Trương Phan Hi: Thực Sự Yêu Chúa?
Lời Ban Biên Tập:
Mục sư Tiến sĩ Trương Phan Hi đã về với Chúa vào cuối tháng 11 năm 2013. Đầu thập niên 1960, trong chương trình đào tạo các giáo sư cho Thần Học Viện trong tương lai, sinh viên Trương Phan Hi được gởi sang Hoa Kỳ để du học. Biến cố năm 1975 xảy ra, Mục sư Trương Phan Hi ở lại Hoa Kỳ. Ông là vị mục sư Việt Nam đầu tiên làm giáo sư đại học tại Hoa Kỳ. Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu với bạn đọc bài viết được sinh viên Trương Phan Hi viết cách đây 50 năm, lúc đang theo học tại Columbia Bible College. Bài viết được đăng trên Hừng Đông, số 73, tháng 10 năm 1963.
Chúa Yêu Chúng Ta Và Chúng Ta Đã Yêu Chúa, Nhưng …. Chúng Ta Đã
Thực Sự Yêu Chúa Chưa?
Tình yêu chân thật không tỏ bằng lời nói suông nhưng được chứng minh bằng hành động.
Khi thật yêu người nào, chúng ta luôn muốn dành điều gì tốt nhất, quý nhất để cho người mà ta yêu. Tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng vợ, giữa trai gái, giữa bạn bè đều nằm trong quy luật này.
Đức Chúa Trời tỏ tình yêu của Ngài với chúng ta bằng hành động mà Kinh Thánh đã chép: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày tỏ ra trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế gian, đặng chúng ta nhờ Con được sống.” I Giăng 4:9.
Ban cho là việc làm đầu tiên mà Đức Chúa Trời dùng để tỏ cho loài người biết là Ngài đã yêu thương loài người. Từ thuở khai thiên lập địa, khi vừa tạo xong người nam và người nữ đầu tiên, Chúa đã ban cho loài người cả tạo vật mà Ngài đã dựng nên (Sáng Thế Ký 1:28).
Khi loài người phạm tội và hư mất, tội lỗi ngự trị đầy trên thế gian, Đức Chúa Trời lại tỏ tình thương của Ngài bằng cách ban chính Con Độc Sanh của Ngài để cứu chúng ta.
Còn điều gì hùng biện hơn là sự ban cho mà Đức Chúa Trời đã tỏ ra để chúng ta biết một cách cụ thể rằng Ngài đã yêu chúng ta?
Cũng vậy, không có gì hùng biện hơn để chúng ta bày tỏ tình yêu của chúng ta với Chúa bằng sự cung hiến, hay nói cách khác hơn là dâng cho Chúa những gì quý báu mà chúng ta có.
Đối với đời sống hiện tại, một trong những điều quý mà ta có là tiền bạc. Thế gian thường nói “đồng tiền liền núm ruột.” Sa-tan biết dùng mãnh lực kim tiền và đời sống vật chất để cám dỗ chúng ta, và nó đã làm “hư” nhiều con cái Chúa cũng như đầy tớ Chúa; do đó, Chúa đã cảnh tỉnh chúng ta: “Nếu của cải thêm nhiều, chớ chú tâm vào đó.” (Thi Thiên 62:10b) “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” (Ma-thi-ơ 6:33).
Chúa biết lòng yếu đuối của loài người thường hay suy nghĩ đến tiền bạc của cải nên Ngài đã dạy chúng ta: “Của cải các ngươi ở đâu thì lòng các ngươi ở đó, hãy chứa của cải trên trời là nơi không có sâu mối, ten rét…” Chúa muốn ngụ ý: “Hãy hướng lòng các ngươi về những việc ở trên trời.”
Dâng tiền là nhiệm vụ và cũng là đặc ân mà Chúa ban cho chúng ta, giúp mỗi người có thể dự phần vào công việc thánh của Ngài. Có một số tín hữu nghĩ rằng dâng một phần mười là mức tối đa của mỗi người tín đồ, nhưng sự thật thì trái hẳn lại, đó chỉ là mức tối thiểu.
Đừng nghĩ rằng tiền bạc và của cải chúng ta có hiện nay là do năng lực và tài sức riêng của ta làm ra, mà quên rằng đó là sự ban cho của Chúa. Nếu bạn là một người có việc làm với thu nhập ổn định hằng tháng hiện tại, ngày mai bạn có thể trở nên một người thất nghiệp; nếu bạn là một thương gia giàu có hiện nay, tương lai bạn có thể ra đi với hai bàn tay trắng. Gióp đã kinh nghiệm điều này và thuật lại rằng: “Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Gióp 1:21) Đức Chúa Trời là Đấng có quyền quyết định mọi sự.
Chúa ban cho chúng ta mười phần, Ngài chỉ muốn chúng ta tự nguyện vui lòng dành một phần cho Ngài, để bày tỏ lòng biết ơn và yêu mến của chúng ta đối với Chúa; nhưng thử hỏi có bao nhiêu tín hữu đã và đang trung tín làm trọn điều này?
Hội Thánh của Đức Chúa Trời ở Việt Nam – cũng như ở những nước khác – không phải là một hội thánh nghèo khó, túng ngặt, thiếu thốn. Hội Thánh chúng ta đến hôm nay vẫn còn than nghèo, than thiếu, không tiền để phát triển công việc Chúa tại quốc nội và truyền giáo tại hải ngoại; không tiền tiếp trợ đầy đủ cho Thánh Kinh Thần Học Viện để cấp học bổng cho sinh viên muốn dâng mình đi học Lời Chúa nhưng không có tiền đi học, và để tránh cho Viện khỏi phải gặp tình trạng bãi khóa sớm; không có tiền cung cấp cho đầy tớ Chúa với một mức sống tương đối đầy đủ; không có tiền mở trường tiểu học, trung học, lập thêm chẩn y viện; thậm chí không có tiền mướn thư ký làm việc tại Văn Phòng Tổng Liên Hội, đến nỗi vị Hội Trưởng phải liêm luôn cả công việc của người thư ký đánh máy và tống thơ văn.
Tất cả sự thiếu thốn đau lòng này bắt nguồn từ đâu? Phải chăng đây là sự kiện chứng tỏ chúng ta đang bị rủa sả vì lòng tham trộm cắp quá độ của chúng ta (Ma-la-chi 3:8-10).
Tôi xin mạn phép nhắc lại: Chúng ta chỉ được quyền hưởng chín phần mười những huê lợi mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. Gương tham lam của mắt và sự kiêu ngạo của đời mà tổ phụ chúng ta đã để lại từ khởi thủy vẫn còn đó; và sở dĩ tội lỗi đã được rước vào thế gian, và ngày hôm nay loài người bị hư mất, cũng do A Đam và Ê Va không nhín lại được một phần theo lời Chúa dạy: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết” (Sáng Thế Ký 1:16-17).
Tổ phụ chúng ta đã ăn ráo trọi các thứ hoa quả, không chừa một cây nào cả! Và việc “ăn ráo trọi” hết cả này, ngày hôm nay chúng ta đang làm – chúng ta đang tiếp tục đi theo vết xe đã ngã của người xưa!
Một mặt khác, chúng ta cũng cần kiểm điểm lại vai trò giảng dạy của các đầy tớ Chúa trong vấn đề dâng hiến trong thời gian qua. Nói đến vấn đề tiền bạc là các vị mục sư, truyền đạo của Hội Thánh chúng ta rất ngần ngại, ít muốn giảng về vấn đề nầy. Có một số vị ngại đến nỗi chỉ muốn để cho ông thư ký hoặc thủ quỹ của chi hội đứng lên cổ động mỗi khi có cuộc lạc quyên cần thiết. Do sự khiếm khuyết giảng dạy về vấn đề này nên một số tín hữu có quan niệm sai lầm là vấn đề tiền bạc không nên nói nhiều tại nơi thờ phượng Chúa, vì sẽ làm cho nơi thờ phượng kém tính cách thiêng liêng đi.
Việc dâng hiến và giảng dạy về dâng hiến là hai điều rất thiêng liêng trong các vấn đề thiêng liêng của Hội Thánh Đức Chúa Trời. Xin hãy nghiên cứu kỹ hành động của Chúa chúng ta trong Mác 12:41 “Đức Chúa Jesus ngồi đối ngang cái rương đựng tiền dâng, coi dân chúng bỏ tiền vào thể nào.” Đây là một hành động có chủ đích rõ ràng mà Chúa muốn tỏ ra để dạy dỗ chúng ta.
Trên thế gian này chắc không có ai thiêng liêng bằng Đức Chúa Jesus, và Chúa đã ngồi tại rương đựng tiền dâng, Ngài nhìn bằng một cặp mắt quan sát tường tận từng người một để xem người nào dâng nhiều, người nào dâng ít. Xin hỏi: Hành động này của Đức Chúa Jesus có kém thiêng liêng không? Phải chăng qua cử chỉ này, Chúa muốn cho chúng ta biết Ngài rất quan tâm đến vấn đề dâng tiền. Chúa muốn dạy rằng việc dâng tiền, sự dạy dỗ về dâng tiền, việc khuyến khích và theo dõi số lượng dâng hiến của dân sự Đức Chúa Trời là điều rất thiêng liêng và quan thiết.
Từ năm 1911, Chúa đã giao phó cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam chúng ta một tài nguyên phong phú, một ngân quỹ bất tận để dùng cho công việc lớn và thánh của Ngài, nhưng chúng ta không tận lực khai thác. Chúa đã giao cho Hội Thánh chúng ta không biết bao nhiêu “ta-lâng” nhưng chúng ta đã đem các ta-lâng này chôn dưới đất trên 50 năm qua, chúng ta không muốn làm cho các ta-lâng này sanh lợi ra cho Chúa.
Đọc đến đây hẳn quý vị ngạc nhiên và muốn biết nguồn tài nguyên, hay nói cách khác, các ta-lâng này, Chúa để ở đâu. Xin thưa: Ở trong lòng mỗi tín hữu chúng ta.
Các vị chăn bầy sẽ trả lời với Chúa ra sao nếu giờ này Chúa phán rằng: “Các ngươi là những đầy tớ vô ích!”
Để kết luận, tôi xin chứng minh số lượng tối thiểu của tài nguyên này bằng những con số cụ thể.
Hội thánh toàn quốc chúng ta hiện nay có ít nhất 70 ngàn tín hữu (cả nam phụ lão ấu); số huê lợi của mỗi tín hữu khác nhau, người làm nông có huê lợi theo mùa, người làm việc có huê lợi hằng tháng như thương gia, công tư chức, thợ thuyền, lao công, người này 20 ngàn một tháng, người kia 10 ngàn, người khác 5 ngàn, có người 2 ngàn, 1 ngàn, hoặc 500 đồng một tháng. Tôi chỉ lấy số huê lợi tối thiểu chia đều cho mỗi người là 200 đồng một tháng. Chúng ta thấy tổng số huê lợi của toàn thể tín hữu của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam là 200 x70.000 = 14 triệu đồng một tháng. Nếu mỗi tín hữu đều trung tín dâng một phần mười của mình cho Chúa thì Hội Thánh toàn quốc có ít nhất 1 triệu 400 ngàn mỗi tháng.
Thưa quý vị, Hội Thánh chúng ta không nghèo mà trở nên nghèo chỉ tại tấm lòng của chúng ta đó thôi!
Cầu xin Thánh Linh của Đức Chúa Trời ấn chứng những lời đơn sơ chân thành này vào lòng quý vị. A-men!
Trương Phan Hi
Columbia Bible College (1963)
Hừng Đông
Tháng 10/1963
Thư Viện Tin Lành
Tháng 1/2014
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.