Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Ngữ Vựng Kinh Thánh: A-men – Amen

Ngữ Vựng Kinh Thánh: A-men – Amen

Ngữ Vựng Kinh Thánh

Lời Ban Biên Tập:
Nhằm cung cấp kiến thức cho những người mới làm quen với Kinh Thánh, Thư Viện Tin Lành mở thêm mục Ngữ Vựng Kinh Thánh.  Hy vọng mục Ngữ Vựng Kinh Thánh sẽ cung cấp cho độc giả một số kiến thức căn bản để có thể học Kinh Thánh cách thích thú và hiểu Kinh Thánh cách sâu sắc hơn.

Tìm Hiểu Ý Nghĩa Chữ Amen

Ngữ Căn

Amen là một từ ngữ có nguồn gốc từ Kinh Thánh Cựu Ước.  Chữ Amen có nghĩa là “Thật vậy”, “Thật đúng như vậy”, “Nguyện được như vậy.”

Trong nguyên văn Do Thái (Hebrew), amen được viết là אָמֵן, được ghi theo mẫu tự Latin là āmēn.  Trong tiếng Aramaic, là ngôn ngữ được dùng phổ biến tại Do Thái dưới thời Đức Chúa Jesus, amen được viết là ܐܵܡܝܼܢ, được ghi theo mẫu tự Latin là ʾāmīn.  Chữ amen được dùng phổ biến giữa những người tin Chúa. 

Trong Tân Ước, amen được viết trong tiếng Hy Lạp (Greek) là ἀμήν, và chép theo mẫu tự Latin là amín.  Nhiều thế kỷ về sau, người Hồi giáo cũng dùng amen  (Arabic: آمین, ‘āmīn) trong sinh hoạt thường ngày cũng như trong nghi thức thờ phượng của họ.

Trong Cựu Ước

Trong nguyên văn Hebrew, chữ amen được dùng 30 lần trong Cựu Ước. Trong bản dịch Kinh Thánh Việt Ngữ 1925, 28 lần chữ amen được giữ nguyên văn, và 2 lần – trong Ê-sai 65:16 – đã được dịch thành “chân thật”.

Sách Phục Truyền dùng chữ amen 12 lần ghi lại lời đáp ứng của cộng đồng Do Thái để bày tỏ thái độ đồng tình của họ đối với những mạng lệnh đã được công bố (Phục Truyền 27:15-26). Tương tự, dân Do Thái dưới thời Nê-hê-mi cũng nói amen khi nghe lời công bố về hình phạt dành cho những người không giữ lời cam kết với Chúa (Nê-hê-mi 5:12). Trong Dân Số Ký,  chữ amen được người phụ nữ lập lại hai lần để bày tỏ lời cam kết nói đúng sự thật trong lời thề của mình (Dân Số Ký 5:22). Bê-na-gia, một vị tướng của vua Đa-vít, đã nói amen để bày tỏ sự đồng tình sau khi ông nghe vua Đa-vít ra lệnh cử hành lễ tôn vương cho Sa-lô-môn làm vua kế vị Đa-vít (I Các Vua 1:36).  Sách I Sử Ký thuật lại toàn thể dân chúng Do Thái đã nói amen để bày tỏ sự đồng lòng của họ sau khi họ nghe nội dung bài hát của A-háp tôn ngợi Đức Chúa Trời (I Sử Ký 1:26).  Tương tự, dân Do Thái cũng làm như vậy khi nghe E-xơ-ra tôn ngợi Chúa (Nê-hê-mi 8:6). 

Chữ amen khi được lập lại hai lần liên tục thể hiện sự khẳng định.  Cùng với Dân Số Ký 5:22 và Nê-hê-mi 8:6, có ba câu Kinh Thánh khác nữa trong Cựu Ước mà chữ amen đã được lập lại hai lần liên tiếp, đó là Thi Thiên 41:13, 72:19, và 89:52.  Ba câu Kinh Thánh này là lời kết thúc một bài hát khẳng định sự cam kết  muốn tôn vinh Đức Chúa Trời mãi mãi.  Thi Thiên 106:48 cũng dùng chữ amen với cùng một ý nghĩa như vậy.

Một ý nghĩa khác khi nói chữ amen đó là bày tỏ lòng ước mong.  Sau khi Tiên tri Giê-rê-mi nghe lời hứa của Đức Chúa Trời, ông đã nói amen với ước nguyện tất cả những điều Chúa đã hứa sẽ trở thành sự thật (Giê-rê-mi 11:5, 28:6).

Trong Tân Ước

Trong Tân Ước, chữ amen được dùng 129 lần trong nguyên văn Hy Lạp.  Trong nhiều bản dịch Kinh Thánh, 30 lần chữ amen được giữ nguyên văn, và 99 lần đã được dịch thành “quả thật”, “thật vậy”.

Trong Tân Ước, Đức Chúa Jesus là người dùng chữ amen nhiều nhất. Những câu nói của Đức Chúa Jesus trong các sách Phúc Âm mà bản dịch Việt Ngữ 1925 đã dịch là “quả thật”, trong nguyên văn Hy Lạp được viết là “ἀμήν” nghĩa là “amen“. Giống như trong Cựu Ước, rất nhiều lần Đức Chúa Jesus lập lại chữ amen hai lần để khẳng định một sự thật. Lời kết trong bài cầu nguyện mà Chúa đã dạy trong Phúc Âm Ma-thi-ơ đã kết thúc bằng chữ “amen” (Ma-thi-ơ 6:13), thể hiện ước mong nội dung lời cầu nguyện sẽ sớm được thành tựu. 

Đức Chúa Jesus không phải chỉ là người dùng nhiều chữ amen nhất trong Tân Ước, nhưng tác giả sách Khải Huyền còn gọi Ngài là Đấng Amen, tức là Đấng Chân Thật (Khải Huyền 3:14).  Điều này phù hợp với lời công bố của Đức Chúa Jesus vì Ngài cho biết Ngài chính là chân lý (Giăng 14:6).

Bên cạnh những ký thuật trong các sách Phúc Âm, Sứ đồ Phao-lô trong các thư tín đã dùng chữ amen để bày tỏ sự tán đồng với ý nguyện dâng vinh quang cho Đức Chúa Trời (Rô-ma 1:25; 9:5; 15:33; 16:27; Ga-la-ti 1:5; Ê-phê-sô 3:21; Phi-líp 4:20; I Ti-mô-thê 1:17; 6:16 ). Sứ đồ Phao-lô cũng dùng chữ amen để tôn ngợi Đức Chúa Jesus (Rô-ma 11:36; Ga-la-ti 6:18; II Ti-mô-thê 4:18). Ngoài ra,  Sứ đồ Phao-lô cũng dùng chữ amen để bày tỏ sự đồng ý (I Cô-rinh-tô 14:16).

Tương tự, tác giả thư Hê-bơ-rơ đã dùng chữ amen để bày tỏ sự đồng lòng tôn ngợi Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 13:21).  Sứ đồ Phi-e-rơ dùng amen để tôn ngợi Đức Chúa Jesus (I Phi-e-rơ 4:11; 5:11; II Phi-e-rơ 3:18).  Tác giả thư Giu-đe dùng amen để tôn ngợi Đức Chúa Trời (Giu-đe 1:25).  Tác giả sách Khải Huyền đã dùng amen để tôn ngợi Đức Chúa Trời (Khải Huyền 7:12; 19:4),  để tôn ngợi Đức Chúa Jesus (Khải Huyền 1:6; 3:14; 5:14), và cũng để khẳng định một sự thật (Khải Huyền 1:7; 22:20).  

Trong một số bản Kinh Thánh Tân Ước cổ trong tiếng Hy Lạp, amen cũng  là chữ cuối cùng được dùng trong Kinh Thánh. Chữ amen được ghi lại trong câu kết thúc của sách Khải Huyền: “Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jesus ở với mọi người! A-men (Khải Huyền 22:21).  Trong các bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt, Bản Dịch 2011, Bản Dịch Phổ Thông,  Bản Dịch Việt Ngữ và Bản Dịch Đại Chúng đã kết thúc với chữ amen của câu Kinh Thánh trên.

Phước Nguyên

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top