Tìm Hiểu: Tại Sao Chúa Cho Phép Những Bất Hạnh Xảy Ra Trên Thế Giới Này – Phần 2
2. Đức Chúa Trời cho phép những hoạn nạn xảy ra để nhắc cho loài người biết khả năng hữu hạn của con người và giúp họ nhận biết quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời để tôn kính Ngài.
Kinh Thánh cho biết có nhiều lý do Đức Chúa Trời cho phép những bất hạnh xảy ra trên thế giới này. Một trong những lý do đó là Đức Chúa Trời cho phép những hoạn nạn xảy ra để nhắc cho con người hiểu được khả năng giới hạn của mình và nhận biết Đức Chúa Trời là ai.
Cách đây hơn 3.000 năm, Ai Cập là một quốc gia có nền văn minh cao nhất thế giới vào thời đó. Một số công trình do người Ai Cập thực hiện vào thời đó như kỹ thuật ướp xác, xây dựng những kim tự tháp, cách tính toán thiên văn, … vẫn làm kinh ngạc những nhà nghiên cứu khoa học ngày nay. Vì vậy, vào thời đó người Ai Cập rất kiêu hãnh về quốc gia của mình.
Kinh Thánh cho biết trong khoảng thời gian Ai Cập đang ở trong giai đoạn cực thịnh, Đức Chúa Trời đã cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập và đưa người Do Thái về lập quốc tại xứ Ca-na-an. Pha-ra-ôn, vua của Ai Cập, vì quyền lợi của quốc gia, không muốn mất một nguồn nhân lực rất lớn cho nên đã không cho phép dân Do Thái ra đi.
Trước khi Đức Chúa Trời quyết định giáng những tai họa trên nước Ai Cập để thực hiện chương trình của Ngài, Đức Chúa Trời đã nói rõ với Môi-se và A-rôn về mục đích của Ngài đó là bên cạnh mục đích cứu người Do Thái khỏi cảnh nô lệ tại Ai Cập, Đức Chúa Trời muốn người Ai Cập nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời: “Khi Ta giang tay chống lại Ai Cập để đem dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi đó thì người Ai Cập sẽ biết Ta là Đức Giê-hô-va” (Xuất 7:5 – BDHĐTT).
Sau đó, Đức Chúa Trời đã giáng một chuỗi gồm mười tai họa xuống nước Ai Cập. Trong hai tai họa đầu tiên, A-rôn theo lệnh của Đức Chúa Trời khiến nước sông hóa thành huyết và ếch nhái lan tràn khắp cả nước Ai Cập. Các thuật sĩ tại Ai Cập cũng làm được như vậy, cho nên Pha-ra-ôn và các triều thần của ông vẫn cứng lòng không cho dân Do Thái ra đi. Tuy nhiên, đến tai họa thứ ba, sau khi A-rôn khiến muỗi lan tràn khắp cả xứ Ai Cập, các thuật sĩ tại Ai Cập đã không thể làm được điều đó, họ nhận biết được giới hạn của mình, và họ đã nói với Pha-ra-ôn rằng: “Đây là ngón tay của Đức Chúa Trời” (Xuất 8:19 – BDHĐTT). Sau ba tai họa đầu tiên, người Ai Cập bắt đầu nhận biết rằng quyền năng của Đức Chúa Trời cao hơn khả năng của họ. Dầu vậy, Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng không cho dân Do Thái ra đi.
Tai họa thứ tư đã xảy ra. Ruồi mòng lan tràn khắp lãnh thổ của người Ai Cập; tuy nhiên trong khu vực dân Do Thái sinh sống thì không có ruồi mòng. Nhận biết có sự bảo vệ của Chúa được thể hiện rõ ràng cho người tin Chúa và người không tin Chúa, Pha-ra-ôn đã hứa cho dân Do Thái được ra đi. Tuy nhiên, sau khi Môi-se đã cầu nguyện cho hết nạn ruồi mòng tại Ai Cập thì Pha-ra-ôn thay đổi ý kiến. Tai họa thứ năm xảy ra. Một số súc vật của người Ai Cập bị chết, trong khi đó gia súc của người Do Thái vẫn bình an. Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng. Tai họa thứ sáu xảy ra. Thân thể của súc vật và thân thể của dân Ai Cập bị mọc đầy ghẻ chốc. Dầu vậy, Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng.
Trong ba tai họa từ thứ tư đến thứ sáu, người Ai Cập nhận biết Đức Chúa Trời đang tể trị những điều đang xảy ra, bởi vì những tai họa này chỉ xảy đến cho dân Ai Cập trong khi đó dân Do Thái là những người tin Chúa thì vẫn được bình an. Tuy nhiên, trong cách nhìn của một người lãnh đạo, sáu tai họa đầu tiên chỉ ảnh hưởng một ít đến môi trường sống và gây thiệt hại một ít đến tài sản của người Ai Cập, cho nên Pha-ra-ôn vẫn tự tin và không quá bận tâm. Trong ba tai họa kế tiếp, Đức Chúa Trời đã bày tỏ quyền năng của Ngài để Pha-ra-ôn và những lãnh đạo của nước Ai Cập biết rằng quyền năng của Đức Chúa Trời là siêu việt và không ai có thể so sánh với Ngài.
Trước khi giáng tai họa thứ bảy, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se nói với Pha-ra-ôn rằng vì sự cứng lòng của Pha-ra-ôn, lúc này Đức Chúa Trời có thể ban dịch bệnh khiến Pha-ra-ôn và dân chúng của ông bị tuyệt diệt, tuy nhiên Chúa cho họ có thêm cơ hội để họ chứng kiến quyền năng của Ngài, để họ nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời dùng họ, những lãnh đạo của vương quốc hùng mạnh nhất thế giới vào thời đó, để minh chứng cho quyền năng của Ngài: “Vì lần nầy Ta sẽ giáng các tai ương trên lòng ngươi, quần thần, và dân ngươi, để ngươi biết rằng khắp thế gian không có ai bằng Ta. Bây giờ, Ta có thể đưa tay ra trừng phạt ngươi và dân ngươi bằng dịch hạch để tiêu diệt ngươi và dân ngươi khỏi đất rồi. Nhưng sở dĩ Ta để ngươi sống là để ngươi thấy quyền năng của Ta, và để danh Ta được truyền rao khắp đất” (Xuất 9:14-16 – BDHĐTT). Sau đó Đức Chúa Trời nói rằng ngày mai Ngài sẽ giáng một trận mưa đá rất lớn, chưa hề có trong lịch sử của nước Ai Cập. Đức Chúa Trời khuyên Pha-ra-ôn và dân chúng Ai Cập ngày hôm sau, mọi người và súc vật hãy ở trong nhà, nếu ai ở bên ngoài, chắc sẽ chết (Xuất 9:17-19).
Kinh Thánh cho biết một số quần thần của Pha-ra-ôn có lòng tôn kính Đức Chúa Trời, sau khi nghe lời công bố đó, họ đã vội vàng cho người đem súc vật của họ vào trong nhà (Xuất 9:20). Ngày hôm sau, một trận mưa đá thật lớn – chưa từng có kể từ thời nước Ai Cập lập quốc cho đến khi đó – đã xảy ra (Xuất 9:17, 9:20-21). Tất cả những người và súc vật nào không nghe lời khuyên của Chúa – cứ ở bên ngoài – đã bị mưa đá giết chết. Thêm vào đó, trận mưa đá đã hủy diệt những nông phẩm chính yếu của nước Ai Cập sắp sửa được thu hoạch như lúa mạch và đay. Trong khi đó, tại khu vực của người Do Thái sinh sống không có mưa đá (Xuất 9:26). Dân Do Thái và súc vật của họ vẫn bình an.
Ai Cập là một quốc gia mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào các sản phẩm nông nghiệp. Khi rất nhiều lao động bị thiệt mạng và một phần quan trọng trong thu nhập của kinh tế quốc gia bị hủy diệt, lòng của Pha-ra-ôn có ít nhiều thay đổi. Ông nhìn nhận tội của mình, của dân tộc mình, và xưng nhận Đức Chúa Trời là công bình – bởi vì Ngài đã căn dặn ông để ông và dân chúng của ông được cứu – nhưng họ đã bất chấp không nghe theo lời khuyến cáo của Ngài. Pha-ra-ôn đã nhờ Môi-se cầu xin Đức Chúa Trời ngưng giáng họa cho đất nước của mình và hứa cho dân Do Thái ra đi: “Pha-ra-ôn triệu tập Môi-se và A-rôn vào và bảo: “Lần nầy trẫm đã phạm tội. Đức Giê-hô-va là công chính, còn trẫm và dân của trẫm đều lầm lỗi. Hãy khẩn cầu Đức Giê-hô-va cho sấm sét và mưa đá chấm dứt, rồi trẫm sẽ để cho các ngươi ra đi, không phải ở lại nữa đâu!” (Xuất 9:27-28 – BDHĐTT).
Tuy nhiên, sau khi Môi-se cầu nguyện cho trận mưa đá chấm dứt, Pha-ra-ôn đã đổi ý. Kinh Thánh cho biết lý do khiến Pha-ra-ôn đổi ý bởi vì mặc dầu lúa mạch và đay đã bị mưa đá hủy hoại, nhưng lúa mì và tiểu mạch vẫn chưa trổ bông, cho nên Pha-ra-ôn hy vọng những nông phẩm này sẽ tiếp tục mọc và sẽ cứu vãn được nền kinh tế của quốc gia.
Trước sự cứng lòng và trở mặt của Pha-ra-ôn, Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se công bố cho Pha-ra-ôn tai họa thứ tám. Đức Chúa Trời nói rằng Ngài sẽ cho cào cào đến hủy diệt niềm hy vọng còn lại của Pha-ra-ôn. Đức Chúa Trời nói rõ: cào cào sẽ tiêu diệt tất cả những nông phẩm còn sót lại sau trận mưa đá.
Khi nghe Đức Chúa Trời công bố điều đó, các triều thần của Pha-ra-ôn đã khuyên Pha-ra-ôn hãy cho dân Do Thái được tự do, nếu không nước Ai Cập sẽ bị diệt vong (Xuất 10:7). Trước lời khuyên đó, Pha-ra-ôn đồng ý cho những người nam trưởng thành của dân Do Thái ra đi, nhưng phụ nữ và trẻ em phải ở lại. Môi-se yêu cầu tất cả người Do Thái được phép ra đi cùng với tài sản của họ. Pha-ra-ôn khước từ.
Ngày hôm sau, cào cào đã đến phủ khắp lãnh thổ của người Ai Cập. Bầu trời Ai Cập tối đen vì cào cào. Cào cào phủ khắp mặt đất và ăn tất cả những gì có lá xanh ngoài đồng tại khu vực của người Ai Cập. Kinh Thánh cho biết số cào cào kéo đến rất đông – đông đến nỗi trước kia chưa từng có và sau này cũng sẽ chẳng bao giờ có đông đến như vậy nữa (Xuất 10:6, 10:14).
Khi niềm hy vọng về nguồn thu nhập từ những nông sản còn sót lại để cứu vãn nền kinh tế quốc gia bị hủy diệt, Pha-ra-ôn đã cho mời Môi-se và A-rôn đến. Một lần nữa ông nhìn nhận đã phạm tội cùng Đức Chúa Trời, có lỗi cùng những người lãnh đạo dân của Chúa, và Pha-ra-ôn đã cầu xin sự tha thứ: “Pha-ra-ôn vội vàng gọi Môi-se và A-rôn đến và nói: “Ta đã phạm tội với Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi và với các ngươi nữa. Vì vậy bây giờ, xin tha tội cho ta, chỉ lần nầy thôi! Hãy cầu khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; ít ra Ngài cũng lấy đi khỏi ta cái tai vạ chết người nầy” (Xuất 10:16-17). Môi-se đã cầu nguyện, và Đức Chúa Trời đã sai gió đến thổi tất cả cào cào xuống Biển Đỏ. Và cũng như những lần trước, khi tai họa đã qua, Pha-ra-ôn lại thất hứa và không cho dân Do Thái ra đi.
Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se giáng tai họa thứ chín. Bóng tối bao trùm cả lãnh thổ của người Ai Cập trong ba ngày liền. Kinh Thánh cho biết bóng tối dày đặt đến nỗi dân Ai Cập không ai dám rời khỏi chỗ ở của mình. Trong khi đó, nơi dân Do Thái sinh sống, vẫn có ánh sáng.
Dân Ai Cập thờ Ra là thần mặt trời. Khi thấy quyền năng siêu nhiên của Đức Chúa Trời thể hiện đến nỗi thần linh mà người Ai Cập tin tưởng cũng không thể ló mặt ra được, Pha-ra-ôn nhận biết uy quyền của Đức Chúa Trời, cho nên Pha-ra-ôn đã đồng ý cho dân Do Thái ra đi. Tuy nhiên, Pha-ra-ôn bắt dân Do Thái phải để tài sản của họ ở lại Ai Cập. Môi-se yêu cầu Pha-ra-ôn cho dân Do Thái được phép ra đi với những súc vật của họ, để họ có thể dùng những súc vật này thực hiện những nghi thức thờ phượng cho Đức Chúa Trời. Pha-ra-ôn khước từ yêu cầu này và tuyên bố rằng ông không bao giờ muốn nhìn thấy mặt của Môi-se nữa.
Đức Chúa Trời rất kiên nhẫn. Trước khi giáng tai họa thứ bảy, Đức Chúa Trời đã cho Pha-ra-ôn biết Ngài có thể giết Pha-ra-ôn và toàn thể dân Ai Cập bằng một dịch bệnh. Kể từ tai họa thứ bảy, Đức Chúa Trời đã cho Pha-ra-ôn ba cơ hội. Đã ba lần Pha-ra-ôn chứng kiến quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng cả ba lần Pha-ra-ôn khước từ vâng theo mạng lệnh của Ngài. Đức Chúa Trời vẫn nhân từ, Ngài cho Pha-ra-ôn thêm một cơ hội nữa; tuy nhiên lần này Đức Chúa Trời cứng rắn hơn một chút. Đức Chúa Trời nói rằng Ngài sẽ giáng tai họa thứ mười. Trong tai họa này, Ngài không giết hết dân Ai Cập nhưng tất cả các con trai đầu lòng trong những gia đình của người Ai Cập, từ thái tử trong hoàng cung cho đến con trai của người nữ nô lệ – và thậm chí con trai đầu của tất cả các súc vật tại Ai Cập – sẽ bị chết. Đức Chúa Trời cho Pha-ra-ôn biết rằng Ngài hoàn toàn có thể tiêu diệt ông và dân tộc của ông nhưng Ngài vẫn còn nương tay.
Cùng lúc đó, Đức Chúa Trời truyền cho dân Do Thái thiết lập lễ Vượt Qua và hướng dẫn cho họ cách được giải cứu. Vào chiều ngày 14 của tháng đó, mỗi gia đình Do Thái hãy giết một con chiên con đã được một tuổi, rồi bôi huyết của chiên con đó trên ngạch cửa, để đánh dấu họ là dân của Đức Chúa Trời. Đêm hôm đó, lúc thiên sứ của Đức Chúa Trời đi hủy diệt các con trai đầu lòng tại Ai Cập, khi thiên sứ thấy dấu hiệu đó nơi nhà nào, thiên sứ sẽ vượt qua, không thi hành lệnh tiêu diệt tại căn nhà đó, và như vậy các gia đình nào vâng theo hướng dẫn của Chúa sẽ được an toàn. Trong đêm 14, người Do Thái phải ăn thịt chiên con đã được nướng, và ở trong tư thế sẵn sàng rời khỏi nước Ai Cập (Xuất 12:3-13).
Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời không chỉ hướng dẫn cách cứu người Do Thái qua việc thực hiện nghi lễ Vượt Qua, nhưng Ngài còn cho phép những người thuộc các sắc dân ngoại quốc cũng được dự lễ Vượt Qua như người Do Thái, miễn là họ làm theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời để trở thành dân của Chúa như người Do Thái (Xuất 12:48-49).
Đêm 14 của tháng đó, các thiên sứ đã hủy diệt tất cả các con trai đầu lòng của người Ai Cập. Thái tử con của Pha-ra-ôn cũng chết. Khi nhận biết sự cứng lòng của mình đã đem đến tang tóc không phải cho những người khác, nhưng cũng cho chính gia đình của mình, Pha-ra-ôn đã gọi Môi-se và A-rôn đến, rồi truyền lệnh cho phép tất cả dân Do Thái được tự do ra đi để thờ phượng Đức Chúa Trời, mà Pha-ra-ôn không dám đặt thêm một điều kiện nào khác nữa. Không những như vậy, Pha-ra-ôn đã nhờ Môi-se cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho ông (Xuất 12:31-32).
Về phần dân Ai Cập, hiểu được sự nguy hại khi chống cự lại mạng lệnh của Đức Chúa Trời, dân chúng Ai Cập đã thúc giục người Do Thái mau mau rời khỏi quốc gia của họ, bởi vì nếu họ chần chờ, Pha-ra-ôn có thể đổi ý một lần nữa, và điều đó sẽ mang thêm tang tóc và sự hủy diệt cho dân Ai Cập (Xuất 12:33). Sau hơn 400 năm dân Do Thái sống và làm nô lệ tại Ai Cập, dân chúng Ai Cập đã tặng cho dân Do Thái vàng bạc và quần áo khi họ ra đi. Nhiều người ngoại quốc nhận biết quyền năng của Đức Chúa Trời qua những sự kiện xảy ra, đã đi theo dân Do Thái (Xuất 12:38).
Trong ký thuật về việc Chúa giải phóng dân Do Thái khỏi Ai Cập, Đức Chúa Trời đã cho phép những tai họa xảy ra để cho Pha-ra-ôn, triều thần của ông, các thuật sĩ, và dân chúng tại Ai Cập nhận biết rằng dầu quốc gia họ rất hùng mạnh với loài người, nhưng khả năng của họ rất giới hạn, và những điều đó không là gì cả so với quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời. Ký thuật trong câu chuyện này cũng cho thấy trong cùng một hoàn cảnh, những ai chống cự lại mạng lệnh của Chúa, bất hạnh tiếp tục diễn ta cho họ; nhưng ai vâng phục Chúa và thờ phượng Ngài, sự giải cứu và bảo vệ của Chúa sẽ dành cho họ – bất kể họ có phải là người Do Thái hay không. Ký thuật trong câu chuyện này nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ khi nào con người thành thật, khiêm cung thờ phượng Đức Chúa Trời và tôn kính Ngài, họ mới có được sự bình an.
Kinh Thánh cho biết dân Do Thái đã thoát chết, đã được giải cứu, và được tự do. Họ đã không làm gì nhiều để nhận được những điều đó, ngoại trừ tin cậy và vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Chiên Con trong lễ Vượt Qua của người Do Thái biểu tượng về Đức Chúa Jesus (Ê-sai 53:4-11). Giăng Báp-tít – là sứ giả mà Đức Chúa Trời sai đến để chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế – đã giới thiệu Đức Chúa Jesus là “Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29). Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Jesus chính là Đấng Cứu Thế, là Chiên Con của lễ Vượt Qua, là Đấng mà Tiên tri Ê-sai đã dự ngôn. Cách đây gần 2000 năm, Đức Chúa Jesus đã hy sinh để gánh thay tội lỗi cho cả nhân loại. Kinh Thánh Tân Ước cho biết tin cậy nơi sự hy sinh của Đức Chúa Jesus là yếu tố quyết định để mỗi người nhận sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời.
Phần 1 – (Còn tiếp)
Thư Viện Tin Lành (2020)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (1)