Mục sư Phan Thanh Bình: Cơn Thạnh-Nộ Ngày Sau
Cơn Thạnh-Nộ Ngày Sau
Hầu hết chúng ta ý-thức chết không phải là hết, chết không chấm dứt đời sống con người như mọi sanh vật khác trong trần thế. Sự chết chỉ là cánh cửa mở ra cho con người bước qua để vào một đời khác. Có người lại ví sự chết như con đò đưa người từ bến bờ bên này qua bến bờ bên kia. Tiếng Việt mình hay dùng chữ “qua đời” để chỉ người chết. Bỏ đời này “qua đời” khác.
Ðời sau thế nào không ai biết rõ. Nhưng người ta rất sợ chết. Chết là nỗi kinh-hoàng của nhân-loại. Triết gia Trung-hoa Trang-Tử đã trấn an người ta về nỗi kinh-hoàng của sự chết như vầy: “Sinh ra trong khoảng trời đất này con người chẳng khác nào cái bóng mặt trời thoáng qua khe cửa sổ; đường sinh-tử là lối đi ra đi vào tự-nhiên của vạn-vật, nhẹ-nhàng, dễ-dàng không riêng gì cho người nào và cho vật gì. Vì hóa mà phải sinh, vì hóa mà phải tử thì việc gì ta phải lo, phải buồn. Lo buồn cho sự sống chết tức là không biết gì và còn cãi lại mệnh trời nữa. Con người quen lo sợ cho điều mình chưa biết ra thể nào, biết đâu sự thay đổi ấy của Tạo-hóa là một điều hay mà mình nên mong-ước. Ngày xưa, người gái đẹp đất Lệ sang lấy vua nước Tần, lúc ở nhà ra đi thì kêu-khóc; đến khi về ở với vua được mọi điều sung-sướng lúc ấy mới hối rằng mình trước kia đã khóc nhiều. Thế thì biết đâu người chết rồi lại không hối lúc trước mình đã cầu-mong sống”.
Ðể trấn-an sự sợ-hãi khi qua đời, Trang-Tử chỉ đưa ra một giả-thuyết mơ-hồ “biết đâu” đời sau lại sướng. Nhưng theo sự hiểu biết “nguyên-tri”, con người cảm nhận qua đời là vào nơi khốn-khổ. Kết-thúc lời phân-ưu với tang quyến bao giờ người ta cũng có lời cầu chúc linh-hồn người qua đời “sớm” phiêu-diêu miền cực-lạc, tiên-cảnh hay một thiên-đường nào đó. Nghĩa là linh-hồn người qua đời chắc hẳn chưa vào chỗ “sướng”, mà đang ở chỗ chẳng sướng chút nào, trái lại còn bị đầy-đọa khốn-khổ.
Giăng đã nói với những người đến nghe mình giảng như vầy: “Hỡi dòng-dõi rắn lục, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn thạnh-nộ ngày sau” (Lu-ca 3:7). Thật ra chẳng ai dạy con người biết có “cơn thạnh-nộ ngày sau” để tránh. Ðó là sự hiểu-biết “nguyên-tri” vì con người cảm biết mình chẳng những không thánh-thiện, mà còn đầy-dẫy tội-lỗi. Tội-lỗi ở đời này còn có sự đoán-phạt, thì đời sau chắc-chắc phải có sự đoán-phạt khủng-khiếp nào đó cho thân-phận tội-lỗi của mình. Ai đoán-phạt thì chưa biết, nhưng chắc-chắn phải có sự đoán-phạt.
Ðời sau của con người là một sự “huyền-bí” nên mỗi tôn-giáo tha hồ suy-luận. Tôn-giáo nào cũng mô-tả đời sau có hai nơi cho linh-hồn – sống một cảnh, chết hai quê: Thiên-đàng hay hỏa-ngục. Khó có ai cảm thấy linh-hồn mình đủ điều-kiện vào thiên-đàng, song dư điều-kiện để vào hỏa-ngục “lãnh cơn thạnh-nộ ngày sau”.
Trong sự-tích Phật Bà Chúa Hương-Tích. Hồn Chúa Bà được viếng 18 ngục-tù, đại loại:
Kìa ngục đem ném vạc dầu,
Xác người nhừ nát từ đầu đến chân.
Dưới thời lửa đốt cháy ran,
Dầu sôi người khóc muôn vàn khổ thay.
Vì trong trần thế tội đầy,
Trong lòng hiểm-độc sâu cay quá chừng.
Bạo nghịch Thiên, Ðịa, Thánh, Thần,
Phật, Tiên, Tổ, Khảo, Quân, Thân mấy thầy.
Kìa ngục huyết hồ gớm thay,
Hồ sâu những máu tanh nay lạ-lùng.
Bắt đem ấn đầu vào trong,
Thò lên rắn-rết, thuồng-luồng cắn ngay.
Vân vân … và … vân vân.
Hầu hết các câu chuyện về hỏa-ngục được các tôn-giáo phổ-biến đều có mục-đích làm cho con người sợ mà tránh bớt tội-ác trên trần-thế. Một loại “ngáo-ộp” cho người lớn. Nhưng con người dầu sợ đấy vẫn không thể không phạm tội. Ðể giải quyết việc bất năng này. Các tôn giáo lại xướng-xuất lễ “cầu-hồn” hầu giải-đáp nan-đề “sa hỏa-ngục”, vẫn còn cơ-may “sớm phiêu-diêu” – thoát hỏa-ngục.
Cầu hồn không có căn-bản “pháp-lý” lại còn gán cho thần-thánh nào đó có tinh-thần “hối-lộ” – “tốt lễ dễ van”.
Nhưng những ai nghĩ đến “cơn thạnh-nộ ngày sau” mới tìm cách cứu linh-hồn mình “tránh khỏi cơn thạnh-nộ ngày sau”.
Phương-cách “tránh khỏi cơn thạnh-nộ ngày sau” đã được Ðức Chúa Trời hoàn-tất bởi sự giáng-sanh của Ðức Chúa Jêsus.
Mục sư Phan Thanh Bình
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.