Tái Sinh – Chương 7.a
Chương 7: Colson Hầu Việc Chúa Trong Tù
Mỗi hai tháng, một số nhân viên tù Atlanta đến khám đường khoảng bốn ngày để phỏng vấn và xét đơn chừng bốn mươi tù nhân xin giảm án. Mỗi lần như vậy, không khí tại khám đường rất căng thẳng. Không ai có thể đoán được tù nhân nào sẽ được giảm án bởi tiêu chuẩn xét thường không rõ ràng và đôi khi mâu thuẫn hay phi lý.
Trong ngày đầu tiên, chỉ hay trong mười hai tù nhân xin đơn được giảm án. Không khí tuyệt vọng bao trùm cả khám đường, tù nhân về hục hặc và đánh lộn với nhau. Trong đêm đó, Colson đến thư viện để cố quên khung cảnh thê lương quanh chỗ ngủ của mình. Ông gặp một nhóm tù nhân đang nói chuyện về Bob Ferguson ngày mai đến phiên hắn được xử. Họ đề nghị cầu nguyện cho hắn vì gia đình rất cần hắn và hiện đang lâm vào hoàn cảnh bi đát. Ông đến xin cầu nguyện chung với họ.
Họ kéo nhau vào phòng học, đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Mọi người đều cảm động và mừng rỡ vì có anh em với nhau. Ngày hôm sau Bob và bốn anh em khác được giảm án trong số chỉ bảy người xin. Ít ai có thể ngờ kết quả như vậy. Qua ngày kế đó, kết quả cũng lạc quan tương tự. Tinh thần của tù nhân được nâng cao, phòng ăn đầy những nụ cười. Ngay sau đêm nhóm cầu nguyện, một số anh em chế giễu nhưg đến chiều mọi người ngưng hẳn. Qua đến đêm thứ tư, ngay cả những người nghi ngờ nhất cũng bắt đầu nể sợ về đêm cầu nguyện đó.
***
“Bộ mấy anh nhóm lại cầu nguyện mỗi tối hả?” Ðứng trước mặt tôi ngay ngoài phòng ăn là Lee Corbin, người đã nói riêng với tôi một đêm nào rằng tội lỗi của hắn nhiều đến nỗi không thể cứu chuộc được. Corbin nói có vẻ thèm thuồng, “Anh biết là tôi thật sự tin vào điều mấy anh làm “.
Tôi kêu gọi, “Hãy đến nhóm chung với chúng tôi”. Tôi còn nhớ buổi nhóm đầu tiên tại phòng học đã khích lệ chúng tôi nhiều đến nỗi Paul, Amos và tôi hẹn nhau lại vào đêm đó để cầu nguyện cho Tex sắp được phóng thích. Có nhiều nhu cầu nên chúng tôi phải gặp nhau nhiều đêm.
Tôi nói chuyện gần như cả đêm với Lee ngay cả sau khi mọi đèn đều tắt ngấm. Hắn giải thích, “tôi đã gạt gẫm biết bao nhiêu người. Cho dù tôi có đủ tiền để trả cho họ, chưa chắc tôi tìm được hết mọi người”. Lee đã làm tôi kinh ngạc bởi cuộc đời lường gạt của hắn. Ðầu tiên hắn là một người giảng Kinh Thánh thành công nhưng giả hiệu. Nhờ giọng ấm, nắm vững Kinh Thánh của hắn, chẳng mấy chốc hắn được nhiều đài truyền thanh ở vùng Atlanta mời Phụ Trách chương trình Phúc Âm hàng tuần. Hán thú tội với tôi, “tôi chỉ gảing về Lee Corbin chứ có giảng về Chúa Giê-xu đâu”.
Sau đó không lâu hắn quá bận làm ăn nên bỏ hẳn vai trò tôn giáo của hắn. Tiếp đó là hàng loạt những kế hoạch làm giàu: chạy tiền ngân hàng để cứu vãn những công ty sắp đóng cửa, bán hạ giá những máy bán tự động giả mạo, chế tạo các thẻ tín dụng giả, kế hoạch mỗi ngày mỗi đêm thêm táo bạo.
“Chuck, lúc nào tôi cũng biết đó là những việc sai lầm cả, nhưng tôi bị kẹt dính vào căn nhà hàng trăm ngàn của tôi, xe hơi mới, du thuyền. Những chuyện ấy thôi thì dễ kẹt lắm anh ơi. Tôi thương hại cho những người nghèo bị tôi gạt, nhiều khi tôi ghét chính mình, thế mà tôi không thể dứt bỏ được”.
Trong bảy năm Lee đi ngược xuôi ở miền Nam, hắn để lại sau lưng biết bao nạn nhân kinh hoàng, không còn sức sống và đôi khi trắng tay cũng như nhiều sở cảnh sát phải gắng nuốt giận. Một hôm, mọi việc bỗng nhiên sụp đổ, hắn bị tố cáo nhiều tội và phải sống chui rúc ngoài vòng pháp luật. Oái ăm thay, khi đang dự một buổi nhóm tại South Carolina để gầy dựng lại đức tin thì hắn bị bắt.
Hắn nói: “Ðức Chúa Trời đã chĩa vào tôi ngay giữa đám đông, chẳng có gì oan cho tôi cả”.
Lee bị tố nhiều tội: thư từ giả tạo, dùng tiền của người ký thác một cách bất hợp pháp, giả mạo chữ ký. Hắn nói, “những tội đó đáng tội tù chung thân, tôi đoán là không thể nào tránh khỏi”. Lạ lùng thay, Lee chỉ bị án những tội khác đều được bãi nại cả.
Hắn cứ giữ nguyên ý, “Không có cách gì tôi có thể trả lại cho những người đó tiền ma tôi đã lấy, cho dù tôi cố làm việc đến chết đi nữa. Trong khi tôi còn thiếu nợ như vậy làm sao Ðức Chúa Trời có thể chấp nhận tôi được?”
Chúng tôi nói chuyện đêm hôm đó về sự tha thứ. Lee đã học Kinh Thánh, nhưng nám vững phần Cựu Ước hơn. Lời khuyên ở trong sách Lê Vi Ký 6:2-5. – Khi một người lấy tài sản của người khác một cách bất chánh, người đó phải trả lại hoàn toàn cộng thêm tiền phạt trị giá 20 phần trăm – đã ghi sâu vào tiềm thức của hắn.
Tôi đưa Lee về với các sách Tin Lành và đặc biệt để ý đến việc Ðức Chúa Giê-xu đến với thế gian để cứu những kẻ có tội. Ngài xóa hết mọi tội của mỗi chúng ta khi Ngài chết trên thập tự. Sau khi chúng tôi đọc qua những đoạn Kinh Thánh ấy, cả hai chúng tôi đi đến kết luận rằng Chúa Giê-xu chỉ đòi hỏi từ Lee một tấm lòng rộng mở, một sự thú tội hoàn toàn, trả lại cho người khác của cải tùy theo khả năng của mình và một đức tin mới.
Chúng tôi lấy thêm được ý từ chương 1 của sách Rôma, trng đó Phaolô kể lại về nan đề của con người thời Cựu Ước biết luật lệ và muốn tuân theo nhưng lại làm trái ngược vì họ không vượt qua những khuyết điểm của con người. “Vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhung làm điều dữ mình không muốn. Ví bằng tôi làm điều mình không muốn, ấy chẳng phải là tôi làm điều đó nữa nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy”. (Rôma 7:19-20). Ðiểm Phaolô muốn nói: cố gắng sống theo pháp luật chỉ tạo ngay trong chúng ta tội lỗi mà ta muốn tránh.
Việc Lee thấy được cái bẫy mà mình đã rơi vào cũng chưa đủ. Hắn cần được giải thoát khỏi cái bẫy đó. Chúng tôi tìm thấy giải pháp cho vấn đề này ở chương kế tiếp của sách Rôma: “Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống đã nhờ Ðức Chúa Giê-xu Christ buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết” (Rôma 8:2).
Việc cầu xin Ðức Thánh Linh làm chủ đời sống tôi là một việc đã gây cho tôi nhiều lúng túng và khó khăn từ khi tôi tin Chúa. Lúc đó tôi cảm nhận được có Thánh Linh ở trong lòng. Tuy nhiên, tôi không hiểu làm sao tội lỗi của mình có thể bị dẹp qua một bên để nhường chỗ cho Thánh Linh làm chủ. Lạ lùng thay bây giờ ở trong tù thì tôi tìm được sự giải thoát đó.
Lee bắt đầu nhóm cầu nguyện chung với chúng tôi. Trong đêm thứ tư, Paul yêu cầu Lee dâng trình hết mọi việc cho Chúa để xin tha thứ và để Ðức Thánh Linh bước vào đời sống của hắn trở lại. Lee cầu nguyện tha thiết như tôi chưa hề thấy, khẩn xin Ðức Chúa Trời chấp nhận hắn và đánh đuổi ma quỉ ra khỏi đời sống hắn. Có lúc lời cầu nguyện của hắn bỗng nhiên thay đổi, những từ ngữ nghe lạ tai làm sao, khiến tôi hồi tưởng lại những bài hát thời Gregorian mà tôi đã nghe qua tại một nhà thờ Công Giáo. Tôi chưa bao giờ biết đến việc nói tiếng lạ, cũng như chưa nghe nói tiếng lạ bao giờ, nhưng tôi biết chắc không một mảy may nghi ngờ rằng Thánh Linh đang làm chủ Lee Corbin. Khi hắn dứt lời cầu nguyện, thân thể hắn ngỡ như không còn sức mạnh và bủn nhủn ra.
Tôi để ý thấy những sự thay đổi của hắn trong những ngày sau đó. Lee không còn giết thì giờ bằng cách đi ngủ thật sớm nữa. Hắn bắt đầu đọc Kinh Thánh, cuộc đời hắn như chất chứa một sức sống mới, một mục đích mới. Tôi biết đó là những sự thay đổi thật sự. Tôi sẵn sàng nằm chung một hố chiến đấu với hắn khi ra trận – Lee bỗng nhiên gan dạ, tín cẩn được và trung thành hẳn ra.
Bốn anh em chúng tôi giờ đây gặp nhau thường xuyên để cầu nguyện. Ðược khích lệ bởi tình anh em đậm đà, chúng tôi quyết định kêu gọi các anh em khác tham gia. Chúng tôi đồng ý với nhau luôn cầu nguyện trước bữa ăn dù là ngồi với bất cứ ai. Mỗi chúng tôi mang khay đi qua quầy, tìm chỗ trống rồi cúi đầu cầu nguyện.
Ban đầu những anh em khác nhìn chúng tôi trố mắt. Tuy nhiên không ai cười chế nhạo hay thóc cùi chõ. Chẳng mấy chốc việc cầu nguyện trước bữa ăn lan tràn như căn bệnh truyền nhiễm – đây đó mọi người bắt đầu làm theo. Ngạc nhiên thay, mỗi lần tôi nhập vào bàn, ngay cả khi những anh em khác đang giữa bữa ăn họ cùng ngừng ăn và nói chuyện để cuối đầu chung với tôi. Ngỡ như một đầu cầu đã được thiết lập tại mặt trận Maxwell cho Ðức Thánh Linh.
Mặc dầu chúng tôi nhóm với nhau mỗi tối nhưng những anh em mới chỉ đến vào tối thứ hai. Chỉ trong vòng hai tuần, buổi nhóm tối thứ hai đã trở thành những buổi học Kinh Thánh thường lệ. Với sự cho phép của viên quản trại, Martin Gay một Truyền Ðạo mở rộng từ Montgomery – được gởi đến để hướng dẫn chúng tôi.
Ðám tù nhân nói chung có xem chúng tôi là “những tên khùng điên theo Giê-xu” không? Có lẽ một vài người nghĩ như vậy. Nhưng việc ấy không thành vấn đề. Thứ tự ưu tiên của tôi đã thay đổi. Một đêm nọ, trong lúc làm vệ sinh, một tên tù nhân trẻ dữ dằn cố tình đụng vào tôi khi chúng tôi đang chùi bóng sàn nhà bằng máy. Hắn hỏi, “Ê, chắc mày chưa bao giờ làm việc như thế này ở Tòa Bạch Ốc phải không?”
Tôi nghiêm mặt nói với hắn, “Tôi đã làm việc này trước khi chú mày sinh ra đời kia kìa”.
Hán tỏ vẻ ngạc nhiên, cười nhạt đoạn làm việc tiếp. Một tù nhân kỳ cựu kéo tôi qua một bên nói, “Anh không cần phải làm việc cái kiểu đày đọa thân thể như vậy. Chúng tôi hiểu tại sao anh phải làm việc như thế, nhưng điều đó không cần thiết. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau về anh. Họ nói anh được”.
À, thì ra thế. Ðược là một chữ kỳ diệu. Tôi đã qua một loại sát hạch của đám tù nhân. Dĩ nhiên là chẳng có gì là chính thức, nhưng đó là những sự thông cảm ngấm ngầm cho thấy họ đã chấp nhận tôi. Nó cũng có nghĩa là từ nay không còn những lời chế giễu, những cái nhìn soi mói, những nghi hoặc. Tôi biết mình còn phải đối phó với những tên sống riêng rẽ, không thuộc vào đám tù nhân chung. Có lẽ một trong những tên đó, không chừng là một tên khùng, đã đe dọa giết tôi. Nhưng bây giờ ít ra tôi có một vài đồng minh. Những người đó sẽ canh chừng cho tôi như họ vẫn thường làm đối với nhau. Lạ lùng thật, khi tôi ngừng cố gắng hết sức thì chấp nhận đó của anh em đến.
Kể từ tuần lễ đầu tiên ở Maxwell, tôi luôn bị bối rối bởi lời dặn rằng tôi không được giúp các bạn tù nhân khác về những vấn đề có tính cách luật pháp. Có lẽ lời dặn này có lý do chánh đáng, nhưng với nhu cầu giúp đỡ về luật páhp hết sức cần thiết như vậy ở khám đường, tôi cảm thấy quả là một sự phí phạm về nhân dụng. Dưới con mắt củu tù nhân, đó là một bằng cớ nữa của sự phản nhân vì có kế hoạch; con người bị lột hết sự tự trọng và danh dự dễ bị kiểm soát hơn. Hơn nữa vai trò của tôi ở khám đường đã thay đổi sau khi đọc qua chương hai của sách Hêbơrơ. Từ đó tôi bắt đầu dính líu với các anh em khác.
Chính Homer Welsh, người đàn ông tóc bạc, thẹn thùng ở cạnh giường tôi đã giúp tôi vượt qua sự giằng co đó. Kể từ đó, hướng đi mới của tôi được vạch ra: Tôi không thể nào từ chối những ai cần giúp đỡ. Họ là anh em của tôi. Ðức Chúa Trời đã chỉ đường đi và bây giờ tôi chỉ đi theo. Hầu như mỗi tối tôi bỏ hết thì giờ giúp những tù nhân khác điền vào đơn xin giảm án, tạm thích, và biết bao nhiêu thư khiếu nại khác nhằm mục đích xin trả tự do hay được đối xử công bằng. Tôi không dám giúp viết những văn kiện tòa án hay trát đòi nhằm tố cáo những viên chức khám đường vì đó là những vi phạm quá lộ liễu.
Anh Blow (mọi người gọi Mục Sư Blow cách thân mật) ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên đã yêu cầu tôi nói chuyện vào một buổi nhóm thứ ba. Tôi từ chối vì lý do rằng tôi muốn được các tù nhân khác chấp nhận trước đã. Những biến cố trong tuần qua đã cho tôi thấy rõ ràng giờ phút tôi cần giải thích cho những anh em khác về sự tin Chúa của tôi đã điểm. Tôi đồng ý nói chuyện vào đêm thứ ba tới.
Anh Blow mở đầu buổi nhóm với sự hăng hái thường lệ của anh. Sau những bài Thánh Ca, phần chơi đàn của một tù nhân, và bải giảng ngắn của anh Blow, tòa giảng được nhường lại cho tôi.
Tôi bắt đầu bằng lời cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn mọi sự. Ðoạn những lời nói bắt đầu buông ra, ban đầu hơi ngần ngại. Tôi kể lại tôi đã bị tách rời khỏi Ðức Chúa Trời bằng sự kiêu hãnh và tự ái của riêng mình để rồi bị ngụp lặn trong biển tội lỗi của tôi. Bây giờ, mười tám tháng sau và đang là một tù nhân liên bang, tôi lại là một người tự do về phần linh hồn.
Anh Blow và cử tọa lớn tiếng, “Ngợi khen Chúa”.
Ban đầu tôi cảm thấy lúng túng khi nói chuyện giữa những tiếng Amen và Halêlugia. Khi còn làm chính trị, tôi đã bị la ó và quấy phá nhiều lần bởi những đám chống đối mỗi khi nói chuyện trước đám đông. Tôi còn nhớ hôm ăn tối với cộng đồng Ái Nhĩ Lan ở Nữu Ước trong cuộc vận động bầu cử Tổng Thống năm 1972. Hôm ấy, những người thân IRA (Quân Ðội Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan) suýt chút nữa hất tôi ra khỏi diễn đàn. Tôi cố gắng nói lới tiếng để át đám đông, nên khi nói ý nghĩ không được mạch lạc.
Thế mà bây giờ càng la lớn bao nhiêu, cử tọa càng ủng hộ nhiệt tình bấy nhiêu. Bỗng nhiên tôi không còn cảm thấy bị chai trí bởi sự đáp ứng của đám đông. Ngược lại, tôi hòa nhịp với họ. Lời nói thốt ra chứa đầy cảm xúc và hăng hái như chưa bao giờ. Tình thương, niềm vui và quyền năng bao trùm cả căng phòng. Bài làm chứng bình thường lúc ban đầu giờ trở thành một buổi nhóm gây dựng lại niềm tin. Một vài tù nhân cũng lên bục giảng nữa. Ðể kết thúc tôi nói: “Cảm ơn Chúa đã mang tôi vào khám để và có cơ hội làm chứng nhân cho Ðức Chúa Giê-xu Christ”.
Anh Blow đứng bật dậy khỏi ghế, chạy lên bục và ôm chầm lấy tôi. Anh cầu nguyện đoạn lên tiếng gọi: Halêlugia, hãy bước lên hay chỉ giơ tay lên, bạn sẽ nhận ngay từ giờ phút này sự cứu rỡi của Ðức Chúa Giê-xu Christ bằng huyết của Ngài”.
Bài hát Thánh Ca cuối cùng được hát lớn đến nỗi tôi tưởng tượng như viên quản trại có thể nghe được từ phòng khách mà ông cách chúng tôi chừng vài trăm thước. Lời kêu gọi của anh Blow được đáp ứng nồng nhiệt, nhưng tôi không biết rõ anh em nghĩ gì về bài nói chuyện của tôi. Tôi có nói quá cao không? Họ có nhìn tôi như người anh em của họ không? Tôi đi xuống cuối phòng nơi nhiều tù nhân đang ngồi. Lee, Paul và Amos đang đứng gần nhau ai cũng nở nụ cười trìu mến như tôi chưa bao giờ nhìn thấy trên khuôn mặt của họ. Nét mặt của họ đã cho tôi những câu trả lời.
Trong tuần lễ kế đó, mọi người có vẻ thích sự thông công hơn. Ðức Chúa Trời đã dùng bài nói chuyện của tôi. Anh em đang tìm hiểu. Tôi biết những sự lo âu và căng thẳng vẫn còn, nhưng dù đang bị kềm kẹp bởi cuộc sống tù nhân, tôi vẫn cảm nhận có Thánh Linh của Chúa ở giữa chúng tôi. Càng ngày tôi càng thấy Ðức Chúa Trời đang lèo lái đời tôi. Chỉ hiểu như vậy đã là nên tảng cho bao nhiêu sự trấn an cho tôi trong những ngày giông tố trước mặt.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.