Cùng Học Kinh Thánh: Phi-líp 2:25-30
Cùng Học Kinh Thánh
Phi-líp 2:25-30
Câu Hỏi Gợi Ý
- Ai là người không phải là ruột thịt của bạn nhưng bạn gọi người đó là anh em? Lý do nào khiến bạn gọi người đó như vậy? Bạn có cùng thực hiện những công việc quan trọng nào với người đó hay không? Người đó có cùng một tâm tình với bạn để chiến đấu vì lẽ phải hay không?
Câu Hỏi Thảo Luận
- Ép-pa-phô-đích là ai (2:25e)? Sứ đồ Phao-lô đã gọi Ép-pa-phô-đích là người như thế nào (2:25b-d)? Điểm chung giữa những người anh em là gì (2:25b,1:5), giữa những đồng lao là gì (2:25c, 1:12, Rô-ma 12:4-8, 16:3, 16:9, 16:21; Phi-lê-môn 1:24), và giữa những chiến hữu là gì (2:25d, 1:27b, ; Phi-lê-môn 1:2; Ê-phê-sô 6:11)? Ba mối liên kết này nói lên điều gì trong mối quan hệ giữa Sứ đồ Phao-lô và Ép-pa-phô-đích? Tại sao Sứ đồ Phao-lô muốn gởi Ép-pa-phô-đích trở lại Hội Thánh Phi-líp (2:26)?
- Việc gì đã xảy ra cho Ép-pa-phô-đích khi ông đến thăm Sứ đồ Phao-lô (2:27a)? Đức Chúa Trời đã làm gì (2:27b)? Kết quả của điều đó là gì (2:27c)?
- Động lực nào khiến Sứ đồ Phao-lô nôn nóng gởi Ép-pa-phô-đích trở lại Phi-líp (2:28)? Theo bạn, có những động lực nào khác khiến Sứ đồ Phao-lô phải gởi Ép-pa-phô-đích trở lại Hội Thánh Phi-líp và mang theo bức thư này trước khi Ti-mô-thê chính thức đến thăm Hội Thánh như đã học ở phần trước hay không (1:27-2:18; 4:2-3; 3:2-21)?
- Những người bên ngoài Hội Thánh thường có thái độ nào với những người hầu việc Chúa (I Cô-rinh-tô 4:13)? Sứ đồ Phao-lô khuyên Hội Thánh Phi-líp nên tiếp đón Ép-pa-phô-đích với thái độ nào (2:29; I Cô-rinh-tô 16:18)? Tại sao họ nên làm như vậy (2:30, 4:10; Công Vụ 20:24; I Cô-rinh-tô 16:18)? Đức Chúa Jesus dạy gì về điều này (Giăng 12:26)?
Câu Hỏi Suy Gẫm
- Tên của Ép-pa-phô-đích trong nguyên văn Hy Lạp là Ἐπαφρόδιτος, có nghĩa là đáng yêu, duyên dáng, và xinh đẹp, giống như Ái, Duyên, và Tuấn trong tiếng Việt. Ông là người đã được Hội Thánh Phi-líp cử đến để giúp Sứ đồ Phao-lô (2:25b, 4:18) trong lúc Sứ đồ Phao-lô đang bị ở tù (1:12-14). Tuy nhiên Ép-pa-phô-đích không dừng lại ở trách nhiệm mang những phẩm vật cứu tế, ông đã ở lại để giúp Sứ đồ Phao-lô trong công việc Chúa và chiến đấu cho niềm tin của Phúc Âm (2:25a). Phân đoạn Kinh Thánh này cho biết Ép-pa-phô-đích không phải là một người mạnh khỏe về thể chất (2:27). Dầu vậy ông vẫn chấp nhận đi thật xa để chuyển tải sứ điệp giải hòa và nhắc nhở nguy cơ của tà giáo cho một Hội Thánh đang có mầm mống chia rẽ (1:27-2:18; 4:2-3) và đang bị tà giáo len lỏi vào (3:2-21). Trong hoàn cảnh của bạn, bạn có thể làm gì để an ủi hoặc san sẻ gánh nặng với người hầu việc Chúa? Giống như Ép-pa-phô-đích bạn có thể chuyển tải sứ điệp giải hòa và nhắc nhở về những nguy hại của tà giáo đang len lỏi vào trong Hội Thánh hay không?
- Ai là anh em, là người đồng lao, là chiến hữu của bạn trong đức tin (2:25)? Yếu tố nào khiến bạn coi người đó là anh em trong đức tin (1:5)? Bạn và người đó đã cùng nhau thực hiện những công việc gì cho Chúa (1:12)? Bạn và người đó đã chiến đấu trong lĩnh vực nào để bảo vệ niềm tin nơi Chúa (1:27)? Có bao giờ bạn chỉ muốn làm người anh em trong Chúa, nhưng không muốn làm người đồng lao hay chiến sĩ của Chúa hay không? Tại sao?
- Khác với Ép-pa-phô-đích, có những người thay vì đem đến sự an ủi cho người hầu việc Chúa, họ mang đến khổ đau cho những người hầu việc Chúa. Có những người thay vì hiệp tác xây dựng công việc Chúa, họ góp phần làm đổ vỡ công việc Chúa. Có những người thay vì chiến đấu xây dựng đức tin, họ giúp đỡ những người len lỏi vào Hội Thánh để phá vỡ công việc Chúa. Có bao giờ, vô tình hay cố ý, bạn hành động giống như những người này hay không? Lời Chúa trong Kinh Thánh nhắc nhở gì cho bạn (I Cô-rinh-tô 3:17)?
- Nếu bạn là các tín hữu tại Phi-líp, ai là người mà bạn tín nhiệm để thay mặt mình hổ trợ những người hầu việc Chúa? Có bao giờ bạn đề cử ai cũng được – miễn không phải chính mình – để làm công việc đó hay không? Nếu bạn là Sứ đồ Phao-lô, ai là người bạn chọn để mang thông điệp của mình cho Hội Thánh? Nếu bạn là tín hữu trong các Hội Thánh, bạn cần có thái độ nào đối với những người đã dấn thân hầu việc Chúa và suýt chết vì danh Chúa (2:29-30)?
- Tục ngữ Việt Nam có câu: “Chín người mười ý”. Thực tế này dường như cũng phổ biến trong nhiều Hội Thánh ngày nay. Một trong những sứ điệp chính của thư Phi-líp đó là: Các tín hữu và những người hầu việc Chúa trong các Hội Thánh phải khiêm nhường và hiệp nhất với nhau. Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Vì vậy, nếu còn chút khích lệ nào ở trong Đấng Christ, nếu còn chút an ủi nào trong tình yêu, nếu còn chút tương giao nào với Đức Thánh Linh, nếu còn chút trìu mến và thương xót nào, thì anh em hãy làm trọn niềm vui của tôi, khi anh em có cùng một suy tư, cùng một tình yêu, cùng một tâm hồn, cùng một nhận thức” (2:1-2 – BDVN). Sau đó, ông đã nhắc đến mẫu mực của Đấng Christ: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có” (2:5). Trong hai phân đoạn Kinh Thánh vừa học trong tuần này và tuần trước, chúng ta thấy Sứ đồ Phao-lô không chỉ khuyên những người khác, nhưng chính Sứ đồ Phao-lô, Ti-mô-thê, và Ép-pa-phô-đích đã thể hiện tinh thần hiệp nhất đó. Họ đã hiệp tác với nhau hầu việc Chúa trong những ngày gian khó của họ tại Rô-ma. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.” Bạn có thể làm gì để đem lại sự hiệp nhất, và qua đó góp phần cho sự phát triển của Hội Thánh (Giăng 13:34-35)?
Kinh Thánh: Phi-líp 2:25-30
25. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần phải gởi Ép-ba-phô-đích – là anh em, là bạn đồng lao, là chiến hữu của tôi, cũng là sứ giả của anh em và là người đã cung cấp những nhu cầu của tôi – đến với anh em; 26. bởi vì anh ấy rất mong gặp lại tất cả anh em, và rất lo lắng vì anh em nghe tin anh ấy bị bệnh.
27. Anh ấy thật sự bị bệnh gần chết, nhưng Đức Chúa Trời thương xót anh ấy, không chỉ thương xót anh ấy mà thôi, nhưng cả tôi nữa, để tôi khỏi buồn càng thêm buồn. 28. Vì vậy, tôi cấp tốc gởi anh ấy về để anh em được vui mừng khi gặp lại anh ấy, và để tôi có thể bớt lo lắng.
29. Vì vậy, hãy tiếp đón anh ấy với tất cả niềm vui trong Chúa, và hãy tôn trọng những người như thế. 30. Vì công việc của Đấng Christ mà anh ấy suýt chết, đã liều mạng để chu toàn những việc mà anh em không thể làm cho tôi.
- Trong khi chờ đợi, tôi tưởng cần phải sai Ép-ba-phô-đích, anh em tôi, bạn cùng làm việc và cùng chiến trận với tôi, đến cùng anh em, người cũng là ủy viên của anh em ở kề tôi, đặng cung cấp mọi sự cần dùng cho tôi vậy. 26. Vì người rất ước ao thấy anh em hết thảy, và đã lo về anh em nghe mình bị đau ốm. 27. Vả, người mắc bịnh gần chết; nhưng Đức Chúa Trời đã thương xót người, và chẳng những người mà thôi, cả đến tôi nữa, đặng tôi khỏi buồn rầu càng thêm buồn rầu. 28. Vậy, tôi đã sai người đi rất kíp, hầu cho anh em lại thấy người thì mừng rỡ, và tôi cũng bớt buồn rầu. 29. Thế thì, hãy lấy sự vui mừng trọn vẹn mà tiếp rước người trong Chúa, và tôn kính những người như vậy; 30. bởi, ấy là vì công việc của Đấng Christ mà người đã gần chết, liều sự sống mình để bù lại các việc mà chính anh em không thể giúp tôi.
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Đọc thêm:
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.