Mục sư Phan Thanh Bình: Ðã Ban
Ðã Ban
Đức Chúa Jêsus phán rằng: “Vì Ðức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài (Chúa Jêsus), hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời-đời” (Giăng 3:16).
Bốn phép toán căn-bản: cộng, trừ, nhân, chia. Tính cộng dễ nhất, học trước nhứt nên con người thích quơ vào; cái gì cũng muốn “cộng” thêm, dầu chỉ thêm một chút. Tính trừ không dễ mấy, con người làm việc gì cũng cố-gắng “trừ” đi mọi thứ cho khỏi lỗ, cho còn dư, cho có lời. “Trừ” bớt tội cho ra vẻ đạo-đức. Nhẫn tâm nhất là “trừ” đi cả tình-nghĩa để có dư chút “bạc” tình. Nhưng đến khi nhắm mắt xuôi tay, trừ tất cả thì còn chi chứ? Tính nhân thì khó hơn, mơ-ước con người lúc nào cũng muốn gấp hai, gấp ba; bằng năm, bằng mười mới tạm thỏa lòng. Nhưng đến tính chia thì khó quá. Nếu chịu khó học cũng chỉ luẩn-quẩn trong vòng bà con thân-thích – “trên sàng lọt xuống nia”, rộng một chút thì đến bạn-bè quen-thuộc. Thế mà tự-nhiên ta nhận được món quà của ai đó, thì trong lòng có ngay sự nghi ngại, “không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Lắm lúc chúng ta không dám nhận vì chưa rõ hậu ý của người cho.
Ai học nhuần tính chia thường được nhân-thế ca-tụng là người có lòng nhân, đại lượng. Nhưng động-cơ khiến con người bằng lòng chia, cho, ban, tặng, biếu người khác thì có nhiều lắm. Có kẻ cầm nắm tiền vãi ra giữa những kẻ nghèo-khó để tạo cảnh tranh-giành, cấu-xé nhau … cho vui. Có người cho để tạo chút danh, để nhận được vài lời khen-ngợi. Hạng này không cho mà là “mua” danh. Có người cho để bày-tỏ sự sa-cơ của người nhận, như một lời nhắn-nhủ: “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”. Nhiều người ở thế chẳng-đặng-đừng đã đành phải nhận sự ban cho của người trong tủi-hổ bởi cách cho. Nên ta mới có câu “của cho không bằng cách cho”. “Của cho” dầu có đáng giá mà “cách cho” là sự bố-thí, khinh-chê, thương-hại thì người nhận có thể đỡ khổ phần xác, nhưng tinh-thần lại khổ thêm. Dầu “của cho” không đáng mấy, nhưng kèm theo lòng yêu-thương chân-thành thì người nhận chắc được an-ủi nhiều. Nhìn món quà mà nghĩ đến lòng yêu-thương của người phân-phát. – “của ít lòng nhiều”.
Có người đã nói: “Người ta có thể cho mà không yêu, nhưng chẳng ai có thể yêu mà không cho”. Tuy vậy, còn tùy theo đối-tượng và mức-độ tình yêu để ta có thể quyết-định cho gì, cho bao nhiêu và cho thế nào. Nếu chàng trai nào quyết-định hiến cả đời mình cho em “quản-lý”, thì “em” đó ít ra cũng “xứng đôi”. Nếu cô nào quyết dâng trọn đời em cho anh, thì “anh” đó ít ra cũng phải “vừa lứa”. Tình yêu mà đúng đối-tượng thì chẳng còn tiếc gì, mà chỉ mong cho và cho cả đời mình.
Ðức Chúa Trời đã chọn nhân-loại làm đối-tượng cho tình yêu tuyệt-đối của Ngài, dầu đối-tượng không “xứng” lại chẳng “vừa” với Ngài (xin xem bài Thế-Gian). Nhưng Ngài đã chọn nhân-loại làm đối-tượng của tình yêu Ngài thì Ngài phải “ban”, Ngài phải cho. Những điều Ðức Chúa Trời cho nhân-loại thì không sao kể xiết.
Rằng ơn Thánh-Ðế dồi-dào,
Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu.
(Kiều)
Nhưng tất cả những thứ đó đều là vật ngoài thân. Lời Chúa Jêsus xác-định tình yêu của Ðức Chúa Trời đối với nhân-loại là việc Ngài “đã ban Con một của Ngài”. Ðức Chúa Trời “đã ban” phần quí-giá nhứt của chính Ngài cho chúng ta, một đối-tượng bất-xứng thì sự “ban” cho ấy không … vì, không … bởi, nhưng do sự thúc-đẩy bởi tình yêu cao-độ “đến nỗi” của Ngài đối với chúng ta là những “kẻ có tội” (I Ti-mô-thê 1:15).
Tại sao Ðức Chúa Trời lại phải “ban Con một của Ngài” là Chúa Jêsus cho chúng ta. Sự ban cho nầy có mục-đích gì và ích-lợi gì cho chúng ta? Ngài “đã ban” cho nhân-loại trải qua 2000 năm nay. Hàng triệu-triệu người trên khắp thế-giới “đã nhận” sự “ban” cho của Ngài. Dầu vậy, một số đông vẫn chưa nhận Ngài. Có lẽ trong số đông người này có quí vị.
Ngài “đã ban” với cả tình yêu của Ngài, lẽ nào chúng ta lại từ chối. Tôi tin chắc rằng quí vị chưa nhận sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời, vì chưa hiểu rõ giá-trị và mục-đích sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời. Chúng tôi đã nhận sự “ban” cho của Ngài, chúng tôi được giải-thoát khỏi án-phạt tội-lỗi Ðức Chúa Trời dành cho mọi tội-nhân. Chúng tôi nhận sự “ban” cho của Ngài, chúng tôi được hưởng mọi ân-sủng của Ngài dành cho người nhận sự “ban” cho. Chúng tôi nhận sự “ban” cho của Ngài, chúng tôi vui-thỏa, phước-hạnh trong sự “ban” cho của Ngài. Cái phước-hạnh, vui-thỏa đó làm sao có thể giữ riêng cho mình. Cái phước-hạnh vui-thỏa đó thúc-đẩy chúng tôi phải tìm mọi cách truyền cho mọi người biết về sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời, với lòng ước-mong quí vị cũng vui nhận sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời.
Sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời cũng có “giới-hạn thời-gian”. Khi Chúa Jêsus từ trời tái-lâm – chấm-dứt sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời. Khi qúi vị lâm chung, sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời cũng chấm dứt đối với quí vị. Thời-điểm tốt nhất nhận sự “ban” cho của Ðức Chúa Trời là “hiện nay” (II Cô-rinh-tô 6:2). Ước mong quí vị đừng chần-chờ.