Mục sư Phan Thanh Bình: Ngăn Cách
NGĂN-CÁCH
Đức Chúa Jêsus xin nước người đàn-bà Sa-ma-ri. Người đàn-bà Sa-ma-ri không từ-chối lời xin của Chúa Jêsus, nhưng thắc-mắc tại sao Chúa Jêsus là người Giu-đa lại trò-chuyện với người Sa-ma-ri, và còn xin uống nước nữa. Một sự ngăn-cách giữa người với người.
Hai người yêu nhau mà không đến được nhau chỉ vì ngăn-cách bởi “cái dậu mồng tơi”.
Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô-đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng
Tôi chiêm-bao thật nhẹ-nhàng
Nguyễn-Bính
Giữa con người với con người có nhiều ngăn-cách. Ngay trong gia-đình: tánh-tình, sở-thích, suy-tư cũng làm cho vợ chồng ngăn-cách ở vài phương-diện. Con cái cũng có vài ngăn-cách với cha-mẹ. Bước ra xã-hội, cái ngăn-cách nhiều khi không rõ-ràng, vẫn tạo ra tình-trạng “muốn đến cùng ai cũng ngại-ngùng”. Rồi giai-cấp, tri-thức, giàu-sang, đảng phái và cả tôn-giáo nữa đã là những bức tường ngăn-cách giữa con người với con người. Có chủ-thuyết mong san bằng giai-cấp để người người sống hòa hợp. Nhưng sau khi san-bằng giai-cấp, khổ như nhau, ngu như nhau lại càng ngăn-cách bởi sự nghi-kỵ, chưa nói đến ngăn-cách giữa giới cầm-quyền và người bị trị.
Trong tôn-giáo cũng không thua gì ngoài đời, sự ngăn-cách giữa tôn-giáo này với tôn-giáo khác ngày càng cao. Ngay cả trong cùng một tôn-giáo cũng bị ngăn-cách bởi giáo-phái, giáo-hệ. Nhưng Cơ-đốc nhân chân-chính không chấp-nhận bất-cứ ngăn-cách nào giữa con người với con người. Chúng ta phải sống làm sao, hành-động làm sao để người đời ngạc-nhiên: “Ủa kìa, ông là Cơ-đốc nhân, mà lại xin chúng tôi chút thì giờ để có thể nói về Cứu Chúa Jêsus cho chúng tôi. Ông không biết chúng tôi đã có đạo ……… sao?”.
Ðối với Cơ-đốc nhân, không có tôn-giáo nào có thể ngăn-cách, khiến người Cơ-đốc né tránh với người khác tôn-giáo mình. Người Cơ-đốc tin chắc phán-quyết của Kinh-Thánh: “Chẳng có sự cứu-rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công-vụ các sứ-đồ 4:12). Người Cơ-đốc quyết làm thành ý-muốn của Ðức Chúa Trời: “Ngài muốn cho mọi người được cứu-rỗi” (I Ti-mô-thê 2:4), mà sự “cứu-rỗi” chỉ có bởi sự tin-nhận Ðức Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình, như lời Kinh-Thánh xác-quyết: “Ai tin Con (Cứu Chúa Jêsus) thì được sự sống đời-đời (được cứu-rỗi); ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh-nộ của Ðức Chúa Trời vẫn ở trên người đó” (Giăng 3:36).
Ở Việt-Nam, giới quyền-quý, học-thức khó có dịp nghe đến Tin-Lành vì Cơ-đốc nhân khó tiếp-xúc. Thời đó có vị mục-sư không chấp-nhận sự ngăn-cách đó nên đã tìm cách tiếp xúc với giới chính-quyền và giới tri-thức. Vị mục-sư tới văn-phòng một luật-sư xin ít phút để giãi-bày về sự cứu-rỗi. Vị luật-sư tiếp và mở đầu bằng câu hỏi: Ông học đến đâu mà đòi nói chuyện với tôi? Vị mục-sư hỏi lại: Thưa luật-sư, ông biết hết mọi điều chứ? Tôi tới đây để nói với luật-sư những điều luật-sư chưa biết. Và vị luật-sư ngồi chăm-chú nghe.
Tôi đọc được một chuyện rất thích-thú. Láng-giềng của gia-đình Cơ-đốc nhân này là một vị giáo sư đại học. Người Cơ-đốc này tuy giàu có nhưng học hành chẳng bao nhiêu. Suốt mười năm họ là những láng-giềng tốt và thân-thiện, thường qua lại ăn uống trò-truyện với nhau. Nhiều lần Cơ-đốc nhân này muốn nói về Chúa cho người láng giềng, nhưng sự học-thức của người láng-giềng là bức tường ngăn-cách, khiến người Cơ-đốc không sao dám mở lời nói về Chúa Jêsus. Trong nhiều năm, người Cơ-đốc bất-an vì không nói về Tin-Lành Cứu-Rỗi cho người lân-cận. Một ngày kia, người Cơ-đốc quyết-định giãi-bày Tin-Lành Cứu-Rỗi cho người lân-cận như là một sự trả-nợ cho lương-tâm yên-ổn. Người Cơ-đốc cầu-nguyện xin Chúa cho mình có đủ can-đảm và sự khôn-ngoan để nói cho người lân-cận biết về sự Cứu-Rỗi và xin Chúa đừng cho người học-thức này hỏi bất cứ câu nào.
Việc đã xảy ra như ý-nguyện người Cơ-đốc. Người láng-giềng tri-thức ngồi lắng nghe chăm-chú. Nhưng sau khi nghe xong, người láng giềng xin hỏi một câu mà thôi. Bất đắc dĩ, người Cơ-đốc phải chấp-nhận. Câu hỏi được đặt ra như vầy: Tại sao việc quan-trọng như vậy mà anh phải chờ đến mười năm mới nói cho tôi hay?
Hỡi Cơ-đốc nhân, chúng ta đừng để bất cứ điều gì ngăn-trở chúng ta nói về Chúa cho người chưa biết Chúa. Hãy lấy con mắt thuộc linh nhìn mọi người chưa có Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình là người “hư-mất”, là người đang ở dưới “cơn thạnh-nộ của Ðức Chúa Trời”, là người đang cần “được cứu-rỗi”. Thì còn gì có thể ngăn cách chúng ta đến với người để giãi-bày Tin-Lành Cứu-Rỗi cho họ. “Ủa kìa” hai tiếng ngạc-nhiên nghe vui làm sao!
Mục sư Phan Thanh Bình
Cuộc Đời Đức Chúa Jesus – Quyển 3