Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kinh Thánh » Cùng Học Kinh Thánh: Phi-líp 4:21-23

Cùng Học Kinh Thánh: Phi-líp 4:21-23

Cùng Học Kinh Thánh
Phi-líp 4:21-23

Câu Hỏi Gợi Ý

  1. Có bao giờ bạn được ai đó nhắc lại một cái tên, một địa vị, một danh xưng,… mà người khác đã dùng để gọi bạn trong quá khứ hay không?  Khi nghe lại điều đó, bạn cảm thấy như thế nào?  Vui hay buồn, hãnh diện hay nuối tiếc?  Tại sao?

Câu Hỏi Thảo Luận

  1. Sứ đồ Phao-lô đã gọi các tín hữu tại Phi-líp là ai (4:21; I Cô-rinh-tô 1:2)? Kinh Thánh nói gì về những người được gọi là thánh đồ (Rô-ma 1:7; II Cô-rinh-tô 1:1; Ê-phê-sô 1:1)? Vài trách nhiệm của các thánh đồ là gì (I Cô-rinh-tô 6:1-2; Ê-phê-sô 4:12)? Kinh Thánh nói gì về tư cách của các thánh đồ (Ê-phê-sô 5:1-4)? Đức Chúa Trời hứa điều gì cho các thánh đồ (Thi Thiên 34:9; Đa-ni-ên 7:18, 7:22; Ê-phê-sô 1:18, 2:19, 4:11-16)?
  2. Ai là những người đã gởi lời chào thăm Hội Thánh Phi-líp (4:21b; Ga-la-ti 1:2)?  Theo bạn những người đó có thể là ai (1:1, 2:25; Ê-phê-sô 6:21; Cô-lô-se 4:9-12, 4:14)? Những người nhận được lời chào thăm trong phần kết của bức thư này là ai (4:21)?  Trong thư Rô-ma, Sứ đồ Phao-lô nhắc đến tên của rất nhiều người trong đoạn kết của bức thư (Rô-ma 16:1-15).  Theo bạn tại sao Sứ đồ Phao-lô không nhắc đến tên một tín hữu nào trong lời chào cuối thư khi ông gởi thư cho Hội Thánh Phi-líp?
  3. Một nhóm người khác đã gởi lời chào thăm các tín hữu tại Hội Thánh Phi-líp, những người nầy là ai (4:22)?  Điều này nói gì về nguồn gốc nơi Sứ đồ Phao-lô đã gởi thư Phi-líp? Điều này nói gì về kết quả truyền giảng của Sứ đồ Phao-lô trong thời gian ông bị cầm tù (1:12-14)?  Điều này nói gì về ảnh hưởng của đạo Chúa trên những người có chức quyền trong thời gian đó (4:22)?
  4. Lúc mở đầu sách Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến mối quan hệ giữa người tin Chúa với ai (1:1-2)?  Khi kết thúc sách Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến mối quan hệ giữa người tin Chúa với ai (4:21, 4:23)?  Trong sách Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô lưu ý người tin Chúa cần biết, hay có được, những điều gì khi ở “trong Đấng Christ” (1:2, 1:26, 2:5, 2:21, 3:3, 3:8, 3:14, 3:20, 4:7, 4:19, 4:21)? Tại sao việc hiểu biết những mối quan hệ “trong Đấng Christ” là quan trọng cho mỗi tín hữu trong Hội Thánh vào lúc đó cũng như trong Hội Thánh ngày nay?
  5. Lời cầu chúc trong phần mở đầu của thư Phi-líp là gì (1:1-2)? Lời cầu chúc cuối trong thư Phi-líp là gì (4:23a; Rô-ma 16:20)? Điều cầu chúc đó sẽ ở tại đâu (4:23b; II Ti-mô-thê 4:22)?  Tại sao việc ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ ở trong lòng anh em là điều cần thiết (I Giăng 3:3, 3:24; I Phi-e-rơ 3:15; Cô-lô-se 3:16)?  Xin so sánh sự khác biệt giữa lời chúc trong phần mở đầu và lời chúc trong phần kết thúc? Xin giải thích tại sao?

Câu Hỏi Suy Gẫm

  1. Kinh Thánh cho biết thánh đồ là những người đã được Đức Chúa Jesus thánh hóa (I Cô-rinh-tô 1:2) và được Đức Chúa Trời biệt riêng ra (Giô-ên 2:16).  Thánh đồ có trách nhiệm tập tành sống theo những bản chất cao đẹp của Chúa (Ê-phê-sô 5:1-4). Một trong những trách nhiệm của các thánh đồ đó là xây dựng thân thể của Chúa (Ê-phê-sô 4:12), tức là Hội Thánh của Ngài (Cô-lô-se 1:24).  Nội dung của thư Phi-líp cho biết lúc đó tại Hội Thánh Phi-líp có một số tín hữu thay vì xây dựng thân Chúa, họ tranh cãi với nhau (4:2) làm tổn thương Hội Thánh của Ngài.  Trong lời kết của thư Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô nhắc lại địa vị thánh đồ của mỗi tín hữu như là một lời nhắc nhở gián tiếp cho những người đang gây chia rẻ trong Hội Thánh, bởi vì họ gây chia rẽ tức là họ làm ngược lại với trách nhiệm của một thánh đồ. Tình trạng đáng tiếc tương tự đã xảy ra tại Hội Thánh Cô-rinh-tô, rồi dẫn đến kiện tụng. Sứ đồ Phao-lô cho biết Đức Chúa Trời đặt để vị trí của các thánh đồ là để phân xử thế gian và các thiên sứ. Điều đáng tiếc là các tín hữu tại Cô-rinh-tô đã đem những chuyện bất đồng trong Hội Thánh cho những người bên ngoài xét xử (I Cô-rinh-tô 6:1-8). Theo bạn, tình trạng đó có còn xảy ra trong Hội Thánh ngày nay hay không? Nếu có, Hội Thánh nên làm gì để giải quyết (Phi-líp 2:1-5; I Cô-rinh-tô 6:7)? Về phần bạn, bạn đang dùng địa vị thánh đồ mà Chúa ban cho bạn như thế nào – xây dựng hay gây chia rẻ trong Hội Thánh?
  2. Ngay trong lúc Sứ đồ Phao-lô bị giam trong tù (1:12-14) vẫn có một số tín hữu ở bên cạnh ông (4:21b). Sứ đồ Phao-lô đã gọi những người nầy là anh em của mình. Giống như Sứ đồ Phao-lô, một số người hầu việc Chúa chân chính ngày nay vì công bố Phúc Âm của Chúa cho nên họ phải ở trong hoàn cảnh khó khăn (Ê-phê-sô 6:18-20). Bạn có thể làm gì để trở thành một “anh em” thân cận của họ?
  3. Bên cạnh Sứ đồ Phao-lô, có một số người đã gởi lời thăm Hội Thánh Phi-líp. Họ là những người quan tâm đến Hội Thánh Phi-líp. Bạn có biết rằng có nhiều người rất  quan tâm, hoặc để ý, đến Hội Thánh của bạn hay không (Hê-bơ-rơ 12:1a)?  Khi biết như vậy, bạn và Hội Thánh của bạn cần làm gì (Hê-bơ-rơ 12:1b)?
  4. Cụm từ “người nhà của Sê-sa” bên cạnh ý nghĩa căn bản là những người trong gia đình của Sê-sa còn có nghĩa là những viên chức thuộc về Sê-sa.  Phân đoạn Kinh Thánh này cho chúng ta biết một số nhân vật thuộc hoàng tộc hoặc những nhân vật quyền quý trong chính quyền La-mã thời đó đã tin Chúa.  Bạn và Hội Thánh của bạn có bao giờ nghĩ đến việc giới thiệu Phúc Âm của Chúa cho những bậc cầm quyền địa phương hay không?  Nếu Chúa ban cho bạn có cơ hội tiếp cận với những người đó, bạn sẽ làm gì?


Kinh Thánh: Phi-líp 4:21-23

Bản Dịch Việt Ngữ

  1. Xin chào tất cả các thánh đồ trong Đấng Christ Jesus. Các anh em đang ở với tôi chào anh em. 22. Tất cả các thánh đồ, đặc biệt là những người thuộc hoàng gia của Sê-sa, chào anh em.
  2. Nguyện ân điển của Chúa là Đức Chúa Jesus Christ ở cùng tâm linh anh em. A-men.
Bản Dịch 1925

  1. Hãy chào hết thảy các thánh đồ trong Đức Chúa Jêsus Christ; các anh em ở cùng tôi chào anh em 22. Hết thảy các thánh đồ chào anh em, nhất là về người nhà Sê-sa. 23. Nguyền xin ân điển của Đức Chúa Jêsus Christ ở trong lòng anh em!

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org 

Đọc thêm: 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top