có giá trị thực tiễn.  Mục đích chính mà cả người dạy lẫn người học đều nhắm vào là làm thế nào để áp dụng chân lý Phúc Âm vào cuộc sống hằng ngày và giải quyết các nan đề mà người muốn tin Chúa hoặc mới tin Chúa phải đương đầu.

Mục sư Lê Hoàng Phu

Thư Viện Tin Lành (2021)
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top