Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Sống Với Thánh Kinh » Sống Với Thánh Kinh: 04/04/2025

Sống Với Thánh Kinh: 04/04/2025

Sống Với Thánh Kinh: 04/04/2025

Sống Với Thánh Kinh: 04/04/2025

Châm Ngôn 28:13
Hãy Xưng Tội và Lìa Bỏ Nó

“…Nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (câu 13b).

Câu hỏi suy ngẫm: Xưng tội thật phải đi kèm với hành động gì? Người xưng tội nhận được điều gì? Câu châm ngôn này giúp bạn có thái độ và hành động đúng đắn nào khi phạm tội?

Vua Sa-lô-môn đưa ra một nguyên tắc quan trọng khi đối diện với tội lỗi mình đã phạm, là “Chớ Giấu — Hãy Xưng.” “Xưng” nói đến việc xưng nhận không chỉ tội lỗi mà còn là xưng nhận những thuộc tính và công việc của Đức Chúa Trời, chỉ về sự chúc tụng (Thi Thiên 89:5). Tuy nhiên, trong câu châm ngôn này, “xưng” đề cập đến sự xưng nhận tội lỗi cá nhân. Để kinh nghiệm lòng thương xót của Đức Chúa Trời, chúng ta phải tự nhận mình là người phản loạn chống lại Đức Chúa Trời Thánh Khiết. Nếu kết hợp cả hai ý nghĩa của từ “xưng” thì có nghĩa là “hãy công khai ca ngợi và tôn vinh Đức Chúa Trời bằng cách thừa nhận nhu cầu của một người cần sự tha thứ và giải thoát khỏi tội lỗi.” Điều này đòi hỏi cả hai phương diện của người xưng tội: Thứ nhất, ca ngợi về sự vĩ đại của Đức Chúa Trời vì người ta không thể giấu tội lỗi với Ngài, ca ngợi về công lý của Đức Chúa Trời vì Ngài có quyền trừng phạt người vi phạm, và ca ngợi về ân sủng của Đức Chúa Trời vì Ngài tha thứ và giải thoát. Thứ hai, thừa nhận tội lỗi của mình đã chống nghịch lại Đức Chúa Trời.

Xưng tội phải được tiếp bằng việc “lìa bỏ nó,” động từ này mô tả việc rời đi, từ bỏ hoặc đánh mất một thứ gì đó. Vì vậy, “xưng tội” không chỉ đòi hỏi phải thừa nhận tội lỗi của mình, mà còn là một sự quyết tâm có chủ ý, nhờ ân sủng của Đức Chúa Trời, để tránh xa và không dính líu thêm gì đến tội lỗi cụ thể của chúng ta. Như vậy, ăn năn đúng đắn bao gồm một hành động kép là ca ngợi tôn vinh Chúa bằng cách nhận biết tội lỗi và từ bỏ chúng (Ma-thi-ơ 3:8; Công Vụ 26:20). Nhiều người ngày nay nhận biết và hối tiếc về tội nhưng lại không từ bỏ chúng.

Nếu như việc giấu tội sẽ không được may mắn thì ngược lại việc xưng tội và lìa bỏ nó “sẽ được thương xót.” “Thương xót” có gốc từ là “tử cung” — hình ảnh tình thương của người mẹ ban cho một hài nhi yếu ớt. Từ ngữ này luôn được dùng gắn liền với tình cảm thương xót ban cho từ trên xuống dưới, cha mẹ đến con cái, người chiến thắng đến người bại trận, người thuận lợi đến người thiệt thòi (I Giăng 1:8–9; Thi Thiên 32:1–2, 10–11).

Là con dân Chúa, phải luôn nhớ rằng nếu chúng ta giấu tội lỗi mình thì Đức Chúa Trời sẽ phơi bày ra, nhưng nếu chúng ta xưng tội và từ bỏ nó thì Đức Chúa Trời sẽ “giấu” bằng sự thương xót của Ngài — Đức Chúa Trời sẽ tha thứ khi chúng ta nhận biết tội lỗi mình, xưng ra, lìa bỏ, và Ngài sẽ phục hồi đời sống chúng ta.

Khi bạn xưng tội, bạn có quyết tâm lìa bỏ không?

Lạy Chúa, xin tha thứ cho những tội lỗi con đã phạm cùng Ngài. Xin cho con biết ghê sợ tội lỗi, xưng ra, và từ bỏ chúng. Xin giúp con luôn nhớ rằng vì Ngài là thánh nên con cũng phải sống cuộc đời thánh khiết.

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Giăng 4.

Xin vui lòng chuyển bài học Kinh Thánh để nhiều người cùng học.

Bài học Kinh Thánh này do Văn Phẩm Nguồn Sống biên soạn. Xin cầu nguyện và dâng hiến ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống để đem Lời Chúa cho tất cả những người Việt thuộc mọi dân tộc đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới.
Bạn có thể ủng hộ Văn Phẩm Nguồn Sống tại https://www.vpns.org

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top