Phim Kinh Thánh: Sách Ê-xơ-tê
Sách Ê-xơ-tê
Câu chuyện xảy ra vào thời A-suê-ru. Vua A-suê-ru này là người đã cai trị trên một trăm hai mươi bảy tỉnh từ Ấn Độ đến Ê-thi-ô-pi. Lúc đó, vua đang ngự trên ngôi của hoàng gia trong cung điện tại Su-sơ.
Vào năm thứ ba của triều đại mình, vua mở yến tiệc chiêu đãi tất cả các lãnh đạo và quần thần của mình trong quân đội Ba Tư và Mê-đi, các nhà quý tộc, và lãnh đạo các tỉnh. Trong suốt một trăm tám mươi ngày, vua phô trương sự giàu có sang trọng của vương quốc cùng sự oai nghi rực rỡ và vinh quang của mình.
Khi những ngày đó qua rồi, vua mở tiệc chiêu đãi tất cả dân chúng ở kinh đô Su-sơ từ sang đến hèn, trong bảy ngày nơi sân trong khu vườn của hoàng cung. Những giải màu trắng, xanh lục, xanh da trời được cột vào những sợi dây nhuyễn màu tím được gắn các vòng bạc để treo vào các trụ cẩm thạch. Có những trường kỷ bằng vàng bằng bạc được đặt trên nền lót cẩm thạch màu trắng, xanh dương, và đen. Người ta đãi rượu bằng những chén vàng với đủ các loại chén đựng rượu xứng với sự giàu có của bậc đế vương. Theo luật, không ai bị ép buộc uống rượu, vì vua đã chỉ thị cho các nhân viên trong hoàng cung phải phục vụ khách theo sở thích của mỗi người. Lúc đó, hoàng hậu Vả-thi cũng đãi tiệc cho các phụ nữ tại cung của vua A-suê-ru.
Qua ngày thứ bảy, đang khi hứng chí vì rượu, vua truyền cho Mê-hu-man, Bít-tha, Hạt-bô-na, Biếc-tha và A-bác-tha, Xê-thạt và Cạt-cách, tức bảy hoạn quan thân cận của vua A-suê-ru, đưa hoàng hậu Vả-thi đến trước mặt vua, với vương miện, để khoe sắc đẹp của bà với dân chúng và các nhà lãnh đạo, vì bà rất đẹp. Nhưng hoàng hậu Vả-thi không chịu theo lệnh của vua truyền qua các hoạn quan, vì thế vua nổi giận phừng phừng.
Vua hội ý với những nhà thông thái hiểu biết thời vận; vì theo thông lệ, khi có việc gì, vua thường tham khảo ý kiến những người thông thạo luật pháp và xét xử, là các cận thần của vua như Cạt-sê-na, Sê-thạt, Át-ma-tha, Ta-rê-si, Mê-re, Mạt-sê-na, Mê-mu-can, tức là bảy quan thượng thư của Ba-tư và Mê-đi, là những người thường gặp mặt vua và ngồi hàng đầu trong đế quốc.
“Theo luật pháp, chúng ta phải xử hoàng hậu Vả-thi như thế nào vì đã bất tuân lệnh vua truyền qua các hoạn quan?”
Mê-mu-can trả lời trước sự hiện diện của vua và các lãnh đạo: “Hoàng hậu Vả-thi không chỉ có lỗi với bệ hạ nhưng còn có lỗi với tất cả các lãnh đạo và dân chúng trong các tỉnh của vua A-suê-ru. Thái độ của hoàng hậu sẽ được đồn ra trong tất cả phụ nữ khiến họ nhìn chồng cách khinh bỉ, và nói rằng: ‘Vua A-suê-ru truyền đem hoàng hậu Vả-thi đến trước mặt vua nhưng bà không chịu hiện diện.’ Ngay hôm nay các mệnh phụ ở Ba Tư và Mê-đi nghe việc hoàng hậu đã làm cũng sẽ theo cách ấy mà cư xử với chồng là các triều thần của vua, thì sẽ sinh ra nhiều tức giận do chuyện xem thường. Vì vậy, nếu đẹp ý hoàng thượng, xin hoàng thượng ban một sắc chỉ và cho ghi vào trong sách luật của người Ba-tư và Mê-đi, để không thể thay đổi được, rằng Vả-thi sẽ không bao giờ được diện kiến vua A-suê-ru nữa, và kính xin hoàng thượng ban chức vụ đó cho người nào xứng đáng hơn. Khi chiếu chỉ của bệ hạ được loan truyền khắp vương quốc rộng lớn nầy thì tất cả phụ nữ từ người sang trọng đến kẻ thấp hèn sẽ tôn trọng chồng mình.”
Lời nầy hài lòng vua và hài lòng các lãnh đạo nên vua làm theo lời của Mê-mu-can. Vua gởi thư cho tất cả các tỉnh của vua, tỉnh nào theo chữ viết riêng của tỉnh ấy, dân tộc nào theo tiếng nói riêng của dân tộc ấy: mọi người nam phải làm chủ gia đình mình và điều đó phải được công bố bằng tiếng của mọi dân tộc.
Ê-xơ-tê được Vua A-suê-ru chọn làm hoàng hậu
Sau những việc đó, khi cơn giận của vua A-suê-ru đã nguôi, vua nhớ lại Vả-thi, việc bà đã làm, và sắc lệnh trừng phạt bà. Các cận thần, là những người hầu cận nhà vua, đã tâu rằng:
“Hãy tìm cho hoàng thượng những trinh nữ trẻ đẹp. Xin hoàng thượng chỉ định những viên chức trong các tỉnh thuộc vương quốc của hoàng thượng, để họ có thể tập trung những trinh nữ trẻ đẹp về hậu cung tại kinh đô Su-sơ, dưới sự giám sát của Hê-gai, quan thái giám của hoàng thượng, chịu trách nhiệm về các cung nữ, để cho họ được chuẩn bị trang điểm nhan sắc. Thiếu nữ nào vừa lòng hoàng thượng, xin hãy lập làm hoàng hậu thế cho Vả-thi.”
Điều này hài lòng vua, nên vua đã thi hành.
Tại kinh đô Su-sơ có một người Do Thái tên là Mạc-đô-chê, con trai của Giai-rơ, cháu của Si-mê-i, chắt của Kích, là một người Bên-gia-min đã bị đem đi khỏi Giê-ru-sa-lem cùng với những người bị lưu đày đã bị bắt cùng với Giê-cô-nia, vua Giu-đa, là những người đã bị Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đem đi. Mạc-đô-chê nuôi dưỡng Ha-đa-sa, tức Ê-xơ-tê, là con gái của cậu mình, vì cô gái không còn cha mẹ. Thiếu nữ này đã đẹp, đáng yêu và xinh đẹp. Khi cha mẹ cô qua đời, Mạc-đô-chê đã nhận cô làm con gái của mình.
Vì vậy khi mệnh lệnh và chiếu chỉ của vua được công bố, nhiều thiếu nữ được tập trung về kinh đô Su-sơ, dưới sự giám sát của Hê-gai. Ê-xơ-tê cũng được mang vào cung vua đặt dưới sự chăm sóc của Hê-gai, người trông coi các cung nữ. Thiếu nữ nầy vừa lòng Hê-gai và được ơn trước mặt ông. Ông nhanh chóng cấp cho cô những vật dụng để chuẩn bị trang điểm nhan sắc, và phần trợ cấp của cô, cùng với bảy nữ tỳ được tuyển chọn trong cung vua, rồi ông đưa cô với các nữ tỳ vào trong một phòng tốt nhất của hậu cung.
Ê-xơ-tê không tiết lộ về dân tộc hay gia đình của mình bởi vì Mạc-đô-chê đã dặn cô đừng tiết lộ điều đó. Mỗi ngày, Mạc-đô-chê đi dạo trước sân hậu cung để xem xét tình trạng của Ê-xơ-tê và điều gì đã xảy đến cho cô.
Để đến lượt mỗi thiếu nữ được tiến cung vua A-suê-ru, mỗi thiếu nữ phải hoàn tất những quy định cho phụ nữ trong mười hai tháng, như đã được chỉ định: sáu tháng chuẩn bị với dầu mộc dược, sáu tháng trang điểm với những hương liệu và các mỹ phẩm cho phụ nữ. Khi thiếu nữ nào vào chầu vua, cô ấy được phép mang bất cứ vật gì mình muốn đem theo từ hậu cung vào cung điện của vua. Buổi tối cô đến, buổi sáng cô trở về hậu cung thứ nhì dưới sự giám sát của Sa-ách-ga, quan thái giám của vua, là người chịu trách nhiệm trông coi những cung phi. Cô sẽ không được trở lại với vua trừ khi vua thích cô và vua cho gọi đích danh của cô.
Khi đến lượt của Ê-xơ-tê, con gái của A-bi-hai là cậu của Mạc-đô-chê, người đã nhận cô làm con gái của ông, được vào chầu vua, cô không đòi hỏi gì cả ngoại trừ điều được khuyên bởi Hê-gai, quan thái giám của vua, là người trông coi các cung nữ; và Ê-xơ-tê được ơn trước mọi người nhìn thấy cô.
Ê-xơ-tê được đưa vào hoàng cung để chầu vua A-suê-ru vào tháng mười, là tháng Tê-bết, vào năm thứ bảy thuộc triều đại của vua. Vua yêu mến Ê-xơ-tê hơn tất cả những phụ nữ khác và cô được ơn trước mặt vua hơn tất cả những trinh nữ khác. Vì vậy vua đặt vương miện trên đầu của cô và lập cô làm hoàng hậu thay cho Vả-thi. Rồi vua mở một tiệc lớn chiêu đãi các quan chức và quần thần, gọi là yến tiệc của Ê-xơ-tê. Vua cũng công bố một ngày lễ cho các tỉnh và ban các phẩm vật tương xứng với bậc đế vương.
Mạc-đô-chê khám phá âm mưu ám hại vua
Khi các trinh nữ họp lại lần thứ hai thì Mạc-đô-chê làm việc tại hoàng môn. Ê-xơ-tê không tiết lộ về dân tộc và gia thế của nàng, đúng như Mạc-đô-chê đã dặn nàng, vì Ê-xơ-tê vâng lời của Mạc-đô-chê như lúc cô còn được nuôi dưỡng dưới sự giám sát ông.
Trong thời gian đó, lúc Mạc-đô-chê làm việc tại hoàng môn, có hai hoạn quan giữ cửa của vua là Bích-than và Thê-rết vì tức giận vua nên âm mưu ám hại vua A-suê-ru. Mạc-đô-chê biết được việc đó nên ông báo cho hoàng hậu Ê-xơ-tê biết, và bà đã nhân danh Mạc-đô-chê tâu lại với vua. Vấn đề được điều tra và được xác nhận, hai người đó bị treo cổ trên cây mộc hình. Việc nầy đã được chép vào sách sử biên niên trước sự hiện diện của vua.
Sau những việc này, vua A-suê-ru thăng chức cho Ha-man con trai của Ham-mê-đa-tha, người A-gát. Vua cất nhắc ông và ban cho ông địa vị cao hơn các quan chức cùng với ông. Tất cả những triều thần tại hoàng môn đều cúi xuống và quỳ lạy Ha-man theo lệnh của vua; tuy nhiên Mạc-đô-chê không cúi xuống và cũng không quỳ lạy ông.
Các triều thần tại hoàng môn nói với Mạc-đô-chê: “Tại sao ông không tuân lệnh của vua?”
Thời gian trôi qua, ngày nầy qua ngày khác, họ nói với ông như vậy nhưng ông không nghe theo họ. Họ đã báo cho Ha-man để xem những lời của Mạc-đô-chê đã nói với họ rằng ông là một người Do Thái có đứng vững hay không.
Khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê không cúi xuống và cũng không quỳ lạy mình, Ha-man nổi giận. Tuy nhiên, ông thấy rằng ra tay trị một mình Mạc-đô-chê chỉ là một việc tầm thường; do người ta đã báo cho ộng biết về dân tộc của Mạc-đô-chê, vì vậy Ha-man tìm cách giết tất cả người Do Thái là dân tộc của Mạc-đô-chê trong toàn vương quốc của A-suê-ru.
Tháng đầu tiên là tháng Ni-san trong năm thứ mười hai của triều vua A-suê-ru, họ gieo Phu-rơ nghĩa là gieo thăm trước sự hiện diện của Ha-man để ấn định ngày tháng. Thăm gieo trúng tháng mười hai là tháng A-đa.
Ha-man đã tâu cùng vua A-suê-ru rằng: “Có một dân tộc bị tản lạc sống rải rác giữa tất cả các dân tộc trong các tỉnh thuộc vương quốc của bệ hạ. Luật pháp của chúng khác với luật pháp của tất cả các dân tộc khác, và chúng cũng không tuân theo luật pháp của bệ hạ. Vì vậy, để chúng tồn tại sẽ không có lợi cho bệ hạ. Nếu điều này đẹp lòng bệ hạ, xin hãy ban chiếu chỉ để chúng bị tuyệt diệt. Hạ thần sẽ nộp mười ngàn ta-lâng bạc vào trong các ngân khố của bệ hạ để trả cho những người thực hiện lệnh này.”
Nhà vua liền tháo chiếc nhẫn khỏi tay của mình và trao nó cho Ha-man con trai của Ham-mê-đa-tha người A-gát, là kẻ thù của dân Do Thái. Vua nói cùng Ha-man: “Trẫm giao bạc và cả dân tộc đó cho khanh. Hãy làm với họ điều gì khanh thấy là tốt.”
Các viên ký lục của vua đã được triệu tập vào ngày mười ba tháng giêng để viết một chiếu chỉ theo lệnh của Ha-man gởi cho các tổng trấn của vua, các thống đốc đang cai trị mỗi tỉnh theo từng tỉnh, và các viên chức của mỗi một dân tộc trong tất cả các dân tộc, tùy theo chữ viết của mỗi tỉnh trong ngôn ngữ của mọi dân tộc. Chiếu chỉ nhân danh vua A-suê-ru đã được viết và được đóng ấn bằng nhẫn của vua.
Các văn thư được những lính trạm đem tới tất cả các tỉnh của vua để thi hành việc thủ tiêu, giết chết, và tận diệt tất cả dân Do Thái bất kể già trẻ phụ nữ trẻ em trong một ngày tức ngày mười ba của tháng mười hai, là tháng A-đa, và tước đoạt các tài sản của họ. Bản sao của chiếu chỉ được lưu hành như một đạo luật công bố tại mỗi tỉnh và được ấn hành cho tất cả các dân tộc trong tỉnh để họ chuẩn bị sẵn sàng cho ngày này.
Các lính trạm đã vội vã ra đi theo lệnh của vua. Chiếu chỉ cũng được công bố tại kinh đô Su-sơ.
Sau đó, vua và Ha-man ngồi uống rượu, trong khi cả thành Su-sơ bối rối kinh hoàng.
Mạc-đô-chê yêu cầu Ê-xơ-tê giúp đỡ
Khi Mạc-đô-chê biết được mọi điều đã xảy ra thì Mạc-đô-chê xé trang phục của mình, mặc vải sô và đội tro, rồi đi vào giữa thành; ông lớn tiếng khóc và kêu gào cách cay đắng. Ông đi xa, đến tận trước hoàng môn, bởi vì không ai mặc vải sô mà được phép vào bên trong hoàng môn.
Trong mỗi tỉnh, bất kỳ nơi nào lệnh của vua và chiếu chỉ được truyền đến thì có sự sầu thảm bi thương, cùng với sự kiêng ăn, khóc lóc, than van ở giữa dân Do Thái. Nhiều người đã mặc vải sô nằm trên tro.
Do đó các tỳ nữ của Ê-xơ-tê và những hoạn quan đã thuật lại cho bà. Hoàng hậu rất buồn. Bà đã gửi trang phục để mặc cho Mạc-đô-chê và cởi bỏ vải sô khỏi ông, nhưng ông không nhận.
Ê-xơ-tê đã gọi Ha-thác, một trong những hoạn quan của vua là người được chỉ định hầu hạ bà, bà truyền cho ông đến gặp Mạc-đô-chê để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và lý do tại sao như vậy.
Do đó, Ha-thác đã đến gặp Mạc-đô-chê tại quảng trường của thành phố tại trước hoàng môn. Mạc-đô-chê thuật lại cho ông mọi điều đã xảy đến cho mình và số tiền mà Ha-man đã hứa đóng vào ngân khố của vua để tuyệt diệt dân Do Thái. Ông cũng trao Ha-thác một bản sao của chiếu chỉ đã được viết và ban hành tại Su-sơ về việc tuyệt diệt để Ha-thác trình cho Ê-xơ-tê và giải thích cho bà. Ông khuyên bà đến với vua, cầu xin vua và khẩn nài vua thương xót đến dân tộc của bà.
Ha-thác trở về thuật lại cho Ê-xơ-tê những lời của Mạc-đô-chê.
Ê-xơ-tê truyền cho Ha-thác nói với Mạc-đô-chê rằng: “Tất cả những triều thần của vua và dân chúng tại các tỉnh của vua đều biết rằng nếu bất cứ người nào – nam hay nữ – bước vào nôi cung của vua mà không được triệu mời thì người đó phải bị xử tử theo luật định, trừ khi vua đưa vương trượng vàng ra thì mới sống. Nhưng đã ba mươi ngày nay con không được gọi đến gặp vua.”
Người ta thuật lại cho Mạc-đô-chê những lời của Ê-xơ-tê.
Mạc-đô-chê bảo họ trả lời với Ê-xơ-tê: “Đừng suy nghĩ trong lòng con rằng nhờ ở trong cung vua, con sẽ thoát khỏi tai họa xảy đến cho tất cả những người Do Thái. Nếu con hoàn toàn nín lặng trong lúc này, dân Do Thái sẽ nổi lên và sự giải cứu đến từ nơi khác, nhưng con và nhà cha của con sẽ bị diệt vong. Có ai biết được rằng phải chăng chính vì lúc như thế này mà con đã được vào trong hoàng tộc?”
Ê-xơ-tê sai người trả lời với Mạc-đô-chê rằng: “Hãy đi triệu tập tất cả những người Do Thái đang hiện diện tại Su-sơ, hãy vì con mà kiêng ăn trong ba ngày đêm, đừng ăn hay uống gì hết. Con và các tỳ nữ của con cũng sẽ kiêng ăn như vậy. Sau đó, con sẽ vào chầu vua – là việc trái luật pháp; nhưng nếu con phải chết thì con chết.”
Mạc-đô-chê đã đi và làm theo mọi điều Ê-xơ-tê đã dặn mình.
Hoàng hậu Ê-xơ-tê yết kiến vua
Thời gian trôi qua, đến ngày thứ ba, Ê-xơ-tê mặc triều phục và đứng chầu tại nội điện của hoàng cung đối ngang cung thất của vua, trong khi vua mặc vương bào đang ngồi trên ngôi trong cung thất đối diện lối vào của cung thất.
Vừa khi vua thấy hoàng hậu Ê-xơ-tê đứng chầu nơi nội điện thì bà được ơn trước mặt vua, vua đã đưa vương trượng vàng trong tay về phía Ê-xơ-tê. Ê-xơ-tê lại gần và chạm vào đầu vương trượng.
Vua nói với bà: “Hoàng hậu Ê-xơ-tê! Khanh muốn điều gì? Điều thỉnh cầu của khanh là gì, cho dù đến nửa vương quốc trẫm cũng sẽ ban cho khanh.”
Ê-xơ-tê trả lời: “Nếu đẹp ý bệ hạ, xin bệ hạ và Ha-man hôm nay đến dự yến tiệc mà thiếp đã chuẩn bị cho bệ hạ.”
Vua bảo: “Hãy mau mời Ha-man đến để có thể làm theo lời hoàng hậu đã nói.” Vậy vua và Ha-man đi đến dự yến tiệc mà Ê-xơ-tê đã chuẩn bị.
Trong lúc dự tiệc rượu, vua nói với Ê-xơ-tê: “Điều thỉnh nguyện của khanh là gì, điều đó sẽ được chấp thuận. Điều thỉnh cầu của khanh là gì, cho dù đến nửa vương quốc, điều đó cũng sẽ được thực hiện”.
Ê-xơ-tê trả lời và nói rằng: “Đây là điều thiếp xin và thỉnh cầu: Nếu thiếp được ơn trước mặt bệ hạ, và nếu bệ hạ vui lòng ban cho theo lời thiếp xin và thỉnh cầu, thì xin mời bệ hạ và Ha-man đến dự yến tiệc mà thiếp sẽ dọn vào ngày mai, rồi thiếp sẽ làm theo lời bệ hạ truyền.”
Ha-man dựng giá treo cổ để giết Mạc-đô-chê
Ngày hôm đó, Ha-man ra về, trong lòng hớn hở vui mừng, nhưng khi Ha-man thấy Mạc-đô-chê tại hoàng môn không đứng dậy cũng không tỏ ra sợ hãi gì, thì Ha-man đầy tức giận với Mạc-đô-chê.
Tuy nhiên Ha-man kìm giữ chính mình, trở về nhà, ông sai gọi các bạn của ông và Xê-rết là vợ của ông đến. Ha-man đã kể cho họ sự giàu có sang trọng của ông, số con cái đông đúc của ông, mọi điều vua đã làm để thăng chức cho ông, và thế nào ông đã được thăng tiến hơn những quan chức và triều thần của vua. Ha-man còn nói: “Ngoài ra, Hoàng hậu Ê-xơ-tê đã không mời ai nhưng chỉ một mình ta cùng với vua đến dự yến tiệc của bà đã chuẩn bị. Ngày mai ta lại được bà mời dự tiệc với vua nữa. Tuy nhiên, tất cả những điều này chẳng có ý nghĩa gì khi ta còn thấy Mạc-đô-chê, là người Do Thái, vẫn còn đang ngồi tại hoàng môn.”
Vợ của ông là Xê-rết và tất cả các bạn nói với ông: “Hãy làm một cây mộc hình cao năm mươi am-mát, và sáng mai, hãy xin nhà vua cho treo cổ Mạc-đô-chê trên đó, rồi hãy vui vẻ đi dự yến tiệc với vua.”
Điều nầy làm hài lòng Ha-man và ông đã sai làm giá treo cổ.
Ha-man bị sỉ nhục trước mặt Mạc-đô-chê
Đêm đó, vua không ngủ được, nên đã truyền đem sách ký lục và sử biên niên đến để đọc cho vua. Đến đoạn viết về việc Mạc-đô-chê báo cáo Bích-than và Thê-rết – hai hoạn quan của vua, là những người có trách nhiệm giữ cửa – đã tìm cách ám hại vua A-suê-ru. Vua phán: “Về việc này, Mạc-đô-chê đã được ban thưởng vinh dự hay tước vị gì?”
Các cận thần đang phục vụ vua thưa: “Không có gì cả.”
Vua phán: “Ai đang ở trong triều đình?”
Lúc đó, Ha-man vừa bước vào triều đình là phần ngoại vi của hoàng cung để xin vua treo cổ Mạc-đô-chê trên cây mộc hình mà ông đã chuẩn bị.
Các cận thần của vua thưa: “Có Ha-man đang đứng chầu trong triều đình.”
Vua phán: “Hãy cho ông ấy vào.”
Vì vậy Ha-man đã vào, vua hỏi ông rằng: “Nên làm gì cho người mà vua muốn tôn trọng?”
Ha-man nghĩ trong lòng rằng: “Có ai mà vua muốn tôn trọng hơn ta?” Vì vậy Ha-man đã trả lời vua: “Người nào vua muốn tôn trọng, hãy mang vương bào mà vua đã mặc, ngựa mà vua đã cưỡi, vương miện đã đội trên đầu vua, rồi hãy trao áo bào và ngựa vào tay của một triều thần tối cao của vua để mặc cho người mà vua muốn tôn trọng, rồi dẫn người đó trên lưng ngựa diễn hành qua quảng trường của thành phố, và hãy hô vang trước người đó rằng: ‘Người mà vua muốn tôn trọng được đối đãi như vậy.’”
Vua nói với Ha-man: “Hãy mau đem áo bào và ngựa đến, như khanh đã đề nghị, và hãy thực hiện như vậy cho Mạc-đô-chê, người Do Thái, đang ngồi tại hoàng môn – đừng bỏ qua bất cứ điều gì mà khanh đã nói.”
Vì vậy Ha-man dẫn ngựa và lấy áo bào mặc cho Mạc-đô-chê rồi dẫn ông trên lưng ngựa đi qua quảng trường của thành phố, và hô vang trước mặt ông ấy: “Người mà vua muốn tôn trọng sẽ được đối đãi như vậy!”
Sau đó, Mạc-đô-chê trở lại hoàng môn. Còn Ha-man vội vã trở về nhà mình, trùm đầu lại và than khóc. Khi Ha-man thuật lại cho Xê-rết, vợ của ông, và tất cả những người bạn của ông nghe mọi điều đã xảy đến cho mình. Các cố vấn của ông và Xê-rết, vợ ông, nói: “Nếu Mạc-đô-chê thuộc dòng dõi Do Thái, ông đã bắt đầu thất thế trước trước hắn rồi; ông sẽ không thắng hắn được đâu nhưng chắc chắn sẽ thất bại trước hắn.”
Khi họ còn đang nói chuyện với ông, các hoạn quan của vua đã đến và vội vã đưa Ha-man đi dự yến tiệc mà Ê-xơ-tê đã chuẩn bị.
Ha-man bị treo cổ
Vì vậy, vua và Ha-man đến dự tiệc với hoàng hậu Ê-xơ-tê.
Vào ngày thứ hai, khi đang dự tiệc rượu, vua lại nói với Ê-xơ-tê: “Hoàng hậu Ê-xơ-tê! Điều thỉnh nguyện của khanh là gì, điều đó sẽ được chấp thuận. Điều thỉnh cầu của khanh là gì, cho dù đến nửa vương quốc, điều đó cũng sẽ được thực thi.”
Hoàng hậu Ê-xơ-tê trả lời: “Thưa bệ hạ! Nếu thiếp được ơn trước mặt bệ hạ và nếu bệ hạ đẹp lòng, thì điều thỉnh nguyện của thiếp là xin cứu mạng sống của thiếp, và điều thỉnh cầu của thiếp là dân tộc của thiếp. Bởi vì thiếp và dân tộc của thiếp đã bị bán để bị hủy diệt, bị giết chết, và bị thủ tiêu. Nếu chỉ bị bán để làm nam nữ nô lệ, thì thiếp cũng đành nín lặng, bởi vì nghịch cảnh đó không bù đắp tương xứng cho sự thiệt hại của bệ hạ.”
Vua A-suê-ru trả lời và nói với hoàng hậu Ê-xơ-tê: “Kẻ này là ai? Kẻ này đang ở đâu mà dám toan tính trong lòng làm chuyện như vậy?”
Ê-xơ-tê nói: “Kẻ thù địch đó chính là Ha-man độc ác này!”
Ha-man kinh hãi trước mặt vua và hoàng hậu.
Vua nổi giận đứng dậy, rời bàn tiệc vào vườn ngự uyển, nhưng Ha-man vì thấy rõ vua nhất định giáng họa cho mình nên đứng lại nài xin hoàng hậu Ê-xơ-tê cứu mạng mình.
Khi vua từ vườn ngự uyển trở lại yến sảnh, nơi đãi tiệc rượu, Ha-man đang phủ phục trên trường kỷ tại chỗ của Ê-xơ-tê. Vua nói: “Trong khi ta còn trong cung, mà nó còn cưỡng bức hoàng hậu nữa sao?” Lời vừa ra khỏi miệng vua thì người ta liền che mặt Ha-man.
Hạt-bô-na, một trong những hoạn quan của vua, nói: “Kìa, có cây mộc hình cao năm mươi am-mát đang trước nhà Ha-man mà Ha-man đã dựng sẵn cho Mạc-đô-chê là người đã trình báo để cứu vua.” Vua phán: “Hãy treo nó lên đó!” Vì vậy, người ta treo Ha-man trên cây mộc hình mà hắn đã chuẩn bị cho Mạc-đô-chê.
Rồi cơn giận của vua nguôi đi.
Mạc-đô-chê được thăng tiến
Trong ngày hôm đó, vua A-suê-ru đã ban cho hoàng hậu Ê-xơ-tê nhà của Ha-man là kẻ thù của dân Do Thái, và Mạc-đô-chê được chầu trước mặt vua bởi vì Ê-xơ-tê đã trình cho vua mối liên hệ của ông với nàng. Vì vậy, vua đã cởi chiếc nhẫn mà vua đã lấy từ Ha-man, và trao nó cho Mạc-đô-chê. Ê-xơ-tê chỉ định Mạc-đô-chê quản trị nhà của Ha-man.
Chiếu chỉ bảo vệ dân Do Thái
Ê-xơ-tê lại tâu cùng vua, bà phủ phục dưới chân vua khóc lóc và cầu xin vua đảo ngược kế hoạch độc ác của Ha-man, người A-gát, đã hoạch định để chống lại dân Do Thái.
Vua đưa vương trượng vàng về phía Ê-xơ-tê. Ê-xơ-tê trỗi dậy, đứng trước mặt vua, và nói: “Nếu đẹp ý của bệ hạ, nếu thiếp được ơn trước mặt bệ hạ, nếu bệ hạ thấy điều nầy đúng, và nếu thiếp đẹp mắt bệ hạ, xin ban chiếu chỉ hủy bỏ các văn thư do Ha-man, con trai của Ham-mê-đa-tha, người A-gát, đã hoạch định và viết ra để tiêu diệt dân Do Thái tại tất cả các tỉnh của bệ hạ. Bởi vì nỡ nào thiếp nhìn thấy tai họa xảy đến cho dân tộc của thiếp? Nỡ nào thiếp chứng kiến cảnh đồng bào của mình bị hủy diệt?”
Vua A-suê-ru nói với hoàng hậu Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê, người Do Thái, rằng: “Nầy, trẫm đã ban cho Ê-xơ-tê ngôi nhà của Ha-man, và người ta đã treo cổ hắn trên cây mộc hình bởi vì hắn đã ra tay làm hại người Do Thái. Các khanh hãy nhân danh trẫm viết điều gì vừa ý mình liên quan đến người Do Thái, rồi lấy chiếc nhẫn của trẫm mà đóng ấn bởi vì chiếu chỉ nào nhân danh trẫm viết ra và đã được đóng ấn bằng chiếc nhẫn của trẫm thì không ai có thể bãi bỏ được.”
Vì vậy, các ký lục của vua đã được triệu tập vào ngày hôm ấy, tức là ngày hai mươi ba tháng ba, là tháng Si-van, để viết theo lệnh của Mạc-đô-chê gởi cho dân Do Thái, và cho các tổng trấn, các thống đốc, các lãnh đạo của các tỉnh từ Ấn Độ cho đến Ê-thi-ô-pi, tức một trăm hai mươi bảy tỉnh, tỉnh nào dùng chữ viết của tỉnh đó, dân nào dùng ngôn ngữ của dân đó, và cho dân Do Thái theo chữ viết và ngôn ngữ của họ. Ông đã viết nhân danh vua A-suê-ru, và đóng ấn bằng chiếc nhẫn của vua; rồi các văn thư được lính trạm đem đi, họ cưỡi ngựa phi mã, là giống ngựa chạy rất nhanh của hoàng gia.
Trong những văn thư này, vua cho phép người Do Thái trong mọi tỉnh thành được tập hợp lại với nhau để bảo vệ sinh mạng của mình, hủy diệt, giết chết, diệt trừ bất kể dân nào hay tỉnh nào dùng vũ lực tấn công họ, phụ nữ hay trẻ em của họ, hay nhằm cướp đoạt tài sản của họ, và hiệu lực chỉ một ngày trong tất cả các tỉnh của vua A-suê-ru là ngày mười ba tháng mười hai, là tháng A-đa. Bản sao của văn bản được ban hành như là một chiếu chỉ, và được công bố trong mỗi tỉnh cho tất cả các dân tộc, để người Do Thái sẵn sàng báo thù cho mình trong ngày này. Các lính trạm cưỡi ngựa phi mã vội vã ra đi theo mệnh lệnh khẩn cấp. Chiếu chỉ cũng được ban hành tại kinh đô Su-sơ.
Mạc-đô-chê từ hoàng cung đi ra, mặc áo triều xanh và trắng của hoàng tộc, đội vương miện lớn bằng vàng, và trang phục bằng vải mịn màu tím. Thành phố Su-sơ reo hò mừng rỡ.
Dân Do Thái đã có được ánh sáng, hân hoan, vui mừng, và kính trọng. Trong mỗi tỉnh mỗi thành, nơi nào mệnh lệnh và chiếu chỉ của vua truyền đến thì nơi đó dân Do Thái có sự vui mừng và hân hoan, yến tiệc và lễ lộc. Có những người có địa vị thuộc các dân tộc khác ở trong xứ cũng theo Do Thái giáo, bởi vì nỗi sợ hãi dân Do Thái đã giáng trên họ.
Người Do Thái chiến thắng kẻ thù
Ngày mười ba của tháng mười hai là tháng A-đa đã đến, khi mệnh lệnh và chiếu chỉ của vua được thi hành, đó là ngày mà những kẻ thù của dân Do Thái đã hy vọng để áp đảo họ, nhưng đã trở thành ngày mà dân Do Thái triệt hạ những người ghét họ. Dân Do Thái đã tập hợp tại các thành của họ trong khắp các tỉnh của vua A-suê-ru để ra tay tấn công những kẻ tìm hại họ. Không ai chống cự họ nổi bởi vì sự khiếp sợ đã giáng xuống trên tất cả các dân tộc. Tất cả các viên chức cấp tỉnh, các tổng trấn, các thống đốc, và tất cả những người đang làm việc cho vua đều giúp đỡ dân Do Thái vì sự kính sợ Mạc-đô-chê đã giáng trên họ. Bởi vì Mạc-đô-chê rất được tôn trọng trong hoàng cung, danh tiếng của ông loan truyền ra khắp các tỉnh; con người của Mạc-đô-chê càng trở nên nổi bật.
Cho nên người Do Thái đã dùng gươm đánh bại, giết chết, và hủy diệt tất cả những kẻ thù của họ, và đã đối xử với những kẻ ghét họ theo điều họ muốn. Tại kinh đô Su-sơ, người Do Thái đã giết và triệt hạ năm trăm người. Họ giết Phạt-san-đa-tha, Đanh-phông, A-ba-tha, Phô-ra-tha, A-đa-lia, A-ri-đa-tha, Phạt-ma-sa-ta, A-ri-sai, A-ri-đai và Va-giê-xa-tha, tức là mười con trai của Ha-man, con của Ham-mê-đa-tha, là kẻ thù của dân Do Thái; tuy nhiên họ không cướp đoạt tài sản.
Trong ngày hôm đó, số người bị giết trong kinh đô Su-sơ đã được báo cho vua. Vua đã nói với hoàng hậu Ê-xơ-tê rằng: “Người Do Thái đã giết và hủy diệt năm trăm người tại kinh đô Su-sơ, cùng với mười con trai của Ha-man. Họ đã làm gì trong các tỉnh còn lại của trẫm? Bây giờ khanh thỉnh nguyện điều gì, điều đó sẽ được chấp thuận, hay khanh thỉnh cầu thêm điều gì nữa, điều đó cũng sẽ được thực hiện.
Ê-xơ-tê thưa: “Nếu đẹp ý bệ hạ, ngày mai xin cho phép người Do Thái tại Su-sơ cũng thi hành chiếu chỉ như ngày hôm nay và cho treo cổ mười con trai của Ha-man trên mộc hình.”
Vua truyền lệnh thực hiện điều này, một chiếu chỉ được ban ra tại Su-sơ. Người ta treo cổ mười con trai của Ha-man. Dân Do Thái tại Su-sơ cũng họp lại vào ngày mười bốn của tháng A-đa và giết ba trăm người tại Su-sơ nhưng họ không cướp đoạt tài sản.
Những người Do Thái còn lại trong các tỉnh của vua đã họp lại để bảo vệ mạng sống của họ, giải cứu họ khỏi những kẻ thù và đã giết bảy mươi lăm ngàn người thù nghịch, nhưng họ không cướp đoạt tài sản. Việc nầy đã xảy ra vào ngày mười ba, tháng A-đa. Họ nghỉ ngơi vào ngày mười bốn tháng đó và lập thành một ngày yến tiệc vui vẻ.
Lễ Phu-rim
Nhưng người Do Thái tại Su-sơ họp nhau lại trong ngày mười ba cũng như trong ngày mười bốn, cho nên họ nghỉ vào ngày mười lăm của tháng, và đã thiết lập thành một ngày yến tiệc vui vẻ. Vì vậy, những người Do Thái ở các vùng nông thôn, trong các thị trấn không có tường thành, kỷ niệm ngày mười bốn của tháng A-đa làm ngày yến tiệc vui mừng, như là một ngày lễ để gửi quà cho nhau.
Mạc-đô-chê đã viết những điều nầy và gửi các văn thư cho tất cả những người Do Thái trong các tỉnh xa gần của vua A-suê-ru để thiết lập ở giữa họ ngày mười bốn và mười lăm của tháng A-đa hằng năm làm dịp ăn mừng – thực hiện hằng năm và suốt cả đời. Bởi vì trong những ngày đó, dân Do Thái đã được giải cứu khỏi những kẻ thù của họ; đó cũng chính là tháng đã đổi họ từ sầu khổ đến vui mừng, từ tang thương đến lễ hội; họ nên làm cho những ngày đó trở thành những ngày yến tiệc vui mừng, gởi quà cho nhau, và tặng quà cho những người nghèo.
Người Do Thái chấp nhận điều này, và họ đã bắt đầu phong tục này theo như Mạc-đô-chê đã viết cho họ. Bởi vì Ha-man, con của Ha-mê-đa-tha, người A-gát, là kẻ thù của tất cả người Do Thái, đã âm mưu chống lại người Do Thái nhằm tiêu diệt họ, và hắn đã gieo Phu-rơ, nghĩa là gieo thăm, để tiêu diệt và tuyệt diệt họ. Tuy nhiên khi việc này đến trước vua, vua đã truyền lệnh bằng chiếu chỉ rằng: Mưu ác mà Ha-man đã lập để chống lại người Do Thái sẽ đổ lại trên đầu của hắn. Hắn và các con trai của hắn bị treo trên cây mộc hình. Vì vậy, họ đã gọi những ngày này là Phu-rim, theo tên của Phu-rơ. Cũng chính vì những lời trong văn thư nầy, và những điều họ chứng kiến liên hệ đến vấn đề này, cùng việc đã xảy đến cho họ, cho nên người Do Thái đã thiết lập cho chính họ, cho dòng dõi của họ, và cho những người gia nhập với họ, một truyền thống đó là: Mỗi năm họ sẽ ăn mừng trong hai ngày này theo những hướng dẫn đã được viết ra, và theo thời gian đã được ấn định, năm này qua năm khác, không được bỏ qua. Phải ghi nhớ những ngày này và hãy gìn giữ trong mỗi gia tộc, tại mỗi tỉnh thành, trải qua mọi thế hệ. Những ngày Phu-rim nầy sẽ không bao giờ bị bỏ qua ở giữa dân Do Thái, và lễ kỷ niệm này cũng không bị mai một trong con cháu họ.
Hoàng hậu Ê-xơ-tê, con gái của A-bi-hai, và Mạc-đô-chê, người Do Thái, đã viết bức thư thứ hai với đầy đủ thẩm quyền để xác nhận lễ Phu-rim. Các văn thư được gửi đến tất cả những người Do Thái trong một trăm hai mươi bảy tỉnh thuộc vương quốc của A-suê-ru với lời lẽ hòa nhã, chân tình, nhằm xác nhận về thời gian của những ngày được hướng dẫn cho họ về lễ Phu-rim theo như Mạc-đô-chê, người Do Thái, và hoàng hậu Ê-xơ-tê đã chỉ thị cho họ và dòng dõi của họ về những vấn đề liên hệ đến sự kiêng ăn và than khóc. Như vậy, chiếu chỉ của Ê-xơ-tê đã xác nhận những vấn đề liên hệ đến lễ Phu-rim đã được ghi chép vào trong sách.
Mạc-đô-chê được tuyên dương
Vua A-suê-ru đã quy định việc triều cống trên đất và trên các hải đảo.
Tất cả những công trạng thuộc về quyền lực và uy thế của nhà vua, cùng ký thuật về việc vua thăng tiến cho Mạc-đô-chê được cao trọng, không phải những điều đó đã được chép trong các sách biên niên sử của các vua nước Mê-đi và Ba Tư hay sao?
Mạc-đô-chê, người Do Thái, làm tể tướng của vua A-suê-ru, được tôn trọng giữa những người Do Thái, và được nhiều anh em của ông quý mến bởi vì ông mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc của mình, và lên tiếng để đem lại an ninh cho tất cả những đồng hương của mình.
Bản Dịch Đại Chúng – Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.