Tái Sinh – Chương 7.b
Tôi đã cầu nguyện xin Chúa giúp tôi quên việc đời sống tôi bị đe dọa hay chỉ cho tôi người đó là ai. Việc này đã ám ảnh tôi quá lâu. Có nhiều lúc tôi nghĩ giờ phút ấy đã đến và tôi phải đề cao cảnh giác. Bây giờ tôi đã mang trình vấn đề ấy cho Ngài – “Thưa Ngài, phải người này không?” Khi thấy một khuôn mặt giận dữ ngồi đối diện ở bàn ăn điểm tâm. Hay – “Thưa Ngài, phải hắn không?” Khi đi ngang qua một tù nhân ở ngoài sân không đáp lại lời chào của tôi.
Một hôm tôi giật mình thức dậy giữa đêm khuya, ngồi bật dậy tưởng chừng như giờ phút ấy đã đến. Tôi ngồi yên thật lâu, tim tôi đập mạnh. Tôi chỉ thấy mọi người đang ngủ, ngáy, ho hen, miệng thì thầm trong giấc mơ của họ.
Lúc đầu tôi đoán người ấy là một trong những tù nhân da đen. Người da đen nói chung chống đối kịch liệt chính sách của Nixon. Trong khám đường, họ sống riêng rẽ từng người từng người. Một số yên lặng và ủ rũ, buồn bã. Theo thời gian, một số trở thành bạn với nhau.
Ðã nhiều lần tôi cật vấn Jerry thử xem hắn có đang giỡn tôi với tôi không. Lần nào hắn ta cũng lặp lại một cách chắc nịt câu chuyện đó cũng không chịu tiết lộ danh tánh người đã đe dọa giết tôi.
Một hôm, sau buổi cầu nguyện 1ớp học không lâu, tôi đang trên đường về phòng ngủ của mình. Trước tôi là hai tên đi song đôi với nhau. Một tên tóc đen, trẻ, dáng bảnh bao luôn mang kính râm đen. Còn tên kia khoảng bốn mươi mấy tuổi, thân hình vạm vỡ, đầu và vai to lớn. Nước da họ ngăm đen, tai xâu lỗ, có lẽ người gốc Ðông Âu Châu. Tôi được biết hai tên này là cựu cảnh sát, luôn đi với nhau và không bao giờ cười. Khi đến gần họ, dường như có tiếng nói từ bên trong tôi – “Chuck, giờ đã đến”.
Tôi đi nhanh để theo kịp họ và nghe miệng tôi thốt ra câu: “Các anh muốn nói chuyện với tôi hả?”
Tên già quay lại, mặt hắn tím, nhíu mắt nhìn một cách giận dữ.
Tôi nói: “Tôi muốn nói chuyện với anh đã từ lâu”.
Hắn nhìn sững một hồi lâu miệng như nghẹn lời, những nét giận dữ càng thêm lên. Tên trẻ quay nhìn hắn và nói: “Sau không tìm hiểu mọi sự thật đi. Hắn hỏi kìa”.
Tên già vẫn nhìn chăm vào mắt tôi. Ðoạn hắn hỏi giọng khàn khàn, đầy nét hằn hộc: “Mày có biết chuyện gì đã xảy đến cho tao không?”
“Có lẽ tôi biết”, tôi trả lời. “Anh là một cảnh sát bị tước chức, phải vậy không?”
“Không, phải nói là một Phó Trưởng Ty bị tước chức ở Chicago thì mới đúng. Tao bị cách chức là vì những thằng chánh trị như mày ở Washington. Bị treo cẳng bởi cái Tòa Bạch Ốc cà chớn của mày. Mày nghe không?”
Tôi hỏi: “Rồi bây giờ anh đổ tội cho tôi?”
“Bộ mày ngạc nhiên à? Mày chính là người ra lệnh điều tra vụ Chicago. Có phải vậy không hả?” Giọng nói của hắn càng thêm giận dữ cay đắng.
Tôi nhẹ giọng, “Này anh Phó Trưởng Ty, tôi biết về cuộc điều tra đó của Thị Trưởng Daley. Tôi biết ai là chủ chốt. Ðó là Bộ Cảnh Sát, chứ không phải Tòa Bạch Ốc. Nếu quả thật có lý do chính trị ở trong đó, thì việc đó cũng không phải do tôi nữa. Tôi không dính líu gì đến việc đó cả. Ðó là sự thật, tin hay không là tùy anh”.
Khi nhìn vào khuôn mặt giận dữ, căng thẳng của hắn, tôi biết chắc đây chính là người mà Jerry muốn nói tới. Tôi tiếp thêm, “Tôi biết là một nạn nhân của chính trị khổ sở như thế nào. Hãy tin tôi đi, tôi biết anh nghĩ gì, anh cảm xúc gì”. Lời nói tôi buông ra trong nồng nàn cảm xúc.
Hắn dịu giọng hẳn lại nhưng đôi mắt vẫn dính chặt vào tôi. “Tôi hiểu. Ðúng rồi. Tôi biết anh hiểu tôi”.
Ðoạn chúng tôi chia sẻ với nhau những đau đớn chúng tôi phải trải qua trong suốt cuộc điều tra. Hắn kể cho tôi hắn bị mọi bằng chứng bao vây hắn, những người khác nói láo cố lôi hắn vào tròng, hắn có thể thoát bằng cách đưa nội vụ lên những nhân viên cao cấp hơn nhưng hắn từ chối. Tôi kể cho hắn nghe về những công tố viên, những cuộc thẩm vấn gắt gao, hằn học, nhân viên của tôi bị chèn ép, áp bức, tôi có thể chống lại Nixon để thoát thân nhưng không muốn làm điều ấy.
Hắn nói, “thôi huề nghe”. Chúng tôi bắt tay nhau. Cái nắm tay chặt của hắn như nói lên chúng tôi không còn là thù địch của nhau nữa. Tôi không bao giờ biết rõ sự đe dọa của hắn trầm trọng và nguy hiểm dường nào, nhưng nhờ sự làm việc của Thánh Linh tôi đã tìm được kẻ chống đối mình và biến sự thù hằn thành thông cảm.
***
Người đàn ông tóc bạc miền núi, Homer Welsh ngã bệnh trong tuần lễ thứ ba của tháng mười. Chúng tôi đoán là bệnh cảm. Ông ta xin nghỉ việc nằm li bì trên giường nhiều ngày nay. Homer đã đến nhóm cầu nguyện với chúng tôi từ lâu. Kể từ khi ông bị bệnh, chúng tôi tan nhóm sớm để cùng đến chỗ ông nằm cầu nguyện với ông trước khi đèn tắt. Paul mang thức ăn cho ông nhưng ông chỉ ăn rất ít. Ông uống nước chỉ đủ cho cuống họng khỏi bị khô.
Bệnh tình của Homer không thuyên giảm nên sau đó ông được đưa vào bệnh viện ở căn cứ khám nghiệm rồi chuyển về căn phòng nhỏ hai giường dùng làm trạm y tế của khám đường. Nhiệt độ người ông lên đến 103 độ (oF) trong cơn sốt lì lợm biết bao nhiêu thuốc phải bó tay. Khi nhận được kết quả của cuộc khám nghiệm một tù nhân tại trạm y tế cho chúng tôi hay tin dữ – có một vết ở trên phổi của Homer, may lắm là nám phổi, một căn bệnh nguy hiểm cho một người cả đời làm việc tại những hầm mỏ bụi bậm. Nước tiểu của ông có máu và trong máu của ông có nhiều bạch huyết cầu. Thật làm một viễn tượng không sáng sủa chút nào.
Cũng trong tuần đó, biết bao nhiêu chuyện buồn, lộn xộn, đánh nhau liên tiếp xảy ra. Thật là một khung cảnh đau lòng, thê lương đã mang tôi đối diện trực tiếp với một quân thù địch vô hình. Trong những năm trước khi tin Chúa, mỗi lần nói chuyện về ma quỉ hay Satan hiện hữu là mỗi lần tôi phì cười chế nhạo. Tôi cho rằng đó chỉ là bản tính tự nhiên của loài người. Ngay cả sau khi tin Chúa Giê-xu là một Người có thật và nhận biết rằng Thánh Linh của Ngài vẫn còn ở với loài người cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn nghĩ ma quỉ chỉ là chuyện huyền hoặc, tưởng tượng.
Tuy nhiên, ý nghĩ của tôi thay đổi hẳn khi vào trong tù. Tôi khám phá ra rằng giữa người thiện và người mà quỉ không có sự phân biệt rõ ràng. Có nhiều người với đầu óc chính chắn và thiện đã vấp phạm những tội lỗi nặng nề khi bị sức lực của ma quỉ chi phối và đè nén. Tôi không còn chấp nhận ý tưởng rằng một số người có bản chất của ma quỉ, còn một số người khác thì không. Kinh Thánh dạy tôi rằng mọi người đều là người tội lỗi và luôn bị giằng co giữa hai lực: Ðức Chúa Trời và Satan, thiện và ác. Dầu chúng ta tưởng tượng Satan là một người mang áo đỏ tay cầm giáo, hay một lực vô hình, điều đó không thành vấn đề. Dầu chúng ta gọi hắn là gì đi nữa lúc nào cũng có lúc ma quỉ làm việc giữa thế giới này trong mỗi đời sống của con người.
Doug Coe có lần giải thích cho tôi rằng Satan chẳng muốn bỏ thì giờ cho những người không tin hiện đang đi theo con đường của thế gian bởi theo thời gian những người đó cũng sẽ rơi vào tay hắn mà không cần phải thuyết phục gì nhiều. Nhưng những người đi theo Chúa Giê-xu Christ là địch thủ chính của Satan và là một sự đe dọa đến cơ đồ của hắn. Cũng như bất cứ một tướng lãnh giỏi nào, hắn dành hỏa pháo mạnh nhất của hắùn để được đối đầu với đoàn quân tinh nhuệ nhất của địch. Bởi thế, trong lịch sử đã có biết bao nhiêu người kiên trì theo Chúa bị thử thách và phải đương đầu với những đợt tấn công vũ bão nhất của Satan.
Cố nhiên Satan đã coi Maxwell là lãnh thổ của hắn từ lâu và không chịu bỏ rời lãnh thổ đó một cách dễ dàng. Một vài buổi nhóm lúc có, lúc không từ bấy lâu nay không có gì làm hắn lo ngại nhưng việc lòng của anh em đang thay đổi là một việc hắn không thể coi thường được. Còn chuyện mời Ðức Thánh Linh đến Maxwell và mang anh em lại cầu nguyện cho nhau cũng như cho những viên chức khám đường quả là thách thức hắn mang hết lực lượng ra để phản công.
Một biến cố nhỏ vụn vặt như chuyện học sinh lộn xộn với nhau mở màng cho trận chiến. Một đêm nọ, hai tù nhân lén ra khỏi giường ngủ của mình lấy một lon sơn màu vàng ở trong kho đi vẽ trên tường và xe buýt những câu chưởi rủa viên quản trại. Ngay sáng hôm sau, viên quản trại đi rảo quanh những bức tường đó. Viên quản trại gắng gượng nén cơn giận của mình, ông ta bước những bước dài chắc nịt về căn phòng của mình. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ phản ứng chính thức đầu tiên được loan báo qua hệ thống phóng thanh “Kể từ giờ phút này, tù nhân không được bén mảng đến toàn thể khu vực sau những nhà ngủ cũng như những khu vực cỏ vào ban đêm. Thông báo này sẽ có hiệu lực cho đến khi có hiệu lực mới”.
Tối hôm đó, có hai tù nhân cãi vã về một chuyện không quan trọng. Chẳng mấy chóc họ đánh nhau, tên này ném tên nọ văng qua mấy cái giường. Không ai nhảy vào can cho đến lúc mấy tên lính chạy đến. Cả hai được đưa vào bệnh viện, vết cắt trên mắt phải của tên trẻ cần phải vá nhiều đường. Sau đó, bọn cúng bị xiềng chân tống qua khám đường khác.
Nhiều đêm sau đó, trong lúc chúng tôi đang thảo luận tìm cách giúp đỡ vợ con của hai tù nhân đó, tiếng máy phóng thanh vang lên: “Trở về chỗ ngủ, đã đến giờ kiểm điểm”. Ðoạn còi hú vang lên như xé không gian. Mười phút trôi qua, thường thường việc kiểm điểm đáng lẽ ra phải được hoàn tất. Như đoán có chuyện gì không hay xảy ra, chúng tôi tụ lại ở cửa nhìn hé ra bên ngoài. Những tên lính canh chạy tới chạy lui một cách hối hả ở trên sân la hét om sòm chỗ phòng kiểm soát phòng sáng trưng. Một tên tù vừa mới vượt ngục.
Chúng tôi đoán biết ngay sau đó hắn là một tên da đen ít nói, dáng người ốm yếu trước đây đã ở tù mười lăm tháng trong những khám đường loại an ninh tối đa. Mặc dầu hắn còn vài tháng nữa là mãn tù, nhưng hắn không chịu đựng nổi thêm một ngày nào nữa. Khi bị bắt sau vài ngày, bản án của hắn cộng thêm vài năm nữa.
Cũng trong tuần đó, “Ðốc Tờ” Krechaw đến phiên được phóng thích. Trước đó một ngày, ông ta khám phá ra những thủ tục cần thiết vẫn chưa được hoàn tất. Ðứng trước bàn giấy của tên nhân viên khám đường, Ðốc Tờ như muốn nổi điên. Ông ta nói với tôi tối hôm đó “Anh biết không, Chuck chút nữa là tôi đánh hắn rồi, tôi không kềm nổi mình”. Áp lực trong những ngày cuối cùng ở trong tù đè nén đến nổi ngay cả Ðốc Tờ vốn là người ôn hòa cũng phải phản ứng dữ dội như vậy.
Sự căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng, phần lớn từ một tù nhân tên Knight bị một năm tù ở vì tội dùng ngân phiếu giả. Knight là một tên thông minh, nhanh nhẹn. Hắn thiết lập “văn phòng” của hắn ở trong thư viện ngay từ khi mới vào tù. Chẳng bao lâu hắn soạn cho hắn và những tù nhân khác hàng loạt bản tố cáo để nộp cho tòa án. Tôi quan sát hắn mỗi đêm chuẩn bị hành động một cách hết sức có phương pháp. Hắn thảo luận ý kiến của anh em, chăm chú nghiên cứu những sách luật nhàu nát trong thư viện, đánh máy những bản văn nhằm tố cáo chính sách lao động của khám đường, những tiện nghi y tế thiếu thốn, chương trình cải huấn và hàng loạt những điều khác chi phối đời sống của tù nhân.
Knight vui thích lạ lùng trong việc chọc tức viên quản trại. Trong tuần lễ nhiều biến độïng đó hắn đánh máy mỗi ngày những bản tin về những lời tố cáo hiện đang nộp cho tòa án, nói lên những phản ứng của viên chức khám đường và những biện pháp đàn áp, nói lên những phản ứng của viên chức khám đường và những biện pháp trả đủa của họ. Mỗi đêm hắn đi dán những bản đó trên những bản thông báo tại mỗi cửa ra vào của nhà ngủ. Sau đó những tên lính canh đi khắp nhà giam xé lột những bản đó xuống.
Một hôm nọ, viên quản trại đi xét từng nhà ngủ. Tôi để ý thấy ông ta giận dữ mở từng cánh cửa kính của bảng thông cáo, lột tờ giấy, vò nát trong tay ông, đóng mạnh đến nỗi gần bể kính, đoạn hùng hổ bước đi Ông ta ra lệnh khám xét tất cả máy đánh chữ ở trong trại để tìm ra máy đánh chữ ở trong trại để tìm ra máy đánh chữ sử dụng trong việc nầy. Sau đó, lệnh mới được ban ra – tù nhân không được dùng máy chữ ngoại trừ cho những việc công.
Cũng trong tuần đó, một tù nhân trung niên người Texas tên Rodriguez bị thảy vào chuồng cọp. Ngay từ khi vào trại, mọi người ai cũng nhận thấy ông ta là một người nghiện ruợu cần được chữa về phương diện tâm lý cũng như thể xác. Vào ban đêm ông ta thường ngồi trên giường hút thuốc không dứt, run lập cập, đoạn đi tới đi lui trong phòng một cách bồn chồn, nóng nảy. Ông ta đã bị bắt hai lần trước đây.
Trong tuần lễ đó, Rodriguez ngã xỉu trên sàn. Xe cứu thương từ bệnh viện tại căn cứ được gọi đến, hai nhân viên mang ông ta trên chiếc băng ca. Ông được giữ tại một nơi riêng biệt và đưa về trại ngay hôm sau. Sáng ngày kế đó trong một trận ấu đả với một tên to lớn tại phòng ăn, Rodriguez bị đấp ở màng tang ngã sụp ngay xuống sàn. Vụ bày được báo cáo cho phòng kiểm soát và Rodriguez bị tải đi xuống “chuồng cọp”. Tên hành hung kia vì quen biết nhân viên nên không bị một hình phạt gì.
Rodriguez kêu gào đau đớn cả ngày ở trong chuồng, mắt luôn hé nhìn qua một lổ nhỏ ở cánh cửa để kêu bác sĩ. Không ai để ý đến tiếng khóc của ông. Tối hôm đó, chiếc xe của cai tù đến đậu ngay cửa chuồng. Hai tên lính canh vạm vỡ mở cửa và còng tay ông ta lôi đi. Ông ta kêu gào: “Mấy ông đưa tôi đi đâu đấy”. Thường thì tù nhân khi bị đưa đi nơi khác vì lý do kỷ luật không được cho biết mình đi đâu, nhưng một trong hai tên lính canh vội trả lời “Trại giam Montgomery ở thành phố”.
Rodriguez van nài, “Không. Xin kêu bác sĩ cho tôi. Các ông không thấy là tai tôi chảy máu hay sao?” Một đường máu đỏ sậm chảy từ trong tai ông, qua vành tai rồi chảy dài xuống cổ, thấm ướt cả cổ áo của ông.
Hai tên lính canh nhìn tai của Rodriguez, bọn chúng nhìn nhau rồi nhún vai. Một tên nói, “Không có bác sĩ trực nào cả. Chúng tôi được lệnh là phải dời ông ngay bây giờ. Xe đang đậu. Chúng tôi không thể để ông cai chờ đợi”. Tôi đứng gần đó, cảm thấy mình bất lực khi nhìn thấy hai tên lính canh đang kéo ông ra khỏi cửa. Rodriguez quay về phía tôi với nét hãi hùng trên khuôn mặt và kêu cúu: “Ông Colson, ông có thấy hai tai tôi bị chảy máu không, hả ông?”
Tôi trả lời mạnh dạn, “Có chứ. Ông cần gặp bác sĩ”.
Hai tên lính canh bỗng dừng bước, quay lại và nhìn trừng vào mặt tôi. Torng phút chốc tôi tưởng bọn chúng sẽ mang Rodriguez trở lại và mang ông tới trạm y tế. Nhưng không, bọn chúng chỉ ngừng bước trong giây lát. Họ xốc tay Rodriguez, nhấc bổng chân ông lên và mang ông ra xe. Bây giờ, không còn gì sót lại, có chăng chỉ là vài giọt máu trên sàn. Tôi đứng lặng tê tái, cố nuốt cơn giận dữ như vũ bão. Tôi không hề biết chuyện gì sẽ xảy ra cho người đàn ông tôi nghiệp đó.
Vào một hôm cuối tuần, Paul gặp tôi ở trong nhà giặt. Mặt hắn chứa đầy uất ức. Hắn đưa tôi tờ giấy nhỏ torng tay, miệng không nói nên lời. Ðó là một lời thông báo ngắn, lạnh lùng từ viên giám đốc vùng của Nha Ðặc Trách Cải Huấn và Tạm Thích: “Không có hoàn cảnh đặc biệt để khoan hồng cho tội trạng của đương sự. . . vậy tiếp tục cho đến ngày mãn tù. Ðơn xin giảm án không được chấp thuận”. Mảnh giấy đó đã đi ngược lại với kết quả thẩm vấn của Paul cách đây chỉ mấy tuần và có tác dụng giữ hắn ở trong tù thêm hai năm nữa.
Khi nhớ lại những sự trả lời mầu nhiệm đối với những lời cầu nguyện cho Paul và Ferguson, đầu óc chúng tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ: Có thể Ðức Chúa Trời nầy đã bỏ rơi Paul? Ngài có thể rút lại chính những điều Ngài ban? Không thể như vậy được. Chúng tôi chỉ đang bị thử thách.
Tôi nói, “Ðừng lo Paul. Chúng sẽ sẽ khiếu nại và chúng ta sẽ thắng họ. Cho đến bây giờ, tôi là luật sư hay nhất trong tù rồi phải không chứ”. Paul không cười nổi trước sự hài hước bất đắc dĩ của tôi. Thử thách trước mặt chúng tôi đã quá rõ ràng – với sự giúp đỡ của Thuợng Ðế, chúng tôi sẽ tranh đấu cho tự do của Paul.
Kế đó đến phiên của Lee Corbin. Một đêm trong tuần lễ đó khi còn ở thư viện, hắn ta tiến đến gần tôi, khuôn mặt hắn xầm lại, môi run rẩy. Tôi hỏi, “Có chuyện gì vậy Lee?”
“Chuck, tôi cần gặp anh ngay bây giờ. Tôi cần anh giúp”. Chúng tôi bước vào khoảng tối ngay ngoài cửa thư viện. “Chuck, về vợ tôi anh ạ. Vợ tôi muốn bỏ tôi. Tôi không biết phải làm gì bây giờ”.
Tên cựu Thủy Quân Lục chiến to lớn, lực lưỡng run rẩy cả người, vai hắn rút lại torng khi cố cầm nước mắt. Hắn đau đớn kể lại cho tôi mọi chuyện. Khi bị bắt hắn bán căn nhà lớn ở Atlanta và đưa vợ và hai con nhỏ tới một thành phố nhỏ gần Asheville, thuộc tiểu bang North Carolina để được gần với bà con của hắn. Vợ Lee bắt đầu làm việc ban đêm tại một xưởng sản xuất tơ lụa, chỉ kiếm đủ tiền để nuôi ăn hai đứa con và trả góp hai chiếc xe Lee đã mua bằng những đồng tiền của hắn trước khi vào tù. Ban đầu, vợ hắn viết thư đều đặn, rồi ít dần cho đến khi ngưng hẳn. Vợ hắn không đến thăm hắn được vì xe bị hư. Nhà không có điện thoại. Vì quá lo nên Lee đã điện thoại cho người anh họ ở cách nhà chừng vài dặm. Qua cuộc nói chuyện điện thoại đó hắn nhận được tin chẳng lành.
Hắn thút thít, “Tôi đáng bị như vậy lắm. Không phải lỗi của vợ tôi đâu. Anh vợ tôi nói nàng còn thương tôi lắm. Hiện nàng đang trên đường đến nhà cha mẹ của nàng. Tôi phải tới đó, nếu không tôi sẽ mất nàng. Vợ và con tôi là tất cả những gì tôi có trên đời nầy và đang cần tôi. Nếu tôi có thể về nhà, tôi có thể cứu vãn hôn nhân của tôi”.
Tôi tự nhủ, chắc chắn có những viên chức khám đường sẽ coi đây là một trường hợp khẩn cấp chính đáng. Theo luật lệ, một trong những lý do cho sự tạm thích được nêu rõ là, “giữ gìn liên hệ trong gia đình được bền chặt”.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.