Tái Sinh – Chương 6.d
Có nhiều gian nan, khó khăn trong những ngày đầu tiên ấy, nhưng khó khăn lớn nhất giờ mới xuất hiện. Trong khi đi ngang qua phòng ăn hôm cuối tuần, một trong những tù nhân phụ trách phòng ăn tên Jerry chồm người qua quầy, đảo mắt nhìn quanh rồi nói nhỏ vào tai tôi, “Tôi cần phải gặp anh – chuyện này quan trọng cho anh lắm”.
Có gì linh tính cho tôi biết hắn ta nói thật. Khi tôi gặp Jerry ngoài phòng ăn sau bữa trưa, hắn chỉ về hướng sân banh, nơi mà tù nhân có thể chắc rằng không ai nghe được những mẩu nói chuyện của họ. Tôi để ý kỹ hắn ta dáng người nhỏ con, đầu sói, có lẽ khoảng gần bốn mươi, hắn cho biết New Orleans là quê hương của hắn.
Khi chúng tôi đã đi xa đến nơi an toàn, Jerry bước chậm lại bắt đầu hỏi, “Anh có kẻ thù nào ở đây không?”
“Tôi không biết. Tại sao?”
“Ý tôi muốn nói là có ai sẵn sàng hạ anh không?”
“Anh muốn nói là giết tôi à?” Tim tôi đập mạnh, xương sống bắt đầu lành lạnh.
Jerry gật đầu. “Chuyện này không dính dáng gì đến tôi cả, nhưng tôi thấy anh là người đàng hoàng không như chúng tôi tưởng”.
Tôi tự hỏi hay đầy có thể là gài bẫy. Một cách để thử tôi? Tù nhân hết sức tôn trọng luật lệ rằng đừng dính líu gì đến người khác. Tại sao Jerry lại làm điều đó?
Hình như đoán được ý nghĩ của tôi, Jerry nhún vai, “Tôi không dính líu gì đến chuyện này, nhưng thôi – tôi nghe lóm thằng khi nãy nói với bạn nó rằng nó muốn giết anh. Có nhiều đứa nói như vậy, nhưng thằng này coi bộ làm thiệt”.
Tôi tò mò. “Anh có thể chỉ thằng đó cho tôi không?”
Tôi nhìn mắt hắn như không rời trong suốt câu chuyện. Hắn ta coi bộ hết sức nghiêm chỉnh. Nếu hắn đang thử tôi, cách hay nhất là tôi giả bộ tỉnh bơ. Tôi lạnh lùng hỏi, “Nếu tôi báo cáo với mấy tên cai, anh có chịu chứng thực và ủng hộ tôi không?”
Jerry khó chịu, hắn bắt đầu đá từng lớp cát ở dưới chân. “Này Colson, mặc kệ anh, tôi tưởng cần phải cho anh hay để anh liệu. Vậy thôi. Anh tính sao thì tính, đừng lôi tôi vào trong đó. OK?”
Tôi cười với hắn lần đầu tiên. “Jerry, cảm ơn anh về việc này. Tôi tự lo cho tôi được”. Trong khi chúng tôi lặng lẽ bước về nhà ngủ, tôi ước sao trong lòng cũng tự tin như chính giọng nói của mình vừa rồi. Người đó là ai? Một người chống đối Nixon kịch liệt? Như Mike tên sát nhân chẳng hạn! Bây giờ tôi có thêm một tên sát nhân nữa phải đề phòng. Nếu Jerry nói sự thật, quả tên này đang hăm dọa giết tôi đây.
Ðến chiều tối sau khi thi hành công tác hàng ngày xong tôi mới rảnh rỗi để ngồi yên một mình suy nghĩ. Tôi ngồi trên bãi cỏ bên nhà ngủ, đầu óc rối ren quay cuồng. Tôi phải làm gì trước sự báo động của Jerry?
Tôi có thể nói chuyện với nhân viên trực ngay lúc đó, hay cố gắng chịu đựng đến ngày mai lên gặp viên quản trại. Nhưng họ có thể làm gì được? Jerry không chịu nói. Nếu đây là chuyện thật và tôi lại đi “mét” những nhân viên, tương lai ở đây là một địa ngục trần gian cho tôi. Dầu sao đi nữa, thì những nhân viên không thể nào bảo vệ cho tôi được, không gì có thể ngăn được tù nhân lén lút vào một nhà ngủ tối đen vào ban đêm để kết liễu cuộc đời của một tù nhân khác trong giấc ngủ. Tôi đã được nghe kể nhiều chuyện tương tự như vậy tại trại giam này cũng như những nơi khác. Có nhiều cơ hội để tóm lấy nạn nhân, ngay cả lúc ban ngày.
Báo cáo sự đe dọa này cho những viên chức lợi được gì đây? Cùng lắm là họ đưa tôi đi nơi khác. Hiện báo chí đang đăng tải tôi đang ở trại giam Maxwell, họ giải thích sao nếu tôi chuyển một lần nữa? Có lẽ Nhà Tù Nhân sẽ bị tố cáo là thiên vị, rằng tôi không thích ở Maxwell và đã giựt dây để được chuyển đi. Còn tệ hơn nữa, họ có thể nhốt tôi vào một trại giam an ninhh hết sức cẩn mật và bị dòm ngó ngày đêm. Ðồng ý đó cũng là một cách được bảo vệ, nhưng tôi phải trả một giá quá đắc.
Tôi kết luận rằng không có sự lựa chọn nào khác. Tôi phải can đảm đối chọi với nó và hy vọng rằng Chúa sẽ hướng dẫn tôi. Một lần nữa Ngài khiến tôi phải cầu cứu đến Ngài. Trước khi đi gủ tối hôm đó, tôi cầu nguyện xin Chúa hiện diện và gìn giữ tôi. Ðức tin của tôi còn yếu lắm, nên mặc dầu đã quá kiệt sức về thể xác, nhưng tôi vẫn trằn trọc suốt đêm, cứ ngủ được một lát lại bị đánh thức bởi bất cứ một tiếng động nhỏ nào. Trong những phút căng thẳng đó, tôi thường nhìn đăm đăm vào bóng tối, tìm cách nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Sáng hôm sau, mắt tôi lờ đờ và đỏ cay.
Tệ hơn nữa là những con mắt cú vọ của nhân viên trại giam và hai trăm năm mươi tù nhân luôn luôn để ý tôi. Ði đến đâu cũng cảm thấy như vậy cả. Tôi phản ứng như thế nào đối với đồ ăn vớn dở bỗng nhiên ngon? Tôi kết bạn với ai? Tôi nhận thư nhiều hay không? (Thật ra có). Công tác lao động của tôi là gì? Bởi những điều này chứng tỏ tôi có đang vận động để được đối xử đặc biệt hay không. Một dấu hiệu mảy may cho thấy sự thiên vị sẽ bị tóm lấy một cách vui mừng, bởi nó chứng minh điều mà ai cũng nghĩ sẽ xảy ra, đó là cả guồng máy bất công, hoặc những tù nhân trước đây nắm giữ chức vụ quan trọng được đối xử khác.
Có nhiều điều ngạc nhiên khi anh em truyền miệng nhau rằng tôi không xin những việc làm trong nhà vốn được nhiều người chiếu cố. Ðây là một sự cố ý. Tôi biết nhiều người sẽ nghĩ tôi chạy chọt để được việc làm tốt và tránh những công việc nặng nhọc ở ngoài trời hay trong nhà bếp. Mỗi khi ủy ban phân công họp để chia việc, hầu như khắp trại có dịch đau lưng kinh niên, những chứng bệnh bí mật và mọi triệu chứng đau ốm khác; rồi sau đó những người đau nặng có thể bình phục nhanh một cách lạ lùng.
Tôi lăn xả vào mọi công tác, đánh bóng sàn nhà, quét sân, đổ rác như thể cuộc đời tôi tùy thuộc vào đó, mà đôi khi quả thật như vậy. Ðược “chấp nhận” và chứng tỏ cho người khác tôi có thể thích nghi với hoàn cảnh mới đối với tôi bây giờ quả là quan trọng. Mặc dầu sự so sánh không được ổn lắm, nhưng tôi thấy nó cũng quan trọng như ba mươi năm về trước tôi cố gắng chen chân vào trong trường Brahmin ở Boston hay như gia nhập Thủy Quân Lục Chiến. Tôi phải tự tìm cách lấy cho mình – và lần này khó khăn hơn trước nhiều. Bởi không những tôi phải chịu đựng với báo chí mà phải len lỏi cho được qua hàng rào kiên cố của sự nghi ngờ bao phủ mọi khám đường.
Ðời sống tại khám đường thường được ví với quân đội. Có một vài điểm giống nhau – sống ngăn cách với bên ngoài, sống theo nhu cầu tập thể, cái cảm giác bị đè nén bởi cấp trên. Nhưng có nhiều điểm khác nhau quan trọng hơn thế. Ở trong tù, người ta kết thân có thể ăn cắp đồ mình. Tù nhân luôn luôn đề cao cảnh giác ngay cả với những người họ quen biết.
Mục đích duy nhất ở trong tù là sống còn, giết thời giờ, tránh gây khó khăn, rồi ra đi. Ra đi là phần thưởng quí giá nhất và tùy thuộc rất nhiều vào mỗi cá nhân. Những tù nhân khác có thể ảnh hưởng đến cơ hội được trả tự do của một người bằng cách lôi kéo người đó vào những việc làm xấu xa của họ, nhưng không ai có thể làm gì để giúp người đó tự do được. Ngược lại, binh lính trong quân đội được đào luyện để làm việc chung vai với nhau. Khi ra trận họ phải tùy thuộc lẫn nhau. Sống hay chết là tùy thuộc ở đồng bạn của mình.
“Colson, anh chưa cho tôi biết anh thích làm công tác gì đó nghe”, Ben Brown nhân viên phụ trách về lao động với khuôn mặt tròn phịa và nụ cười nhạt đang nhìn tôi chăm chú từ bên kia bàn họp. Hai bên ông ta là một nhân viên giáo dục, hai phụ tá, và những nhân viên phụ trách lao động khác. Ðã đến lúc ủy ban phân công quuyết định về trách nhiệm lao động của tôi.
“Dạ thưa tôi hiểu”.
Sau đó Brown bảo tôi ra ngồi đợi. Vài phút sau họ gọi tôi vào. “Colson, anh sẽ làm việc tại phòng giặt”. Ðoạn họ ra chỉ thị cho tôi về những gì nên và không nên làm.
Phòng giặt nằm trong căn nhà lớn cất theo kiểu nhà kho. Nơi đây nóng như thiêu đốt vào mùa hè, nơi mà mỗi ngày biết bao áo quần lót ướt ẩm mồ hôi, y phục làm việc của tù nhân được lựa ra, giặt giũ trong những máy giặt, sau đó đồ sạch được phân phối trở lại cho tù nhân. Nhưng công việc cũng có phần lợi của nó: tôi sẽ làm việc dưới quyền Bleven, người có tính tình thân thiện đã làm thủ tục nhập trại cho tôi, ngoài ra tôi có thể giữ áo quần của tôi luôn luôn sạch, một yếu tố quan trọng để giữ gìn sức khỏe. Ðôi khi công việc đòi hỏi tôi phải đứng trong mưa dầm nước ngập đến mắt cá có đến mười phút. Tù nhân không được phát áo mưa, chỉ có một cái khăn, một áo lót và một đôi vớ mỗi ngày. Hôm bị mưa lần thứ hai, tôi bị cảm nặng kéo dài đến hai tuần lễ.
Làm việc trong phòng giặt, tôi có thể giặt vớ và áo quần lót của mình bất cứ lúc nào; những tù nhân khác thì phát sao lấy vậy. Những cái lợi tuy nhỏ như vậy nhưng đôi khi rất quan trọng. Việc làm của tôi trong phòng giặt còn là một bước trên đường hẹp bỏ tự ái của mình. Chắc chắn có một bài học về sự nhịn nhục trong việc giặt áo quần người khác, không khác rửa chân họ bao nhiêu.
Công việc của tôi đáng lẽ giúp tôi bớt bị tù nhân khác ghét, hay nói một cách khác ngày càng được anh em chấp nhận, nhưng tôi không thấy được điều đó từ những phản ứng của họ. Câu nói: “Thằng phách lối ở Tòa Bạch Ốc đang giặt vớ cho tao” là một câu tiêu biểu. Có một vài tình bạn mới, nhưng hầu hết những người khác đều có vẻ ái ngại tôi. Vì quá thèm khát tình thông công và sự nâng đỡ nhiệt tình từ các anh em ở Tòa Nhà Thông Công, tôi bỗng nhớ đến người thanh niên trẻ mang thập tự nơi cổ và quyết định đi tìm anh ta.
Paul Kramer, hai mươi bảy tuổi, tính tình bộc trực, người khỏe mạnh và là đấu thủ xuất sắc của đội bóng chuyền ở trại. Sau một thời gian phục vụ tại Việt Nam trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, hắn quay về học tại thành phố Atlanta quê hương của hắn thuộc tiểu ban Georgia. Ðể bù lại cho thời gian đã mất và trang trải mọi chi phí, Paul cố làm hai việc cùng một lúc. Trong nhà có nhiều chuyện lục đục với vợ mới cưới của hắn chịu không nổi, Paul bắt đầu hút rồi sau đó buôn bạch phiến, sống nghề này khoảng bốn tháng. Bị bắt quả tang rồi bị giam Texarkana, hắn kể lại cho tôi hắn đã đối diện với cuộc đời rối beng của hắn và cuối cùng “tin nhận Ðức Chúa Trời”.
“Paul, ước gì chúng ta có thể gầy một nhóm nhỏ tại đây”, tôi đề nghị. “Bộ chúng ta không thể kiếm thêm hai tín đồ nữa, gặp nhau một tuần vài lần để chia sẽ những nan đề và cầu nguyện với nhau hay sao?”
Paul trầm ngâm nghĩ ngợi trước đề nghị của tôi, “Khó nói quá, Chuck, người ta cười vào bọn ‘khùng điên theo Giê-xu’ ở đây. Anh không thể mang Kinh Thánh đi vòng vòng mà không bị người ta trêu chọc. Ở đây không có những chuyện như vậy”.
Tôi cố gắng thêm, “Nè Paul, cứ thử đi mà. Chính anh phải bắt đầu chuyện đó. Còn tôi mới quá, vả lại tôi không muốn người ta nghĩ rằng tôi dành của anh. Sao, nghe được tai không?”
Nhưng hắn lắc đầu, “Không, đây không phải là chuyện tổ chức là được. Có lẻ chúng ta nên cầu nguyện về việc này để coi ý Chúa như tế nào”.
Tôi ngạc nhiên trước sự từ chối của hắn, nhưng không ép gì thêm. Chúng tôi cầu nguyện chung với nhau tối hôm đó, chỉ hai chúng tôi trong bóng tối ở bên ngoài nhà giam G. Chúng tôi cầu nguyện với Ðức Chúa Trời cho mọi người trong trại được hiệp một với nhau, nhưng không ngờ đã được trả lời cách lạ lùng, khiến chính đời tôi phải thay đổi và xao động tận đáy sâu tâm hồn.
Trong suốt tuần lễ, tôi mong cho đến ngày thứ bảy và chuyến viếng thăm đầu tiên của Patty. Tôi thức dậy trước sáu giờ sáng, biết chắc rằng Patty sẽ đứng ở cổng dành cho khách khi cổng được mở lúc tám giờ. Sau khi cạo râu kỹ lưỡng, tôi cố ép những nếp nhăn trên y phục cho thẳng. Làm hoài không được, tôi đứng kéo áo lót quá ngắn xuống càng nhiều càng tốt, hy vọng những nếp nhăn sẽ mất đi. Tôi nhìn vào gương. Sau lớp kem đánh răng và cạo râu dày cộm là khuôn mặt của Patty sẽ gặp. Tôi hy vọng nàng sẽ không thấy những nếp nhăn trên mặt tôi.
Chỉ có ba hay bốn anh em chúng tôi là thức dậy sớm chuẩn bị đón người nhà đến thăm, riêng tôi có cảm giác như ai cũng để ý đến mình. Những anh em khác đã ở đây nhiều tháng, có khi nhiều năm. Họ sợ những ngày cuối tuần khi thời gian trôi qua quá chậm. Thật ra, một vài tù nhân không muốn người nhà và bạn bè đến thăm, sợ phải thấy y phục nhàu nát và khung cảnh thê lương chung quanh. Một số khác cho rằng thời gian sẽ trôi qua nhanh hơn nếu không có những biến động tình cảm do lúc chờ đợi, nếp sống bình thưòng bị gián đoạn và sự đau đớn khi chia tay người thân gây ra. Nhưng đối với hầu hết tù nhân, trở ngại chính yếu là tài chánh: gia đình họ không thể chịu nổi chi phí đi lại. Những tù nhân này không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố làm những việc nhàm chán hằng ngày để kéo dài lê thê thành giờ, giờ thành ngày, ngày thành tuần – như một giấc ngủ dài.
Patty và tôi quyết định không bỏ dở một phút. Có lẻ làm quen với kiếp sống tù tội sẽ dễ hơn nếu chúng ta đừng sống theo cái lên cao của tình cảm vào dịp cuối tuần và sự xuống dốc trong những ngày thường, nhưng tôi khó mà trở thành một người máy như thế được. Nguyên một tiếng đồng hồ trước giờ thăm viếng, tôi nóng lòng đi tới đi lui ở ngoài sân.
Khách đến thăm thoạt tiên phải trình diện tại cửa ngoài của khu hành chánh. Theo luật lệ, mọi người đều bị soát tại đó (trên thực tế có nhiều người không bị soát). Danh sách đến thăm cần phải được chấp thuận trước đó. Mỗi một tù nhân phải nộp một danh sách ghi tên những người có thể đến thăm mình. Tù nhân không được mang gì theo vào phòng tiếp khách mà không được giấy phép đặc biệt và không nhận gì từ người đến thăm ngoại trừ bốn gói thuốc lá. Trao đổi cũng bị cấm ngặt. Luật lệ về hành vi trong phòng tiếp khách dài đến hai trang, kể cả việc cấm chỉ mọi sự ôm nhau, ngoại trừ lúc đến và đi. Một khi tù nhân đã vào khu tiếp khách, anh ta không thể trở về phòng của mình, nếu anh ta trở về, cuộc viếng thăm coi như chấm dứt. Giờ viếng thăm chấm dứt lúc bốn giờ chiều.
Ðúng tám giờ sáng, máy phóng thanh kêu oang oang, “Colson, Colson, có khách”. Lòng nôn nao như học sinh lớp năm đi học về ngày đầu tiên, tôi chạy về phòng hội, quên cả trình diện cho phòng kiểm soát. Một tên lính canh giận dữ kêu tôi lại hạch sách và la lối om sòm.
Khi bước vào phòng hội nơi dùng làm phòng tiếp khách, tôi thấy Patty tươi cười trong bộ ý phục màu xanh láø cây. Chúng tôi giữ để khỏi quá cảm xúc, nhưng không sao làm nổi những phút đầu tiên. Tôi giấu không kể cho nàng nghe về những khổ sở, hay có người đe dọa giết tôi, mà chỉ kể hết mọi người ở đây hầu như những người bình thường khác mà chúng tôi đã gặp. Họ chẳng qua chỉ là nạn nhân của thời cuộc. Patty nhìn bộ quần áo tơi tả của tôi không rời, tôi biết lòng nàng quặn thắt lại.
Mặc dầu trời vào thu lành lạnh nhưng chúng tôi ngồi với nhau ở bàn tròn ngoài trời cả ngày. Nếu không bởi những nhân viên canh gác đi tới đi lui trong khu vực thăm viếng, có lẽ chúng tôi đã quên không gian. Thật là niềm sung sướng, thoải mái có Patty bên cạnh trong hai ngày đó cũng như được nhóm chung với nhau tại một buổi nhóm thờ phượng ngay trong trại vào sáng Chúa Nhật. Bây giờ chúng tôi mới hiểu cái căng thẳng về mặt tình cảm mà Bud và Suzanne đã nói đến trước đây. Ðêm Chúa Nhật trở về phòng ngủ, sự cô đơn da diết, tàn nhẫn, một lần nữa kéo đến, tôi tự hỏi chúng tôi sẽ chịu đựng như thế được bao lâu.
Tôi biết rằng rồi đây sẽ quen thuộc với mọi điều: tiếng những gián vỗ bình bịch vào cánh cửa tủ bên đầu tôi khi tôi cố dỗ giấc ngủ, mùi hôi hám dai dẳng, lì lợm của áo quần nhiều ngày không thay, chuột cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Nhưng khi nhìn xe của Patty lái ra khỏi bãi đậu xe chiều Chúa Nhật hôm đó, lòng tôi chết lịm bởi dư âm lê thê hôm đó. Mặc dầu Patty chỉ ở cách tôi chừng vài dặm trong một khách sạn, nhưng nếu nàng cần tôi, tôi không thể đến với nàng. Tôi không được gặp và gần gũi nàng, nhưng phải sống thêm một tuần nữa trong cái thực tế phũ phàng của một trại giam, mỏi mòn chờ đợi đến cuối tuần.
Dịp Patty đến thăm, chúng tôi đọc Kinh Thánh cùng nhau – đó cũng là lần đầu tiên tôi mở Kinh Thánh kể từ hôm vào tù. Cảm thấy trong lòng được thúc đẩy, sáng thứ hai hôm sau tôi quyết định dậy sớm bắt đấu học Kinh Thánh dựa theo cuốn “Viết cho người tin Chúa” của tổ chức Navigators (Thánh Kinh Nghiên Cứu Học Hiệu) mà Doug Coe đã tặng tôi.
Bài học đề nghị đầu tiên được chép trong sách Hêbơrơ đoạn hai, được coi là “những dữ kiện thiết yếu về con người tính của Ðức Chúa Giê-xu Christ”:
Nhưng Ðức Chúa Giê-xu Christ này, mà đã ở dưới các thiên sứ một chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh hiển tôn trọng. Ấy vậy, bởi ân điền của Ðức Chúa Trời, Ðức Chúa Giê-xu đã vì mọi người nếm sự chết. Thật, Ðấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Ðấng làm cội rễ của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm. Vì Ðấng làm nên thánh vè kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em. Hêbơrơ 2:9-11
Vì quả thật không phải Ngài đến vùa giúp các thiên sứ, bèn là vùa giúp dòng dõi của Ápraham. Nhơn đó, Ngài phải chịu làm giống như anh em mình trong mọi sự, hầu cho đối với Ðức Chúa Trời, trở nên thầy tế lễ thượng phẩm, hay thương xót và trung tín, đặng đền tội cho chúng dân. Và, vì chính mình Ngài chịu khổ trong khi bị cám dỗ, nên có thể cứu những kẽ cám dỗ vậy. Hê-bơ-rơ 2:16-18
Khi tôi đọc đi đọc lại những lời này, tôi tin chắc rằng Ðức Chúa Trời đang nói chuyện với tôi: tôi ở tù, bởi tôi phải ở tù, một bước cần thiết, giá mà tôi phải trả để hoàn toàn dứt bỏ cuộc đời cũ của tôi hầu được tự do trong cuộc đời mới. Có lẽ Ngài đang sửa soạn, huấn nhục tôi cho tương lai, nhưng với mục đích gì cho bây giờ? Tự nhiên, trong lòng tôi có gì bảo tôi mục đích đó nằm ngay trước mắt – Ngươi hãy đọc lại và suy nghĩ đi, đoạn đó diễn tả cách mà Ðức Chúa Trời tìm hiểu con cái của Ngài, Ngài đã giáng thế qua Ðếng Christ, một con người, để Ngài có thể biết con cái Ngài như anh em với nhau vậy. Thí dụ này có ý nghĩa đối với ngươi đó.
Ðột nhiên có gì kì diệu và đẹp đẽ hiện ra trước mắt tôi từ những giòng chữ đó. Như tôi đã lý luận trước đây, Ðức Chúa Trời đã tạo nên chúng ta như những đại lý của Ngài, và có hình dáng giống Ngài. Chúng ta phải là khí cụ của Ngài. Nhưng vì sự không vâng lời Ðức Chúa Trời lúc ban đầu tại Vườn Êđen và qua lịch sử con người được ghi lại trong Cựu Ước, con người vẫn tiếp tục làm Ngài thất vọng. Cho nên thay vì trừng phạt loài người như Ngài đã từng làm trong thời Cựu Ước, hay chấm dứt hoàn toàn hợp đồng Chủ / đại lý đó, Ngài đã chọn làm một người như chúng ta, Ngài đã sống giữa những đại diện của Ngài, nếu chúng ta có thể nói như vậy, để Ngài qua nhân vật Chúa Giê-xu Christ có thể trở thành xác thịt trong phút chốc hầu thấu hiểu những tội lỗi của chúng ta, những sự cám dỗ, cũng như thông cảm cho những nỗi sợ hãi của chúng ta. Ngài có thể nói với chúng ta bằng ngôn ngữ ta dùng, tha thứ cho chúng ta, và cho chúng ta con đường cứu rỗi. Quả là một điều khác thường – biết Ðức Chúa Trời như Người Anh của mình qua Con Người Chúa Giê-xu Christ! Quả là một sự liên hệ riêng tư lạ lùng mà Ngài đã tạo nên! Chỉ nghĩ đến điều đó đã khiến tôi lạnh rùng mình.
Ðây là lần đầu tiên tôi thực sự thấu hiểu ý nghĩa của chữ Ðức Chúa Trời Ba Ngôi. Ðầu tiên Ðức Chúa Trời là Ðấng Sáng Tạo tức Ðức Chúa Cha, kế đó Ngài là Ðức Chúa Giê-xu – Ðức Chúa Con – Ngài sống với chúng ta, sau cùng vì biết những đòi hỏi của xác thịt chúng ta, Ngài cho chúng ta Ðức Thánh Linh, thay cho Ðức Chúa Giê-xu, ở cùng ta làm Ðấng Yên Ủi và Ðấng Giúp Ðỡ. Cho mãi đến bây giờ, tôi chỉ tin nhận Ðức Chúa Trời Ba Ngôi một cách trừu tượng – trên thực tế tôi chỉ biết có Ngôi Thứ Ba. Bây giờ, tôi lại càng thấy nguồn của sức mạnh và quyền lực một cách cụ thể hết sức và biết chắc đó là kế hoạch của Ðức Chúa Trời. Trước đây, khi cầu nguyện cho Ðức Thánh Linh hướng dẫn tôi, tôi cảm thấy Ngài đang làm điều đó, nhưng không hiểu việc gì xảy ra. Bây giờ thì tôi nắm rõ vấn đề.
Bỗng nhiên tôi chới với trước một ý nghĩ liên quan đến cá nhân tôi rất nhiều. Ðức Chúa Trời đã cảm thấy cần thiết để trở nên con người hầu giúp đỡ con cái Ngài. Có thể chính tôi phải trở thành tù nhân để hiểu thế nào là đau đớn và mất mát? Nếu Ðức Chúa Trời đã xuống trần gian để kết thân anh em với chúng ta hầu có thể hiểu chúng ta hơn, thì có lẽ kế hoạch của Ngài dành cho tôi đó là tôi thành người có tội sống trong tù hãi hùng như thế nào chỉ viếng thăm rồi đi? Tôi nghe giọng nói trong lòng mình trả lời: Dĩ nhiên là không. Không ai có thể hiểu được nếu không là một phần tử của trại giam, nếu không trải qua những thấp thỏm lo âu, nếu không biết đến sự bó tay bất lực và nếu không sống trong sự lẻ loi, cô độc. Tôi hiểu thêm lý do tại sao Chúa Giê-xu đến với chúng ta trong thế gian này.
Dĩ nhiên, dĩ nhiên, dĩ nhiên, tôi tự nhủ. Chắc chắn việc tôi ở đây có một mục đích, có thể là một sứ mạng mà Ðức Chúa Trời đã giao phó cho tôi. Là một tín đồ Tin Lành, tôi tin tưởng hoàn toàn vào điểm mà Lewis nói rằng cá nhân quan trọng hơn quốc gia nhiều. Hiển nhiên câu nói này bao gồm luôn những cá nhân trong tù.
Kể từ nay cho đến chết, tôi biết và cảm nhận được thế nào là sự tù tội, sự ăn mòn của một người như nắng gắt đốt cháy da người, giết lần mòn những tế bào. Bởi Ðức Chúa Trời trong Con Người của Ðấng Christ đã không hổ thẹn khi gọi những tù nhân khác là anh em của tôi. Ngoài ra, tôi phải yêu thương từng anh em một. Và nếu tôi không trải qua thời gian tù tội, làm sao tôi có thể làm điều ấy được? Không bao giờ, tôi tự thú với chính mình.
Qua những ý nghĩ này, Chúa cho tôi thấy một sự khải thị – đó là Ngài kêu gọi tôi hầu việc Ngài trong giới tù nhân, cả bên trong khi còn là một tù nhân và sau này bên ngoài nữa khi được trả tự do! Chưa gì tôi đã thấy cuộc sống trong trại giam không có một chương trình cải huấn và đào tạo hiệu lực khả dĩ có thể giúp tù nhân lập lại đời sống mới khi được phóng thích. Ngược lại, trại giam là nơi dùng họ làm lao công miễn phí, trừng phạt họ nếu cần thiết, và coi thường nội tâm của họ ngỡ như họ không có cảm xúc.
Ðoạn Kinh Thánh trong sách Hêbơrơ đã làm xiêu đổ mọi thành trì của tôi, bắt tôi phải xét lại có nên dính líu với người khác hay không. Ðây cũng là sự giằng co mà tôi đối diện khi suy nghĩ có nên nhận tội hay không: theo cách của thế gian hay cách của Chúa Giê-xu Christ? Lúc đó, tôi đã chọn cách thứ nhì. Không lẽ bây giờ tôi đi ngược, chọn cách của thế gian sao? Lời khuyên của “Ðốc Tờ” Krenshaw nghe có lý thật, nhưng chắc do tôi suy nghĩ hơi quá chứ đâu đến nỗi vậy?
Ðoạn tôi nhớ lại những lời Ngài mang đến thốt qua cửa miệng tôi khi đứng trước tòa án sau khi Thẩm Phán Gesell tuyên án: “Tôi có thể hầu việc Ngài ở trong tù cũng như ở bên ngoài vậy”.
Nếu đó là mạng lệnh của Ngài – và quả thật như vậy – tôi phải hăng hái tìm hiểu những anh em đồng cảnh ngộ và vững tin rằng Ngài sẽ cho tôi mọi sự khôn ngoan và can đảm.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.