Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Ludwig van Beethoven: Missa Solemnis

Ludwig van Beethoven: Missa Solemnis

Tác phẩm: Missa Solemnis
Tác giả: Ludwig van Beethoven
Nhạc trưởng: Sir Colin Davis
Trình bày: London Synphony Ochestra

Lời Ban Biên Tập:
Năm 2020 là dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của nhạc sĩ L.V. Beethoven (1770-2020).  Nhân dịp này Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc một vài tác phẩm thánh nhạc của nhạc sĩ Beethoven.

Beethoven_02
Missa Solemnis

Ludwig van Beethoven (1770-1827) là một nhạc sĩ thiên tài.  Một số tác phẩm của ông như Für Elise, Pathétique Sonata, Moonlight Sonata, Symphony No. 3 (Eroica), Symphony No. 9, … được người nghe nhạc cổ điển khắp nơi trên thế giới yêu thích.

Tuy nhiên một trong những tác phẩm lớn nhất của Beethoven – tác phẩm mà ông đã dành rất nhiều thì giờ để sáng tác và được các nhà nghiên cứu âm nhạc đánh giá là một trong những thành tựu quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của  Beethoven – lại ít người biết.  Tác phẩm đó là Missa Solemnis.

Thể Loại

Missa Solemnis, tạm dịch sang tiếng Việt là Thánh Lễ Trang Trọng, là một tác phẩm thánh nhạc. Trong nghi thức thờ phượng của những giáo hội Cơ Đốc theo phong cách truyền thống như Chính Thống giáo, Công giáo, Anh Quốc giáo và Lutheran, thánh lễ thờ phượng được gọi là missa (Latin), hay mass (Anh).

Trong lĩnh vực âm nhạc, Mass, hay Missa, là một tác phẩm thánh nhạc, được sáng tác để dùng cho những thánh lễ quan trọng.  Một số Mass được viết với lời ca có thể hát không cần ban nhạc, nhưng phần lớn Mass được soạn với sự phụ họa của giàn nhạc.   Thể loại missa hay mass trong âm nhạc, do đó, xuất phát từ thánh lễ thờ phượng trong Cơ Đốc giáo.

Hoàn Cảnh Sáng Tác

Beethoven bắt đầu sáng tác Missa Solemnis từ năm 1818.  Beethoven viết tác phẩm này với dự định sẽ cho trình bày vào dịp Rudolph Johannes Joseph Rainier von Habsburg-Lothringen, một người người bạn, cũng là học trò, và là người bảo trợ của Beethoven,  nhậm chức Tổng Giám Mục tại Olmütz, một vùng đất thuộc Tiệp Khắc ngày nay.

Beethoven viết Missa Solemnis trong những năm cuối đời của ông; khi đó, Beethoven đã là một nhạc sĩ lừng danh. Dầu vậy, để chuẩn bị cho việc sáng tác Missa Solemnis, Beethoven đã dành rất nhiều thì giờ nghiên cứu những tác phẩm cùng thể loại nổi tiếng của Johann Sebastian Bach (1685–1750), George Frideric Handel (1685–1759), và Giovanni Pierluigi da Palestrina (1525 – 1594).

Beethoven đã biên soạn Missa Solemnis được hai năm; nhưng cấu trúc và chủ đề của tác phẩm cứ tiếp tục phát triển. Tới ngày 20/3/1820, lúc Rudolph Johannes nhậm chức Giám mục tại Olmütz, Missa Solemnis vẫn chưa hoàn thành.  Do đó, trong buổi lễ nhậm chức, nhạc của Hummel và Haydn đã được dùng để thay thế. Phải mất thêm 3 năm nữa, mãi đến năm 1823, Beethoven mới hoàn tất Missa Solemnis.

Khi viết xong, Beethoven đã ghi những dòng chữ “Von Herzen—Möge es wieder zu Herzen gehn!” (“Từ tấm lòng – Mong đến tận tấm lòng!’) trên tác phẩm để đề tặng Rudolph Johannes. 

Cảm xúc khi Beethoven viết tác phẩm này thật dạt dào.  Những người thân quen, đã tiếp xúc với Beethoven trong giai đoạn đó, kể lại rằng có những lúc họ thấy ông bật khóc khi những tư tưởng đến trong tâm trí khiến ông vội vàng viết ra thành những dòng nhạc.

Mặc dù cuộc đời của Beethoven cho thấy ông không phải là một người sốt sắng về tôn giáo; tuy nhiên trong những năm cuối đời, Beethoven đã nhiệt thành yêu mến Chúa. Trong thời gian này, Beethoven đã viết những dòng chữ sau trên một cuốn tập ghi chú của ông:  “Đức Chúa Trời cao hơn tất cả!  Bởi vì chính sự quan phòng vĩnh cửu đang điều khiển cách thông suốt, đem lại phước hạnh lẫn bất hạnh cho con người … Tôi sẽ lặng yên đầu phục chính mình, với tất cả hưng suy, và đặt trọn niềm tin cậy của tôi nơi Ngài là Đấng Nhân Từ bất biến.  Lạy Chúa!  Ngài là vầng đá, là sự sống, là niềm tin cậy bất diệt của con!”

Tác phẩm Missa Solemnis được trình diễn lần đầu tiên vào ngày 7/4/1824 tại St. Peterburg, Nga.  Một tháng sau, ngày 7/5/1824, phần đầu của tác phẩm, do chính Beethoven làm nhạc trưởng, đã được trình bày tại Vienna, Áo.

Nội Dung

Như những tác phẩm Mass khác, Missa Solemnis gồm năm phần chính: Kyrie, Gloria, Credo, Santus – Benedictus, và Agnus Dei.

  • Kyrie mở đầu với phần hòa tấu thật trang trọng kéo dài 22 trường canh, trước khi ban hợp xướng bắt đầu ca khúc Kyrie eleisonKyrie eleison trong tiếng Hy Lạp là lời cầu nguyện xin Chúa đoái thương. Tuy nhiên, Kyrie eleison trong Missa Solemnis không giống phần này trong những Mass khác – thường chỉ là lời cầu nguyện của một cá nhân – nhưng trong Missa Solemnis đây là lời nguyện cầu của cả nhân loại xin Chúa đoái thương; và tất cả đồng tâm thờ phượng Ngài.
  • Gloria: Phần ca ngợi Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus được mở đầu bằng phần dẫn nhập của ban tứ ca.  Tiếp nối là ca khúc Gloria in Excelsis với giai điệu hùng tráng được trình bày bởi ban hợp xướng.  Sau đó, tất cả cùng hòa nhau trong thánh ca In Excelsis Deo.  Ba tiểu khúc khác Gratias Agimus, Qui Tollis, và Quoniam tu Solus lần lượt được trình bày bởi ban tứ ca và ban hợp xướng.
  • Credo: Phần thứ ba của Missa SolemnisCredo, gồm những ca khúc bày tỏ niềm tin.  Nội dung của lời ca được trích từ bản tín điều Constantinople được soạn từ năm 381, là căn bản bài tín điều của người Tin Lành và Kinh Tin Kính của người Công giáo.  Beethoven đã chia Credo thành bốn phần và viết với cung nhạc khác nhau: (I) từ allegro ma non troppo đến “descendit de coelis” trong Bb; (II)  từ “Incarnatus est” đến “Resurrexit” trong D; (III) từ “Et ascendit” đến phần xác nhận niềm tin trong F; (IV) và phần kết thúc “et vitam venturi saeculi, amen” trong Bb.  Về tiết tấu, Beethoven dùng giai điệu hài hòa khi nhắc đến sự giáng sinh của Chúa, căng thẳng khi Chúa bị đóng đinh, và tươi sáng khi Chúa sống lại.
  • Santus: Phần thứ tư của của Missa Solemnis là lời chúc tôn Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jesus. Dàn nhạc trình bày khúc dạo đầu với giai điệu thong thả.  Sau đó, violin tiếp nối với với những giai điệu thật cao, tượng trưng cho Đức Thánh Linh giáng lâm, khởi đầu cho Benedictus là thánh ca chúc tụng và ngợi khen. Giai điệu trong Benedictus được nhiều nhà nghiên cứu cho là những nét nhạc sâu sắc và hay nhất trong tác phẩm Missa Solemnis.
  • Agnus Dei:  Phần kết thúc của Missa Solemnis bắt đầu bằng lời cầu xin Chúa đoái thương.  Kế tiếp là lời nguyện cầu xin Chúa ban bình an.  Tuy nhiên, nét nhạc trong lời cầu nguyện này không giống như một lời nài xin, nhưng như là một đòi hỏi. Và sau đó, sau những dằn vặt, trăn trở, đối diện với Đấng Toàn Năng, con người nhận biết sự cao cả, uy nghi, tể trị của Chúa, đã chấp nhận thuận phục theo ý chỉ của Chúa.  Tác phẩm kết thúc trong sự khiêm nhu thuận phục khi con người tìm ra sự bình an trong Ngài.

Mời bạn đọc lắng nghe Missa Solemnis, một tác phẩm thánh nhạc của một nhà soạn nhạc thiên tài mà trong những năm cuối đời đã tìm được bình an khi đặt trọn niềm tin nơi Chúa.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành (9/2014)
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top