Tái Sinh – Đoạn Kết
Tin tức trên đài truyền hình tối hôm đó nhấn mạnh về sự phóng thích của ba người với cảnh ngày về hân hoan ở sân nhà Jeb Magruder, hàng xóm quay quần đón chào, những cuộc phỏng vấn với gia đình. Ðối với Patty, nhìn những cảnh đó có thể quá sức chịu đựng của nàng. Trong quá khứ, mỗi cuối tuần nàng đến thăm cùng với gia đình đó. Patty, Gail Magruder và Mc Dean là bạn, họ cùng chung một cảnh ngộ là vợ của tù nhân cả.
Sáng hôm sau tôi ở trong phòng đọc Kinh Thánh, có ý đợi điện thoại reo trên bàn của viên cai tù với một niềm tin mà tôi biết là phải tới. Quả là thích hợp, bài học trong sách tìm hiểu Phúc Âm, Ðồ ăn hàng ngày của chúng ta, cho ngày buồn này – 9/1/1975 – mang tựa đề “Ý nghĩa của sự kiên nhẫn”. Câu Kinh Thánh chính: “Hãy yên tĩnh trước mặt Ðức Giêhôva, và chờ đợi Ngài. . . ” (Thi 37:7).
Ðiện thoại duy nhất ngày hôm đó là từ Shapiro. Anh ta nói, “Không có tin tức gì cả, phản ứng từ phía tòa án cũng không có chiều hướng thuận lợi. Gesell không muốn bất cứ ai khác nghĩ là ông bị buộc theo quyết định của Sirica. Ráng chịu thêm một thời gian nữa đi”.
Những ngày ngắn và đêm dài như không có khởi đầu hay chấm dứt. Thời gian như dừng lại. Tôi nhìn ra bên ngoài, nhìn đăm đăm vào hàng rào thép gai, cố gắng đọc và viết nhưng đầu óc tôi cứ lang thang vẩn vơ. Những tên cai tù tỏ vẻ thông cảm, gạt hết những biên giới ngăn cách kẻ bắt và kẻ bị bắt. Một tên người Nam cao ráo, má hóp tên Jack, tin Chúa hết lòng, quan tâm cho tôi nhiều nhất. Hắn nói một cách tin tưởng, “Chúa sẽ giải quyét vấn đề này”.
Những giờ thăm viếng bây giờ thật là quý nhưng cũng đau lòng nữa. Tôi nhìn Patty chịu đựng, hi vọng được tự do và ngày về đoàn tụ mỗi ngày một tàn lụn. Những lời cầu nguyện tha thiết khẩn nài hơn bao giờ hết của chúng tôi đã giúp tôi vượt qua.
Ngày 20/1/1975, Tòa Thượng Phẩm của tiểu bang Virginia tuyên bố trục xuất tôi ra khỏi hàng ngũ luật sư đoàn. Mặc dầu kinh ngạc nhưng tôi có thể tiên đoán trước kết quả. Hầu hết luật sư bị dính líu trong vụ Watergate là tiêu đích của phong trào đòi cải thiện luật pháp: “Quét sạch tòa án – trục xuất những thành phố dơ bẩn”. Ủy Ban Ðiều Tra Ervin đã gởi cho Ðoàn tại mỗi tiểu bang những bản in bằng máy điện tử ghi mọi cáo trạng – dù được chứng minh hay không liên quan đến mỗi chúng tôi.
Tôi đã hy vọng hảo huyền. Mặc dầu không đến dự được những buổi điều trần trướcToà Thượng Phẩm ở Virginia, nhưng dưa theo lời của Morivan và Mason đại diện cho tôi về kể lại, những thành viên của tòa có vẻ thiện cảm. Chúng tôi đã yêu cầu xin đình lại để chính tôi có thể đến dự, nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã an bài.
Hai ngày sau đó tôi được gọi lên văn phòng của trại giam. Viên phụ tá đưa ống nghe điện thoại cho tôi, “Luật sư của anh”. Lòng tôi như đánh trống chầu trở lại. Cho đến bây giờ tôi vẫn ngớ ngẩn tưởng mỗi lần điện thoại sẽ chính là lần báo cho tôi biết tôi được trả tự do.
“Chuck, anh chuẩn bị cho tin buồn này chưa?” Giọng nói ở bên kia đầu dây là Ken Adams. Tôi tự hỏi, “Còn bao nhiêu tin buồn nữa thì mới hết? “Cứ nói đi Ken”.
“Thằng Christian con anh đã bị bắt vì giữ bạch phiến ở trong người. Hắn đang ở trong tù, nhưng chúng tôi sẽ đóng tiền chuộc hắn ra khỏi vài giờ nữa”.
Tôi không đáp lại được gì, bụng tôi như quặn lại, như thể có ai đánh mạnh vào đó. Chris, hiện là sinh viên năm thứ nhất của Ðại học South Carolinia, chưa bao giờ gây cho chúng tôi khó khăn lo lắng. Hắn có một tính tình mà ai cũng mến. Chris và tôi có nói chuyện về thuốc phiện và tôi chắc là hắn chưa bao giờ đụng đến. Nhưng bây giờ thì sự thật quá rõ ràng. Chris đã dùng tiền học đưa trước cho hắn trong dịp nghĩ hè và đầu tư một trăm rưỡi đồng vào mười lăm cân cần sa. Hắn hy vọng bán lấy lời để đổi lấy chiếc xe tốt hơn.
Tôi nghĩ tôi đã trải qua mọi gian khổ và không thể chịu đựng được thêm. Ðiều con trai tôi ở trong tù là điều đau đớn nhất. Tôi biết Chris đã quá đau buồn vì những gì đã xảy ra cho tôi, nhưng tôi không bao giờ ngỡ điều ấy có thể khiến hắn làm chuyện đó.
“Bây giờ thì quý ông đã bắt được cả hai cha con tôi”, Chris nói với viên cảnh sát bắt hắn. Câu này đã nằm ở trang nhất của những tờ báo. Ðó là một câu nói tỏa ra hết những dồn nén của một đứa trẻ mười tám tuổi, cay đắng về những gì đã xảy ra cho người cha của nó. Ðiều tôi không thể ở bên cạnh con tôi ngay lúc này càng làm cho niềm đau đớn sâu xa hơn. Tuy nhiên, tôi không hề nghĩ Chúa đã bỏ tôi. Thêm thử thách, đúng vậy, và thêm sự dạy dỗ từ Ngài. Tôi biết rõ những đoạn trong Kinh Thánh bảo chúng tôi hãy ngợi khen Ngài dù ở hoàn cảnh nào, nhưng trong đêm cô đơn, lạnh lẽo và điều hiu của tháng giêng đó, tôi không làm sao làm được điều đó. Chắc chắn là Chúa không mong mỏi tôi ngợi khen Ngài về cuộc đời của con tôi bị hư hoại!
Sự đau khổ này còn tiếp tục đến bao lâu nữa? Giấy phép hành nghề luật sư đã mất, con trai tôi bị tù, cha tôi chết, bạn đồng cảnh đồng thuyền của tôi đã được trả tự do, còn tôi, hơn hai năm trong bản án ba năm vẫn còn nằm sờ sờ ở đó. Mặc dầu tôi biết không nên buông xuôi, nhưng những ngày kế đó là những ngày khó khăn nhất trong thời gian tù tội của tôi, và cũng là những ngày khó khăn nhất trong suốt cuộc đời.
Có nhiều lời xầm xì trong tuần lễ đầu tiên của tháng hai cho biết tôi sẽ được giải về Maxwell và trại Holabird sẽ đóng cửa. Gặp lại những anh em cũ quả là điều vui mừng, nhưng tôi hết sức lo lắng cho Patty đã chịu đựng quá nhiều trong hai năm qua. Làm sao nàng chịu được thêm nhiều tháng đi về tới Alabama? Bản chất hiền dịu, ngọt ngào của nàng như không còn chịu đựng được thêm.
Charlie Morin bỏ bê công việc tại văn phòng luật sư tư của anh, đến thăm tôi nhiều lần mỗi tuần và tổ chức chiến dịch vận động Tổng Thống Ford khoan hồng tôi. Ken Adams bỏ hết thì giờ để làm đơn và chuẩn bị thủ tục cho việc giảm án. Cả hai đều đến thăm thường xuyên. Thư từ từ những người tốt bụng trên toàn quốc cũng đổ về an ủi và thông cảm cho tôi. Những sự khích lệ của họ đã giúp tôi vượt qua.
Cùng với Charlie và Ken, những anh em ở Tòa Nhà Thông Công đến giúp đỡ tôi. Hôm thứ ba 28/1/1975 Al Quie gọi: “Chuck, tôi đang suy nghĩ còn cách nào nữa để giúp anh. Hôm nay tất cả chúng tôi đã gởi thư lên Tổng Thống xin khoan hồng, nhưng còn cách gì nữa không?” Giọng nói ở đầu dây bên kia nghe không giống của Al Quie chút nào; giọng nói chậm và có vẻ buồn bã làm sao.
Tôi vội nói với anh, “Al, các anh đã làm hết tất cả những gì các anh có thể làm và tôi thương mến các anh về điều đó. Tôi không biết các anh có thể làm gì thêm bây giờ”.
“Chuck, phải có cách khác chứ. Tôi đang suy nghĩ -” Al ngưng thật lâu. “Có một người nói với tôi có một đạo luật cũ lâu rồi. Tôi sẽ xin phép Tổng Thống vào tù thay thế cho anh đến ngày mãn hạn”.
Quá kinh ngạc, tôi chỉ nói được vài lời chống đối yếu đuối. Al Quie với hai mươi năm ở Quốc Hội là Thượng Nghị Sĩ Công Hòa cấp bậc thứ sáu, thành viên thâm niên của Ủy Ban Giáo Dục và Lao Ðộng, và là một trong những nhân vật chính phủ được kính nể nhất ở Washington. Anh không thể nói như vậy.
Anh nói, “Thật mà Chuck. Tôi không đi đến quyết định này một cách hời hợt đâu”.
Tôi nói, “Nhưng tôi sẽ không để cho anh làm điều ấy”.
“Gia đình anh cần anh, tôi không ngủ yên khi anh còn ở trong tù; tôi nghĩ tôi sẽ yên lòng hơn nếu tôi vào tù thay cho anh”. Cổ tôi nghẹn vì quá cảm xúc. Tôi không nói được cho Al sự hi sinh của anh ý nghĩa là bao, nhưng tôi không thể chấp nhận sự hi sinh cao quí đó.
Cùng ngày hôm đó Doug Coe gửi cho tôi một lá thư. Anh nói mọi anh em ai cũng muốn vào tù thay tôi, đoạn nói thêm:
Tôi thường nghĩ đến anh trong ba tuần qua. Chuck, Chúa đang dựng nên những nhóm người như chúng ta trên toàn thế giới. Ðiều mà anh hằng mong được làm cho quốc gia và dân tộc – hòa bình và cuộc sống no ấm – vẫn còn có thể xảy ra – nhưng bây giờ chỉ có Chúa mới có công mà thôi. Chúa chỉ cần những người hoàn toàn hiến dâng cho Ngài – Sau đó tài nguyên giàu có của Ngài sẽ được dùng để mang lại hạnh phúc cho muôn dân. . .
Nếu có thể tôi sẵn sàng dâng hiến đời tôi để anh có thể dùng những ân tứ lạ lùng Ngài đã ban cho anh làm vinh hiển danh Ngài.
Bạn ơi, tôi thương bạn – mọi anh em khác đều thương bạn cả – !!
Bạn của anh, Doug
Ðiều này xảy ra ngoài sự tưởng tượng của tôi, tình thương của một người dành cho người khác. Tình thương của Chúa Giê-xu. Al Quie sẵn lòng bỏ nghể nghiệp của anh, Doug Coe chịu dâng hiến cuộc đời, Graham và Harold nữa. Có phải tình thương của Ngài là như vậy không? Ngày hôm nay tôi biết đến Ngài như chưa hề bao giờ trước đây. Tôi cảm thấy sự hiện diện của Ngài, nhung mãi đến hôm nay tôi mới biết quyền năng và sự yêu thương của Ngài qua sự lo lắng tận tụy của bốn anh em. Tất cả những sự đau khổ hay khó khăn trước đây quá nhỏ khi so sánh với tình thương này.
Ðêm hôm đó trong căn phòng yên lặng của tôi, tôi dâng hiến trọn vẹn cho Ngài, hoàn tất một tiến trình từ hôm ở nhà của Tom Phillips mười tám tháng về trước: “Thưa Ngài, nếu những gì xảy ra là ý của Ngài, con xin cảm ơn Ngài. Con ngợi khen Ngài đã đặt con ở trong tù, đã để cho người ta lấy đi giấy phép hành nghề luật sư của con, ngay cả con của con bị bắt. Con ngợi khen Ngài đã ban đã ban cho con tình thương của Ngài qua bốn anh em này, đã cho con được bước theo Chúa Giê-xu”.
Những lời nói này được buông ra, theo đó là sự vui sướng lớn lao vô cùng – sự giải thoát cuối cùng, dâng trình hết cho Ngài như Harold đã nói với tôi. Những giờ phút sau đó tôi cảm thấy nhiều sức mạnh trong lòng như chưa bao giờ có trước đây. Ðây là một kinh nghiệm, cảm giác hiếm hoi. Chung quanh tôi, thế giới như chất đầy sự vui vẻ, yêu thương và vẻ đẹp. Lần đầu tiên trong đời, tôi thật sự cảm thấy tự do, ngay cả khi vận mệnh đời tôi đang nổi trôi, phiêu bạt ở những điểm chùng nhất.
Bốn mươi tám giờ sau đó, năm giờ chiều ngày thứ sáu, Thẩm Phán Gerhard Gesell điện thoại cho Dave Shapiro: Vì hoàn cảnh gia đình – những gì đã xảy ra cho Chris – một án lệnh đang được soạn thảo để phóng thích Charles Colson ngay tức khắc.
Vài giờ sau đó, Jack – viên cai tù thiện cảm – vồn vã chạy đến Patty và tôi đang đứng ở cổng chính của Holabird vẫy tay chào tạm biệt những bạn tù nhân.
Jack nói, “Ðức Chúa Trời thật lòng lo lắng cho con cái của Ngài. Tôi linh tính là Ngài sẽ cho anh ra khỏi tù ngày hôm nay”.
“Cảm ơn anh”, tôi nói, “nhưng Ngài đã làm điều đó từ hai hôm trước”.
***
TỪ ÐÓ. . .
Năm ngày sau khi được trả tự do, Charles Colson trở lại khám đường Maxwell để viếng thăm Paul Kramer và khích lệ những anh em sống gần gũi với ông trong thời gian tù tội ở đó. Ðây là cuộc viếng thăm đầu tiên của hàng loạt những cuộc viếng thăm các tại giam trên toàn quốc gia đưa Charles Colson đến quyết định hầu việc Chúa trọn thời gian ở những trại tù.
Tháng 6/1975 Nha Cải Huấn và Khám Ðường chấp nhận đơn xin của Thượng Nghị Sĩ Harold Hughes và Charles Colson tạm thích một số nam nữ tù nhân từ một vài khám đường để dự khóa huấn luyện mười bốn ngày ở Washington. Những tù nhân này được chọn lựa không bởi những viên chức khám đường nhưng do những thành viên của tổ chức Thông Công Tù Nhân sau những phần nghiên cứu và phỏng vấn kỹ lưỡng. Khóa huấn luyện do Tổ Chức đỡ đầu nhấn mạnh về tài lãnh đạo và học Kinh Thánh.
Nhóm đầu tiên – mười hai tù nhân từ sáu khám đường liên bang ở phía đông – tụ họp nhau ở Washington vào đầu tháng 11/1975. Ðiểm chính là sự tin cẩn lẫn nhau: những tù nhân tạm thích – mười nam và hai nữ (sáu da trắng, sáu da đen) – được chở đến Washington trụ sở của Cơ Quan Ấn loát Kinh Thánh Hoa Kỳ. Không có lính canh gác, tù nhân được tự do đi lại.
Kết quả đã trấn an những thành phần nghi ngờ. Khóa huấn luyện được tổ chức qui củ nghiêm chỉnh. Tù nhân xung phong đi thăm và làm chứng cho những tù nhân khác ở trại giam quận Arlington gần đó và trại Cải Huấn Lorton. Một anh trong nhóm sáng tác một bản nhạc đặc biệt cho những anh em ở Lorton. Ca hát và tôn vinh Chúa chiếm hết những giờ tự do của họ. Trong chuyến đi qua Washington hai tù nhân đi riêng đã tự trở về trụ sở – chứng minh được sự tin cẩn dành cho tù nhân.
Sau khóa huấn luyện hai tuần, tù nhân trở về khám đường của mình được trang bị để hầu việc Chúa và giúp đỡ những anh em khác. Sứ mạng chính của họ: Lập những nhóm thông công tù nhân. Khi còn ở trong tù họ được huớng dẫn và có tình bạn, ra khỏi tù họ có nhiều cơ hội kiếm việc làm hơn. Sáu khóa huấn luyện tương tự được vạch định trong năm 1976 ở vùng Washington.
Ðể phát triển việc truyền giảng cho tù nhân, Charles Colson dâng hết lệ phí diễn giả của ông và một phần lợi tức từ cuốn sách này. Người bạn lâu năm Fred Rhodes của ông xin về hưu sớm năm 1975 để bỏ trọn thì giờ cho công việc Chúa với tư cách phụ tá đặc biệt của Colson.
Trong khi đó, Paul Kramer tiếp tục ở tù ở Maxwell – và hầu việc Chúa trong vai trò hướng dẫn nhóm thông công tù nhân ở đó. Homer Welsh và Lee Corbin đã được phóng thích. Homer nay khỏe mạnh, đi làm trở lại và vui vẻ làm chứng về chuyện Chúa chữa bệnh cho ông mỗi khi có cơ hội. Lee Corbin, cuộc đời của anh đã hàn gắn trở lại, nay là một nhà truyền giảng.
Chúa cũng đang hàn gắn vết thương Watergate trong gia đình của Charles Colson nữa. Ðứa con trai Christian của ông được thả ra khỏi tù và theo học khóa tái tạo để cải hối. Sau bốn tháng, tiểu bang South Carolina bãi nại hết tất cả cáo trạng và Chris tiếp tục việc học tại Ðại Học. Biến cố này – Colson không ngợi khen Chúa được ngay ban đầu – đã mang hai cha con lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.