Mục sư Phan Thanh Bình: Ăn-Năn
Ăn-Năn
Con người có lương-tâm. Lương-tâm như là một điểm sáng của tâm-hồn; là thiên-luân giúp ta nhận-thức điều phải, điều tốt nên làm; điều sai, điều ác nên tránh trong cuộc sống hàng ngày. Làm được một việc phải, việc tốt, lương-tâm khen-ngợi, ta cảm thấy vui như “thuận ý Trời”; làm một việc xấu, việc ác lương-tâm lên án, chê-trách, cắn-rứt làm cho ta cảm thấy buồn như “nghịch ý Trời”, khiến ta “hối-hận” việc mình đã làm.
Nhưng sau khi loài người phạm tội thì “lương-tâm” cũng bị hư-hỏng và đôi khi còn giúp ta “hối-hận” sai.
Hai đứa trẻ lẻn vào vườn hái trộm ổi rồi tìm một chỗ vắng ngồi ăn. Ăn gần hết số ổi hái trộm, một đứa nói:
– Ổi ăn ngon thật, nhưng lương-tâm tôi cáo-trách quá.
– Bày đặt, chúng ta hái vài trái ổi cũng như chim trời ăn thôi, có làm thiệt-hại ai đâu mà lương-tâm cáo-trách.
– Không, lương-tâm tôi cáo-trách vì ổi ngon thế này mà sao hái ít quá.
Trời lạnh ngắt bởi cơn mưa tuyết, một khách bộ hành đi trong đêm tối bị một tên cướp cạn chận cướp hết tiền bạc lại còn lột luôn bộ quần áo ấm. Người bộ hành tỏ lời oán trách:
– Ông thật là một người tán-tận lương-tâm. Ðã lấy hết tiền bạc lại còn lột hết quần áo của tôi.
– Này, đừng có nói tôi tán-tận lương-tâm, gặp đứa khác nó tán-tận lương-tâm, lụi cho ông một dao thì hết còn đứng đó mà nói lương-tâm. Lương-tâm tôi còn tốt lắm, để cho ông sống về với vợ con.
Chúng ta khó tin-cậy vào lương-tâm của mình vì nó bị cái tri-thức và tình đời chi-phối.
Người lương-tâm chưa đến độ chai lì thường “hối-hận” việc làm sai-trái của mình.
Một số nhà tâm-lý học cho rằng sự “hối-hận” không giúp ích gì cho chúng ta vì nó không thể lấy lại điều chúng ta đã làm sai trái, đôi khi còn làm chúng ta khổ-sở triền-miên với những điều sai-trái chúng ta vô-tình hay cố-ý phạm phải. Thế thì, nên quên hết mọi chuyện sai trái trong quá khứ, dùng kinh-nghiệm để khỏi vấp lại những lỗi-lầm trong tương-lai.
Giăng không giảng về sự hối-hận, nhưng giảng về “ăn-năn”.
“Ăn-năn” (repent) là nhận-thức về tội-lỗi. Nhận-thức về tội không dễ. Mỗi quốc-gia đều có luật-pháp giúp người ta nhận-thức điều nào là tội để tránh. Luật-pháp chỉ có thể kết tội khi người phạm pháp bằng hành-động, có bằng-chứng. Nhưng không có thứ luật-pháp nào kết tội người phạm-pháp trong tư-tưởng hay “khôn-khéo về sự làm dữ” (Rô-ma 1:30), không bằng chứng. Thời nay, những người giàu- có lại được giới luật-sư “chạy tội”. Nhiều người khoan-khoái “qua mặt” luật pháp và cảm thấy mình vô tội.
Lương-tâm, luân-lý cũng chỉ giúp cho một số người còn lương-tri, trọng luân-lý nhận-thức vài điều trái với lương-tâm, phạm luân-thường trong xã-hội. Nhưng lương-tâm thường được trấn-an bằng nhiều lý-lẽ chính-đáng của mình. Cùng lắm đành than “gặp thời thế, thế thời phải thế” thôi.
“Ăn-năn” là nhận-thức về tội-lỗi mình phạm trong tư-tưởng và hành-động trái với đức thánh-khiết, công-nghĩa của Ðức Chúa Trời. Là thưa với Ðức Chúa Trời: Ðây là điều Ngài cho là tội, con hoàn-toàn đồng ý với Ngài.
“Ăn-năn” chẳng những nhận-thức là tội, song còn quyết-định từ-bỏ; là tỏ thái-độ dứt-khoát không chấp-nhận điều tội đó nữa. Lý-do quyết-định từ-bỏ chỉ vì điều đó không hiệp với sự thánh-khiết và công-chính của Ðức Chúa Trời.
“Ăn-năn” chẳng những nhận-thức là tội, song còn quyết-định từ-bỏ. Dầu vậy, cả hai mới là phần tiêu-cực của “ăn-năn”. Phần tích-cực của “ăn-năn” là phải quay về cùng Ðức Chúa Trời, “trở về cùng Chúa” (Công-vụ các sứ-đồ 9:35).
Phần đông trong chúng ta đều tự xếp mình vào thành phần “dân lành vô tội” và khó “ăn-năn”. Một số không ít lại tự-hào có đời sống đúng với lương-tâm, giữ được thuần phong mỹ tục cũng khó “ăn-năn”. Một số ít lại được người đời khen “đạo cao đức dày” thì làm sao còn phải “ăn-năn”.
Trong quan-điểm của Ðức Chúa Trời, lời Kinh-Thánh xác-quyết: “Mọi người đều đã phạm tội” (Rô-ma 3:23). Quý vị cần “ăn-năn”. Ðối-diện với Ðức Chúa Trời thì người có đời sống thánh-thiện đến mấy cũng phải công-nhận: “Chúng tôi hết thảy đã trở nên vật ô-uế, mọi việc công-bình của chúng tôi như áo nhớp” (Ê-sai 64:6) – cần “ăn-năn”. Chúng ta hết thảy cần “ăn-năn” và “ăn-năn” ngay kẻo muộn.
Mục sư Phan Thanh Bình
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.