Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Lịch Sử » Nhìn Lại Thiên An Môn

Nhìn Lại Thiên An Môn

TankMan_by_StuartFranklin(Photo credit: Wikipedia)

Nhìn Lại Thiên An Môn

Ngày 4/6/2014 là ngày kỷ niệm 25 năm vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn, Trung Hoa.

Cách đây 25 năm, hàng triệu sinh viên và dân chúng Trung Hoa đã biểu tình tại hơn 400 thành phố để đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, cải tổ chính trị, và phục hồi lại quyền lãnh đạo của công nhân tại công xưởng.  Ngày 4/6/1989, trong khi một số sinh viên đang tuyệt thực, hàng chục ngàn sinh viên khác đang  biểu tình trước quảng trường Thiên An Môn, chính quyền Trung Hoa đã dùng xe tăng và súng để đàn áp đoàn biểu tình. Hàng trăm người đã chết, nhiều ngàn người bị thương trong vụ đàn áp này.  Sau đó, hàng ngàn người đã bị bỏ tù; hàng chục ngàn người khác bị quản thúc, và hàng trăm người khác phải trốn khỏi Trung Hoa, chấp nhận sống lưu vong.

Sau vụ tàn sát tại Thiên An Môn, ngày 13/6/1989, chính quyền Trung Hoa đã công bố danh sách 21 sinh viên lãnh đạo của phong trào Thiên An Môn mà họ đang lùng bắt.  15 người trong số những lãnh đạo sinh viên này đã trốn được khỏi Trung Hoa. Trong những năm về sau, vài người trong số những sinh viên đó đã tìm hiểu về Chúa và tin nhận Chúa.

Một trong những lãnh đạo phong trào đấu tranh tại Thiên An Môn là Xidong Yan. Anh sinh năm 1964.  Lúc đó, Xidong Yan là sinh viên luật khoa tại Đại Học Bắc Kinh và là đảng viên của Đảng Cộng Sản Trung Hoa.  Sau vụ chính quyền Trung Hoa thảm sát các sinh viên, Xidong Yan chính thức xin ra khỏi đảng.  Ngay sau đó, Xidong Yan bị bắt giam và bị cải tạo lao động 19 tháng.

Năm 1992, Xidong Yan trốn khỏi Trung Hoa và được nhận vào Hoa Kỳ với diện tỵ nạn chính trị.  Tại Hoa Kỳ, Xidong Yan theo học văn chương Anh, luật hình sự, và thần học tại Boston.  Năm 1994, Xidong Yan tham gia Lục Quân Hoa Kỳ và được cử đến phục vụ tại Iraq.  Trong thời gian tại ngũ, anh ghi danh theo học chương trình tiến sĩ thần học tại Gordon-Conwell Theological Seminary.  Năm 2009, Xidong Yan tốt nghiệp và nhận văn bằng tiến sĩ thần học. Tuy nhiên, anh không rời quân ngũ mà vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ với chức vụ mục sư tuyên úy.

XionYan_2013Mục Sư Tuyên Úy Xidong Yan (2012)

Một nhân vật lãnh đạo khác của phong trào đấu tranh tại Thiên An Môn là Zhang Boli.  Zhang Boli, sinh năm 1959, là người thứ 17 trong danh sách 21 nhân vật bị lùng bắt.  Sau vụ tàn sát tại Thiên An Môn, Zhang Boli lẫn trốn suốt sáu tháng tại vùng Hắc Long Giang.  Sau đó, Zhang Boli chạy sang Nga, yêu cầu được tỵ nạn chính trị tại một quốc gia tự do; tuy nhiên, chính phủ Nga không chấp nhận yêu cầu này; họ giam anh một tháng rồi thả ra với điều kiện Zhang Boli phải quay lại Trung Hoa.

Vượt biên trở lại Trung Hoa, Zhang Boli tiếp tục trốn thêm một năm rưỡi nữa.  Anh lẫn trốn tại những khu vực hẻo lánh, sống bằng cách săn bắn và câu cá; để chờ đợi những người bạn tìm cách đưa anh sang Hong Kong.  Ngày 13/6/1991, Zhang Boli đến được Hong Kong.  Ba ngày sau, Zhang Boli được chấp nhận cho tỵ nạn chính trị tại Hoa Kỳ.

Zhang Boli tin nhận Chúa trong thời gian anh lẫn trốn tại Trung Hoa. Zhang Boli kể lại rằng có một bà cụ già, là người đã giấu anh trong nhiều tháng, dạy anh cầu nguyện.    Lúc chạy trốn sang Nga, khi đã kiệt lực, anh nhớ lại lời khuyên của bà cụ hãy cầu nguyện với Chúa. Zhang Boli đã cầu nguyện xin Chúa cứu giúp và anh đã trao cuộc đời mình cho Chúa.

Đến Hoa Kỳ,  Zhang Boli giữ lời hứa nguyện đó; anh đã dâng mình đi hầu việc Chúa.  Hiện nay, Zhang Boli là mục sư tại Harvest Christian Chinese Church tại Virginia.

ZhangBoli_1989Sinh viên Zhang Boli (1989)

ZhangBoli_2014
Mục sư Zhang Boli (2009)

Mục sư Zhang Boli nói rằng sau vụ tàn sát tại Thiên An Môn, nhiều người Trung Hoa không còn tin vào chính quyền nữa; bởi vì khi chính quyền cho phép quân đội bắn vào chính người dân của mình đang tuyệt thực đấu tranh, thì họ trực tiếp xác nhận việc cải tổ trong hòa bình là không thể có.

Mục sư Zhang Boli nói thêm: Niềm tin Cơ Đốc – nhấn mạnh đến tình yêu, sự tha thứ, và sự hòa giải – là một ý thức hệ lý tưởng cho Trung Hoa.

Bên cạnh việc chăm sóc các tín hữu tại Harvest Christian Chinese Church, Mục sư Zhang Boli đã thu hình các bài giảng của mình, phổ biến trên internet, với mục đích giúp các tân tín hữu Trung Hoa biết rõ hơn về niềm tin nơi Chúa.

Nhân vật đứng thứ hai trong danh sách 21 người bị lùng bắt sau vụ Thiên An Môn là Wu’er Kaixi. Wu’er Kaixi sinh năm 1968.  Anh được sinh ra và lớn lên tại Bắc Kinh nhưng gia đình Wu’er Kaixi có nguồn gốc từ những bộ tộc thuộc khu tự trị Ili Kazakh.   Wu’er Kaixi là Chủ Tịch của Liên Đoàn Sinh Viên Tự Lập Bắc Kinh, và là người đã trực tiếp tranh luận với Thủ Tướng Lý Bằng vào tháng 5 năm 1989.

Sau vụ thảm sát tại Thiên An Môn, Wu’er Kaixi chạy trốn sang Hong Kong, rồi được đưa sang Pháp.  Sau đó, anh nhận được học bổng tại Đại Học Harvard. Sang Hoa Kỳ, theo học tại Harvard được một năm,  Wu’er Kaixi dọn sang San Francisco sống và tiếp tục học tại Dominican University.  Năm 2002, Wu’er Kaixi tin nhận Chúa và được người bạn từng đấu tranh tại Thiên An Môn là Mục sư Zhang Boli làm lễ báp-têm.

Wu’er Kaixi lập gia đình với một phụ nữ Đài Loan, và hiện nay đang sống tại Đài Loan.

Đến năm 2009, mặc dù sự kiện Thiên An Môn đã xảy ra được 20 năm, nhưng chính quyền Trung Hoa vẫn bôi xấu Wu’er Kaixi, và tên anh vẫn đứng thứ hai trên danh sách những người bị lùng bắt. Wu’er Kaixi đã bốn lần sẵn sàng nộp mình cho chính quyền Trung Hoa, để có thể được xét xử tại Trung Hoa; qua đó, anh có cơ hội giúp thế hệ trẻ Trung Hoa hiểu rõ sự thật.

wuerkaixi_1989Sinh viên Wu’er Kaixi (1989)

Wu'erkaixi_2013Wu’er Kaixi (2013)

Ngày 3/6/2009, Wu’er Kaixi đến Macao nộp mình nhưng chính quyền Macao từ chối không chịu bắt Wu’er Kaixi, và đã trục xuất anh về Đài Loan. Ngày 4/6/2010, Wu’er Kaixi đến tòa đại sứ Trung Hoa tại Tokyo để nộp mình, nhưng cảnh sát Nhật giữ anh lại vì đã xâm phạm tòa đại sứ Trung Hoa bất hợp pháp. Hai ngày sau, cảnh sát Nhật đã trả anh tự do.  Tháng 5/2012,  Wu’er Kaixi đến tòa đại sứ Trung Hoa tại Washington để nộp mình.  Lần này, các viên chức Trung Hoa tại Hoa Kỳ cố tình làm ngơ không đếm xỉa gì tới anh.  Cuối năm 2013, Wu’er Kaixi đến Hong Kong lập lại ý định một lần nữa, nhưng chính quyền tại đây cũng không chịu bắt anh.

Một trong bốn lãnh đạo hàng đầu của cuộc đấu tranh tại Thiên An Môn là Chai Ling.  Chai Ling sinh năm 1966 tại Sơn Đông.  Cha mẹ của cô là bác sĩ phục vụ trong Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng vào thập niên 1950. Chai Ling theo học tại Đại Học Bắc Kinh vào năm 1983 và tốt nghiệp với bằng cử nhân về tâm lý học.

Chai Ling là một trong những người đã tổ chức đấu tranh bằng tuyệt thực tại Thiên An Môn.  Cô cũng là người đã ở lại lãnh đạo cho đến những giờ phút chót, sau khi vụ tàn sát xảy ra, và cho tới khi tất cả các sinh viên rời khỏi Thiên An Môn.

Sau vụ thảm sát tại Thiên An Môn, như nhiều lãnh tụ sinh viên khác, Chai Ling ẩn trốn. Chính quyền Trung Hoa lúc đó đã công bố, không phải một lần, nhưng vài chục lần đã bắt được Chai Ling;  thực tế họ chỉ bắt lầm những người khác. Mười tháng sau, Chai Ling trốn được sang Hong Kong bằng cách núp trong một thùng chứa hàng.  Sau đó, cô sang Pháp.  Một thời gian sau, cô nhận được học bổng của Đại Học Princeton nên dọn sang Hoa Kỳ.

Tốt nghiệp đại học,  Chai Ling làm việc trong ngành đầu tư.  Cô tiếp tục theo học tại Harvard Business School, tốt nghiệp với bằng cao học về quản trị kinh doanh.  Năm 2001, Chai Ling lập gia đình với Robert Maginn, lãnh đạo của Đảng Cộng Hòa tại tiểu bang Massachusetts. Cô cũng thành lập tổ chức All Girls Allowed, chống lại chính sách một con của chính quyền Trung Hoa.  Năm 2009 – hai mươi năm sau vụ Thiên An Môn –  Chai Ling tiếp nhận Chúa.

ChaiLing_1990
Sinh viên Chai Ling (1990)

ChaiLing_2011_aChai Ling (2011)

Chai Ling đã hai lần được đề cử làm ứng viên cho giải Nobel Hòa Bình. Trong dịp kỷ niệm 25 phong trào đấu tranh tại Thiên An Môn, Chai Ling đã trả lời phóng vấn báo chí như sau:  Trung Hoa cần một nền văn hóa và giá trị mới, đặt căn bản trên tình yêu Chúa, yêu chính mình, và yêu tha nhân.  Cộng đồng Cơ Đốc là niềm hy vọng mới cho nước Trung Hoa.

Theo một số nhà nghiên cứu, ước tính hiện nay có gần một trăm triệu tín đồ Tin Lành tại Trung Hoa.

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org     

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top