Tái Sinh – Chương 6.c
Sự chuyển tiếp từ Fort Holabirb đến khám đường tại Maxwell Air Base được diễn tiến một cách êm đẹp. Hai nhân viên và tôi được một viên chức khám đường liên bang đón tại phi trường Montgomery. Tôi cảm thấy thoải mái, dễ thở hơn khi leo lên băng sau xe của ông và ông không khóa tay tôi lại – một thủ tục đau lòng, phi nhân mà mọi người tù phải chịu khi di chuyển. Xe đưa chúng tôi qua phi trường quân sự Montgomery, những sàn chơi goft và khu rừng vắng, cuối cùng là đến khu có nhiều nhà thấp. Một bảng lớn với chữ trắng như sau: Khám Ðường Liên Bang.
Nơi đến của chúng tôi là một phòng tiếp thâu được lau chùi sạch sẽ, không cửa sổ, cách chuồng cọp (những phòng giam tối, ẩm thấp nơi tù nhân bị hành phạt kỷ luật) không xa. Một góc là vòi nước tắm, mỗi tù nhân mới phải kỳ cọ từ đầu đến chân để tẩy chấy, rận mang từ những trại giam địa phương khác. Góc kia, là máy chụp hình Polaroid. Nhiều bức hình được chụp, dấu tay bị lăn. Sau cái quầy bằng gỗ là một nhân viên lo về quần áo tên Bleven, một người có dáng hiền hậu, cười tươi.
Ông ta ra lệnh, “Cởi đồ mau”. Mang bạch phiến lén lút vào tù là chuyện xảy ra như cơm bữa, tù nhân có tật giấu “đồ tầm bậy” ở những nơi không ngờ nhất của thân thể. Bleven lục soát từng áo, quần và những món đồ tôi mang theo. “Cái này không được, cái này không – cái này – cái này nữa”, ông ta liệt qua những món phải gởi về nhà, không cho tù nhân giữ.
“Không”, ông ta vừa nói vừa suy nghĩ về chiếc quần sọt của tôi. “Anh không mang thứ này vào đây được, anh chỉ dùng đến nó nếu không tìm được thứ gì khác”. Danh sách những món đồ này giờ dài đến hai trang. Kế đó là cái ví, với mọi giấy tờ của tôi, những hình ảnh của Patty và các con. Thật là khó chịu khi không có giấy tờ trong người! “Tất cả mọi vòng vàng cũng phải tháo ra nữa”, Bleven nhẹ nhàng như có vẻ hối hận, mát nhìn vào chiếc nhẫn tôi đang đeo.
“Ðó là nhẫn cưới của tôi và tôi không thể tháo ra được”, tôi phản đối. Patty đã tặng chiếc nhẫn ấy cho tôi.
“Xin lỗi, nhưng đó là luật lệ. Anh phải đưa cho tôi”.
Tôi không đưa ông vòng đeo cổ có hình thập tự và chim bồ câu bằng bạc. Ông cũng chẳng để ý đến nó.
“Thử cái này coi”. Bleven đưa cho tôi chiếc quân lót đã nhàu nát, cũ kỹ với nhiều số bị gạch ngang bằng mực đen. Tôi cố không muốn nhớ đến bao nhiêu người đã mặc quần này trước đây và quá mừng rỡ vì được che thân nên chẳng nói gì về chiếc quần quá chật. Kế đó là đôi vớ cũ mèm, một caái khăn tay và cuối cùng là bộ áo quần rộng thùng thình màu nân sậm dùng trong các công xưởng Không Quân. Bước đầu tiên trong sự phá bỏ cá nhân tính đã hoàn tất. Còn nhiều việc theo sau nữa.
“Colson, ra ngoài này”, một giọng nói từ phòng bên ra lệnh và tôi được dẫn trở về phòng kiểm soát, nơi có thể nhìn thấy mọi ngõ ngách của trại giam qua những cửa kính, cửa sổ dầy đặc. Tôi phải chờ đợi lấy những chi tiết chi phối đời sống hàng ngày của tôi: 23226. Nhân viên trực dáng người to lớn tên Prather đang bận rộn ra lệnh qua hệ thống âm thanh loan khắp trại.
Tôi nhìn quanh trại qua khung cửa sổ. Nhiểu bãi cỏ được ngăn bởi những đường đi bằng ximăng và hai dãy nhà giam một tầng. Ở phía xa là nhà ăn. Hai trăm năm mươi người hiện đang sống ở đây, những khi nhìn họ qua cửa sổ ta có cảm tưởng như đang xem một phim câm quay chậm. Nhiều người dáng điệu uể oải đi chậm rãi không mục đích trên những khu đất trống, những người khác đứng dựa vào tường, và một số người tụm với nhau trên những băng ghế. Mọi người như có vẻ trôi nổi lềnh bềnh, chậm chạp. Sau này tôi được biết ở trong tù không ai đi nhanh cả.
Không những họ giống nhau qua bộ đồng phục màu nâu sẫm cũ kỹ, mà ngay cả nét mặt cảu họ nữa. Ở đây có cái gì lạ quá! Ðoạn tôi giật mình – không ai cười cả. Mặc dầu trời trong ngày hôm ấy, hình như không có một ánh nắng nào tên trại giam. Tất cả mọi màu sắc, như những nét diễn tả trên khuôn mặt, đều hòa lẫn vào màu buồn u ám. Tiếng nói sang sảng của Prather xóa tan bầu không khí yên lặng ngột ngạt. “Colson, viết địa chỉ trên gói đồ đó đi”, hắn ta nhanh miệng, vừa nói vừa quay ghế chỉ tay vào xách đồ của tôi bọc bằng giấy nâu nằm trên sàn. Tôi cuối người xuống , cẩn thận viết tên của Patty và địa chỉ, cố không nhớ đến nàng hay căn nhà yêu dấu của chúng tôi.
Hắn ta nói, “Colson, chú không lo gì cả. Nhớ lời dặn của tôi. Chỉ để ý chuyện của chú ở đây, thời gian sẽ đi nhanh, nhưng nếu chú nghĩ về gia đình hay những chuyện bên ngoài, thì chỗ này sẽ là địa ngục đó”.
Tôi bỗng lạnh cả người nên chỉ gật đầu lấy lệ. Lời dặn của Prather, một lời dặn thông thường cho những tù nhân mới, đến với tôi bằng một cách khác nhưng cũng chứa những ý nghĩ tương tự như lời dặn của Bud Krogh. Ðừng suy nghĩ gì. Chỉ chấp nhận. Hãy tạo một hòn đảo cho chính mình. Tội vội nghĩ, Không, cám ơn ông Prather, đầu ốc tôi sẽ vẫn hoạt động.
Khi đi ngang những dãy nhà, tôi bỗng nhận thấy những lời đồn về nhân vật Watergate sắp nhập trại được loan ra trước khi tôi đến. Mỗi khi đi ngang qua những toán nhỏ, mọi người ngừng nói chuyện nhìn chăm chú vào tôi. Nụ cười làm quen của tôi được đáp lại bằng những cái nhìn đầy nghi ngờ. Có lẽ tôi phải cố gắng nhiều mới được họ chấp nhận.
Nhìn từ bên ngoài, nhà giam G cũng như những nhà khác ở trại giam Maxwell, căn nhà bằng xi-măng màu cà phê sữa với hai mái bằng gỗ đỏ, bên ngoài được gìn giữ cẩn thận. Bên trong, hơi người và thuốc lá đập mạnh vào mũi tôi ngay phút đầu tiên. Bụi bậm khắp nơi. Bức tường dọc theo hành lang hẹp gồm những tủ đứng nhỏ để đựng những tài sản riêng của tù nhân. Ở một bên là hai phòng chung, một để đọc sách và chơi bài, với những bàn chất đầy những tạp chí dành riêng cho đàn ông và những dụng cụ vệ sinh chất đầy những góc tường. Phòng kia rộng lớn hơn gồm nhiều ghế đã tróc lớp da và một máy truyền hình đen trắng cũ.
Qua khỏi hành lang nơi ra vào là phòng trống rộng hơn, gồm hai hàng giường sắt dựa vào tường và hai hàng giữa phòng ngăn bởi một cái phên cao hơn một thước. Mỗi giường được ngăn bởi một tủ nhỏ bằng sắt. Nhà tiêu và phòng tắm ở phía cuối phòng.
Hôm nay là ngày giặt giũ nên mọi tấm ra đều đem đi cả chỉ còn những nệm trơ trọi. Một vài người nằm co trên giường, một vài người ngủ, còn một số nhìn bâng quơ vào cảnh không. Cái quạt trần thổi bụi nhiều hơn là không khí. Tường và trần nhà đầy những lớp sơn bị tróc ra, những kẽ nứt chằng chịt như những dòng suối nhỏ. Ðây là nhà của tôi trong ít nhất một năm nữa.
Jimmy, tên da đen trẻ thân thiện , tự giới thiệu hắn ta là “nội trợ”, một chức vụ bao hàm những công việc tiếp liệu và vệ sinh. Trong khi giúp tôi tìm chỗ ngủ, hắn bát đầu chỉ vẽ cho tôi những chi tiết linh tinh nhưng không kém phần quan trọng: “Phòng tiếp tế chỉ mở cửa vào ngày thứ tư, vậy nên mua đồ trữ. Ðừng bao giờ cởi đồng hồ để lung tung. Mọi đồ đạc quý phải cất kỹ trong tủ sắt đựng đồ ở nơi ra vào”. Trong khi tôi soạn đồ ra, Jimmy để ý thấy cuốn Kinh Thánh. Hắn buột niệng, “Cái đó thì không ai thèm lấy, chắc ăn không lo gì”. Hắn nhe răng cười, nụ cười đầu tiên mà tôi thấy tại trại giam nầy.
“Colson, Colson, trình diện ngay cho Phòng Kiểm Soát” giọng nói như xé không khí qua hệ thống phóng thanh ra lệnh. Prather đã lưu ý tôi rằng việc không thi hành tức khắc sẽ tạo ra khủng hoảng ngay: nhân viên sẽ đi đếm tù nhân ngay để xem có ai vượt ngục không. Giọng nói qua máy phóng thanh vang ầm ĩ một cách đáng ghét. Tôi chạy ngay lên Phòng Kiểm Soát và được lệnh phải đợi, viên quản trại sẽ gặp tôi trong chốc lát. Thoải mái bởi một vài phút nghỉ ngơi, tôi bắt đầu ngẫm lại những lời dặn từ nhiều người.
“Anh là Colson?” Ðứng bên cạnh tôi, chìa tay ra bắt là một người cao lớn, đầu sói với khuôn mặt đầy tự tin và nhiều sức mạnh. . Nếu không vì bộ áo quần tù nhân màu nâu của ông ta, chắc tôi đã lầm tưởng ông ta là viên quản trại. Ông tươi cười tự giới thiệu mình là “Ðốc Tờ” Krenshaw. Tôi đã biết về ông, vốn trước đây là một thành viên của Y Sĩ Ðoàn Hoa Kỳ, bị tù vì tội giả mạo giấy tờ. Ông nói đã ở tù được chín tháng nhưng ông chẳng chịu bị khuất phục.
Nụ cười của Ðốc Tờ bỗng nhiên tắt vội: “Cảønh tù tội sẽ gây cho anh gian nan, khó khăn một thời gian. Anh phải tỏ chí nam nhi ở đây. Tôi đang “rút ngắn” đây (ý nói ông sắp mãn tù) nhưng hãy để tôi khuyên anh vài lời”. Ông nói, mắt đảo quanh qua đôi kính dầy, “Hãy chuẩn bị chấp nhận mọi thứ. Anh có thể chứng kiến cảnh một người chết ở đây. Anh đã bao giờ thấy một người chết chưa?”
Tôi trả lời anh ta, “Có chứ, tôi đã thấy hầu hết mọi sự trên đời nầy”.
“À, nhưng anh chưa thấy trại giam mà Colson? Anh sẽ bị chấn động bởi một vài điều sẽ xảy ra cho anh và những người khác. Hãy nhớ một điều – đừng dính líu vào người khác. Ðừng than trách. Chỉ lo việc của mình rồi anh sẽ được yên. Tôi đã vượt qua bằng cách đó”.
“Hướng nầy, Colson”, người lính canh ra hiệu cho tôi đến văn phòng ngay phía trước. Tôi nhìn chăm vào Krenshaw một lúc đoạn chạy về hướng văn phòng. Lời nói của Ðốc Tờ vẫn còn văng vẳng bên tai tôi: “Ðừng dính líu vào người khác”. Lời dặn của Krogh là chỉ nên lo việc của chính mình. Những tù nhân ở Holabirb đã nói với tôi: “Không tin tưởng ai bất cứ một điều gì”. Prather cũng nói như thế nhưng bằng một cách khác, và bây giờ Ðốc Tờ tiếp thêm bằng những lời nghe lạnh xương sống.
Lời khuyến cáo đó không chỉ là một lời nói lập đi lập lại nhiều lần nên không có nghĩa, nhưng rõ ràng đó là một phương pháp để sống còn. Tôi đang ở cùng với những người bạo động có luật chơi riêng của họ. Nếu tôi muốn trở về lập lại đời sống mới, tôi phải nghe theo lời khuyên của những người đã già dặn, khôn ngoan qua cuộc sống tù nhân của họ. Tôi tưởng văn phòng của viên quản trại lạnh lùng và tối tăm như những nơi khác trong trại. Nhưng không. Cả Robert Grunska lẫn văn phòng của ông ta đều hợp với khung cảnh của một trại giam. Viên quản trại, người khỏe mạnh, đẹp trai khoảng năm mươi mấy, tóc hơi điểm sương, tiếp đón tôi một cách thân thiện. “Mời ngồi, ông Colson – à không, Colson – và cứ tự nhiên”, ông vừa nói vừa chỉ đến ghế nệm ở gần cửa ra vào.
“Bây giờ đang ít người đấy”, Grunska nhẹ giọng, ngồi thẳng người sau bàn giấy, tay cầm viết chỉ múa máy như có vẻ đang vội vã chuyện gì. “Chúng ta đang bị ràng buộc bởi một khế ước cung cấp cho Không Quân một trăm năm mươi người mỗi ngày làm việc lao động tại bãi thay thế cho binh lính – thí dụ như cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh, và những việc đại loại như vậy”.
Grunska cố tìm một vài điểm tương đồng giữa chúng tôi để nói chuyện. Giải thích về nhiệm vụ của trại giam, sự liên hệ giữa trại và Không Quân, và vai trò của quản trại có lẽ là những chuyện khơi thích hợp. Sau này tôi khám phá ra rằng trại Maxwell gần như là một trại lao động, và cải huấn -những vấn đề hết sức quan trọng đối với tù nhân cũng như sự phục hồi đối với họ – chỉ là thứ yếu khi so với nhu cầu cần một trăm năm mươi lao công miễn phí mỗi ngày.
Câu chuyện chấm dứt, viên quản trại tiễn tôi ra cửa. Ông ta chỉnh tề trong chiếc áo sơ mi sọc xanh vừa tẩy giặt, cà vạt màu xanh nhạt và chiếc quần ủi thẳng li: tôi cố khép chiếc áo nâu tả tơi đã mất hai nút áo, nhét vào cái quần dài ngắn đến năm phân. Ông ta nắm lấy cái chót cửa rồi giữ yên. “Nhiều người hỏi tôi về đức tin của anh – những chuyện mà họ đã đọc. Anh muốn tôi nói thêm với họ những gì?” Tôi để ý thấy ông đang mang một cái kẹp cà vạt bằng bạc có hình dáng con cá, dấu hiệu của những tín đồ Tin Lành hồi thế kỷ thứ nhất. Ông có vẻ vui lòng khi biết tôi để ý đến nó.
Sau đó tôi giải thích cho ông hay rằng những gì ông đã đọc là sự thật, và tôi tự xem mình là một tín đồ Tin Lành tái sinh. “Tòa đoán là ông có chương trình học Kinh Thánh cho tù nhân”.
Grunska trả lời, “Ðúng, và anh có thể giúp chúng tôi những việc như thế nầy”. (Tuy nhiên, trong những tuần lễ đầu tiên ở Maxwell, hoạt động Tin Lành duy nhất mà tôi biết là nhóm thờ phượng mỗi tuần hai lần do những Mục Sư đến thăm hướng dẫn).
Trong lúc viên quản trại xem có vẻ tử tế và dịu dàng đối với tôi, thì tôi đã nghe nhiều người cho rằng ông là người “không trái tim”, “tên ác ôn có máu lạnh” và là một người “dao búa”. Tôi cũng được biết thêm tù nhân có khuynh hướng ghét nhất tất cả những nhân viên trại giam, nhưng viên quản trại mới chính là cái đích chính. Họ nhìn đó như là một nhân vật xa xôi nhìn nhiều quyền lực hàng ngày đi thanh tra cả trại, dấu hiệu của một sự kiểm soát tuyệt đối cuộc sống của mọi người. Sự khác biệt tính tình giữa nhân viên này với nhân viên kia, cũng như sự khác biệt ta thường gặp ở mọi tập thể đều không thành vấn đề. “Họ” – hay là cả hệ thống – bao gồm luật sự, công tố viên, chánh án, bồi thẩm viên, các nhân viên đặc trách tạm thích, và cuối cùng là – những nhân viên khám đường. Hệ thống đó trừng phạt, gây đau đớn, mục đích để “tóm” những người bị tố. Sự chống báng tiêu cự là một khí giới mãnh liệt trong việc dựng lên một bức tường kiên cố vô hình ngăn cách tù nhân và nhân viên khám đường.
Cố nhiên tôi có nhiều điểm gần gũi với viên quản trại hơn hầu hết những tù nhân khác, nhưng chỉ cần bị phát giác “bắt tay với kẻ địch” tôi sẽ bị lâm nguy ngay: “chuột” sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Qua những điều Grunska nói, tôi đoán rằng tôi có thể làm thư ký văn phòng. Tôi chỉ cần mở miệng xin là được. Nhưng trong lòng tôi bảo không, không được cầu cạnh bất cứ một ân huệ đặc biệt nào.
Từ văn phòng của viên quản trại, tôi được đưa đến gặp hai nhân viên chuyên lo những vần đề có tính cách hành chánh và cá nhân cho toàn khu trại. Ben Brown, một người nhỏ con tươi cười, lướt qua chớp nhoáng những chỉ thị và lưu ý tôi một cách đặc biệt: “Không được hành nghề luật sư ở đây”. Là một trong hai luật sư hiện có mặt ở trong tù, ông ta cho biết tôi sẽ bị nhiều người ồ ạt đến nhờ giúp đỡ. Nhưng luật lệ cấm ngặt việc đó. Lệnh của Brown như xác nhận thêm những lời khuyên trước đây rằng tôi nên yên lặng và không nên ra mặt.
Khi màn đêm buông xuống, tôi mới cảm nhận hoàn toàn thế nào là một tù nhân. Tôi cảm thấy lạc lỏng và cô đơn ghê rợn mặc dầu chung quanh còn có bốn mươi người khác. Tôi đã nếm mùi cô đơn trước đây – thời gian ngắn ngủi ở nội trú khi mới mười hai tuổi, những chuỗi ngày và đêm dài lê thê ở một nơi xa xôi hẻo lánh trong đời binh nghiệp nhất là khi tôi bị lạc ở trong rừng. Không phải nỗi nhớ nhà làm lòng tôi nặng trĩu đau đớn, nhưng sợ trơ trọi chung quanh, những tâm hồn trống vắng, cái cảm giác tuyệt vọng đeo đuổi dai dẳng như không khí ảm đạm, hiu hắt của căn phòng leo lét ánh đèn mờ đã làm lòng tôi quặn lại.
Tù nhân nằm trên giường với đôi mắt trân tráo, nhìn mông lung. Ðây đó có một vài người trò chuyện tỉ tê, nhưng không như những nhóm người khác, đây không có tiếng cười vang, không một mẩu chuyện vui, không một nét hài hước ý nhị. Chỉ có lời nguyền rủa, những bộc phát giận dữ hay âm thanh của những cánh cửa tủ đóng mở là những âm thanh chính được trà trộn bởi những câu chuyện thì thầm và tiếng máy quạt thản nhiên như vô tình, như không một cảm giác.
Tôi nằm trên giường cố gắng diễn tả cảnh thê lương ấy trong lá như gởi cho các anh em ở Tòa Nhà Thông Công. Mặc dầu tôi biết cái đen tối dã man của hiện tại sẽ ghi sâu vào tâm khảm, nhưng khi những nhạy cảm ban đầu chai lì, tôi sẽ quen thuộc với nó. “Tôi muốn các anh em đọc lá thư này cho tôi nghe khi tôi ra khỏi chốn này và đã quên cái chấn động ban đầu”, tôi viết. “Tôi muốn được nhắc nhở cái nhu cầu của mọi tù nhân cần có một cá thể và danh dự của một con người là lớn biết bao nhiêu. Tim tôi quặn lại. . . ”
Sau khi viết thư xong, tôi đi làm quen với những tù nhân khác. Người nhân viên lo về quần áo cho tù nhân tên Bleven chỉ tôi một mẹo: “Tìm một người buôn ruợu lớn tuổi, dân quê, và nói chuyện với ngươi đó đêm đầu tiên”. Có nhiều lời đồn đãi lẹ làng giữa mọi người rằng tôi không phải là người khinh người, cứng đầu như họ tưởng tượng. Một thanh niên tên Paul Kramer nằm ở giường gần cửa. Dáng hắn bảnh bao, cổ mang một chiếc thánh giá lớn, dấu hiệu của một tín đồ Tin Lành. Tôi nói chuyện qua loa với hắn. Tôi đoán chúng tôi sẽ trở thành bạn thân, nhưng chưa phải tối hôm nay, hán không phải là “dân quê”.
Phần lớn tù nhân da đen tụ lại ở gốc phòng gần chỗ tôi ngủ nhất, nhưng họ vẫn chưa đáp lại nụ cười làm quen của tôi. Ðến giáp mặt họ lại càng nguy hiểm hơn; họ sẽ nghi ngờ ngay. Người già nằm kế đó chắc có hy vọng hơn. Tóc bạc trắng, khuôn mặt trông khỏe mạnh nhưng cằn cỗi, đôi tay xương xẩu, có lẻ ông là một người sống bằng nghề nông. Hồi chiều ông bóp chặt lấy tay tôi và cho biết tên ông là Homer Welsh. Homer xem có vẻ sợ sệt và rất ngại ngùng, dáng điệu khúm núm ra chiều lễ độ. Bây giờ ông đang ngủ.
Ở góc bên kia phòng là một vài người tôi đã làm quen. Họ có vẻ cởi mở, nhất là tên thanh niên dáng người khỏe mạnh tên Jeb đầu đội mũ kép bẩn thỉu che nữa khuôn mặt. Jeb nổi bật giữa đám đông bởi hắn lúc nào cũng nhìn tôi cười, nhe cả hàm răn súng của hắn. Cái càm nhọn cộng với nụ cười và đôi mắt láo liên của hắn làm hắn giống Mortimer Snerd. Chẳng mấy chốc chúng tôi trò chuyện mê say, tôi bị thu hút bởi những mẩu chuyện đường rừng của hắn. (Lời dặn của Bleven đúng quá, ngay hôm sau khi được biết tôi trò chuyện với Jeb, mọi người có vẻ thân thiện với tôi hơn).
Ở đây khó ngủ quá, những tiếng ngáy, tiếng rền rĩ, và những tiếng động trở mình lẫn lộn của mọi người vang lên cả đêm. Nhiều tù nhân khó ngủ, nằm xuống ngồi lên liên miên, một số hút thuốc không dứt. Trong bóng tối hầu như lúc nào cũng có cử động. Không khí sặc mùi thuốc lá, mồ hôi, nước tiểu và bụi bậm.
Trong đêm đầu tiên, cứ mỗi hai tiếng đồng hồ tôi lại bị đánh thức bởi những lính canh lục soát khắp phòng, chiếu đèn pin sáng rực vào mắt tôi. Ðó là một phần của tục lệ đếm đầu người kéo dài từ ngày này qua ngày khác; cứ mỗi lần nghe tiếng còi the thé, tất cả mọi tù nhân phải về tại giường của mình, mỗi phòng đều kiểm lại, sau đó báo cáo cho Phòng Kiểm Soát và cuối cùng máy phóng thanh loan báo “không ai vắng mặt”. Lúc đầu nó chỉ gây bực dọc vì bị phá rối, nhưng chẳng bao lâu nó tạo nhiều căng thẳng, như trò tra tấn bằng nước của người Trung Hoa; một giọt không hề hấn gì, nhưng khi giọt nước cứ chảy ngày đêm, mỗi giọt nước ngỡ như là cơn bão.
Cũng trong đêm đầu tiên đó, tôi giật mình thức dậy, người như mất trí giác, cứ ngỡ đây là ác mộng hãi hùng. Sau này, tôi được biết nhiều tù nhân khác cũng chịu cảm giác tương tự kéo dài đến hàng tháng, cái cản giác bàng hoàng khi phải vật lộn với thực tế, giật mình thức dậy trong bóng tối ngỡ mình được tự do.
Có một sinh hoạt giúp chúng tôi đỡ nhàm chán, đó là những buổi thăm viếng hàng tuần vào tối thứ ba của anh Edmon Blow, một Mục Sư Báp Tít tại địa phương. Ba mươi anh em chúng tôi quay quần trong một thính đường nhỏ. Một bục nhỏ che tạm plastic đỏ được đẩy lên phía trước của căn phòng; mặt trước của bục ở trên cùng là một thập tự bằng sắt với hàng chữ Chính Phủ Hoa Kỳ được khắc lên. Cái đàn dương cầm cũ được đẩy đến gần đó.
Anh Blow dáng cao lớn, hơi ốm, người đã tuyệt đối nghe theo lời dặn Kinh Thánh để nói về đức tin của mình một cách can đảm, không ngại ngùng. Trong một giờ ngắn ngủi đó, tôi nghe nhiều tiếng Amen, ngợi khen Chúa và Halêlugia hơn là cả đời tôi trước đó. Ngạc nhiên thay, tôi hát lớn theo và thích thú từng giây phút một.
Sau giờ nhóm, khi đang bước ra, anh Blow bắt được cái nhìn của tôi. Anh chồm đến, ôm chầm lấy tôi trước sự ngạc nhiên tột độ. Anh Blow nói lớn, “Halêlugia cho mọi người ở đây. Ngợi khen Chúa”. Anh như kéo dài chữ ngợi khen. Cái xương cổ dài làm tăng thêm vẻ mặt ốm yếu của anh, khuôn mặt dạn dày gió sương của xứ Alabama thôn dã, nhưng trong ánh mắt đượm đầy sự trìu mến và yêu thương.
Anh Blow là một phần của những biến cố lạ lùng xảy ra trong những tuần lễ sắp đến. Nhưng ngay trong đêm nay, thế là quá đủ cho đời tôi. Tôi đã tìm được một người anh khi con tim khát khao nhất.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.