Tiểu Thuyết: Chim Bay Ngược Gió (1934)
Lời Ban Biên Tập:
Thánh Kinh Báo xuất bản số đầu tiên vào tháng 1/1931 tại Hà Nội, đã được phát hành rộng rãi cho độc giả bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh. Bên cạnh những bài viết phần lớn là giảng luận, nghiên cứu, và suy gẫm Kinh Thánh, Thánh Kinh Báo còn có những mục dành cho gia đình, thiếu nhi, tin tức, văn học và thi ca.
Trong lịch sử văn học Việt Nam, thập niên 1930 là giai đoạn đánh dấu sự phát triển của phong trào thơ mới và sáng tác tiểu thuyết trong chữ Quốc Ngữ. Chim Bay Ngược Gió là một tiểu thuyết, dựa trên truyện tích Thánh Kinh, được sáng tác trong giai đoạn này. Tác phẩm được đăng thành nhiều kỳ trên Thánh Kinh Báo vào năm 1934.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Chim Bay Ngược Gió được phát hành, Thư Viện Tin Lành xin giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc. Chim Bay Ngược Gió mang một số nét đặc trưng của tiểu thuyết Việt Nam trong thập niên 1930. Tám mươi năm đã trôi qua, văn chương Quốc Ngữ đã thay đổi rất nhiều; cách dùng chữ và cách hành văn trong tác phẩm có lẽ không còn quen thuộc với một số bạn đọc. Hy vọng tác phẩm sẽ giúp bạn đọc sẽ hiểu thêm một ít về văn chương Cơ Đốc trong giai đoạn đầu của tiểu thuyết Quốc Ngữ Việt Nam.
CHIM BAY NGƯỢC GIÓ (1934)
(Chuyện tích nàng Ru-tơ)
Chương thứ tư
Chắp Duyên Loan Phượng
Cây reo, suối hát, gió ca,
Chúc mừng loan phượng một nhà yên vui.
Đầu non, mặt đất, chơn trời,
Nước trong cùng uống, miếng mồi chia hai.
Trời tối. Bọn phụ nữ ngồi trên gạch cửa, xay lúa, vá may, cất giọng thanh tao hát các Thi-thiên thánh khiết, gợi lòng Na-ô-mi nhớ lúc xuân xanh chứa chan hi vọng.
Vầng trăng lơ lửng giữa trời, nhìn xuống cõi trần rộng rãi, dường như muốn báo tin mừng.
Trong nhà Na-ô-mi, cây nến (đèn sáp) sáng trưng thế chỗ ngọn đèn hiu hắt. Ngồi quanh bàn, ta nhận biết mười cụ trưởng lão, Na-ô-mi và Bô-ô. Còn Ru-tơ e lệ, thẹn thò, ngồi lặng ở gian nhà dưới. Cụ Giô-sép nói cùng “bà Nhơn-đức” rằng:
– Thưa bà, theo luật pháp của Đức Giê-hô-va, theo gia phổ của quí quyến, và theo lời từ chối của người trước nhứt có quyền chuộc sản nghiệp, thì chàng Bô-ô phải đẹp duyên cùng lịnh-tức là Ru-tơ, để lưu truyền tên tuổi kẻ đã qua đời. Chàng hâm mộ nàng tài đức vẹn hai, nên muốn cùng nàng đắp móng xây nền của một gia đình hạnh phước. Chúng tôi đến đây cầu hôn và mong lấy sợi chỉ hồng xe duyên Tần Tấn. Bà và cô suy nghĩ thế nào, xin cho chúng tôi biết rõ.
Na-ô-mi đáp:
– Cám ơn các cụ quá yêu hết lòng lo cho hai trẻ. Chàng Bô-ô không quản sang hèn giàu nghèo, muốn cùng tiện tức ghi vàng tạc đá, thật là hân hạnh biết bao! Song tôi nghĩ: Đạo vợ chồng gởi thịt trao xương, cần phải để gái trai thỏa thuận. Vậy, xin các cụ cho phép tôi gọi tiện tức, hỏi xem nó định bề nào… Ru-tơ con ơi ra đây mẹ biểu!
– Dạ!
Gót sen đủng đỉnh, từ nhà dưới bước ra, Ru-tơ cúi chào khép nép, rồi lặng yên đứng cạnh mẹ chồng.
– Này con, Đức Giê-hô-va dựng nên loài người, có nam có nữ, cho cùng nhau kết đạo vợ chồng ngõ hầu cuộc đời thêm vẻ mặn mà vui thú. Nay chàng Bô-ô muốn đẹp duyên với con, để cùng chia bùi xẻ ngọt, sánh vai đi bước đường đời. Mẹ biết chàng đứng đắn, đáng bậc chồng tốt, cha hiền. Bàn luận giờ lâu, mẹ đã vui lòng ưng thuận, các cụ đây cũng hết sức tán thành. Nhìn mặt con, mẹ đoán con còn lưỡng lự. Chắc bởi con không ham phú quí, chỉ ước gặp người bạn trăm năm vừa ý hiệp lòng, thì dầu phải uống nước lạnh, ăn cơm rau cũng thỏa dạ. Tâm tình ấy thật đáng ngợi khen. Song, nếu gặp người vừa tài đức, vừa giàu sang như chàng Bô-ô đây, thì mẹ mong con đừng từ chối.
Ru-tơ trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi đáp:
– Thưa, mẹ đã bằng lòng, con đâu dám cưỡng.
Ai nấy cả cười. Ông cụ Giô-sép hai tay nâng chiếc vòng vàng đưa cho Ru-tơ và nói rằng:
– Tôi xin thay mặt chàng Bô-ô, trao vật báu này làm của tin.
Nàng lãnh lấy, rồi cám ơn. Đêm đã khuya, khách vội cáo từ. Mẹ con Na-ô-mi cùng nhau đi ngủ. Bà mới đặt mình, giấc nồng đà thiêm thiếp. Riêng nàng đã nếm cảnh đoạn trường, biết trách nhiệm làm vợ, làm mẹ là nặng nề khôn xiết, bèn lẳng lặng bước xuống đất quì gối cúi đầu thiết tha cầu Đấng Toàn Năng dủ lòng thương cho Bô-ô và mình được đủ tư cách gây một gia đình êm ấm, được cùng nhau gá nghĩa phu thê cho tới lúc đầu bạc răng long khỏi phải nửa vời đứt gánh, tan gương như trước.
Tháng lại, ngày qua, thấm thoát hôn kỳ đã đến. Chính lúc cảnh lặng, đêm thanh, Bô-ô, mình bận áo tía, đầu đội mão hoa, xức dầu thơm, vui mừng đi rước vợ về. Đi quanh chàng có các bạn bè cùng tuổi, kẻ cầm đèn, vác đuốc, người ca hát vang lừng. Bước thấp bước cao, vừa đi vừa chuyện, nửa giờ sau cả bọn đã đến nhà bà Na-ô-mi.
Nhà gái sắm sẵn tiếp đón nhà trai. Ru-tơ trâm cài lược giắt, bận áo trắng giát vàng, chẳng cần giồi phấn thoa son mà cũng nổi vẻ mỹ miều xinh đẹp. Hai họ cúi đầu, một trưởng lão thành tâm xin Đức Giê-hô-va ban phước cho vợ chồng Bô-ô được cùng nhau cá nước duyên ưa, sắt cầm dây hiệp. Cảnh tượng này phảng phất giống lúc Chúa Jêsus sẽ làm Tân-lang từ trời giáng xuống, vui vầy cùng Tân-phụ là Hội-thánh Ngài.
Phòng khách nhà trai kết lá chưng hoa trang hoàng rất rực rỡ. Khi đã rước dâu về, tiếng đờn thánh thót êm đềm nhắc bổng tâm hồn tới miền hỉ lạc. Các cô thiếu nữ cầm nhánh chà là cất giọng thanh tao hát bài chúc tụng:
Ngợi khen danh thánh Hóa-Công,
Khéo xe chặt sợi chỉ hồng ngày nay.
Cá gặp nước, rồng gặp mây,
Vui nầy ai thấu? Phước này ai cân?
Phượng loan gá nghĩa Châu Trần,
Tình duyên đầm thắm, ái ân nồng nàn,
Dầu khi lướt dặm băng ngàn,
Sức càng mạnh mẽ, hồn càng thanh tao.
Vườn hòe, sân quế tiêu dao,
Tấm gương chồng vợ treo cao muôn đời.
Dưới ngọn đèn sáng lòa, khách khứa bận áo gai mịn, ngồi chung quanh bàn, cùng dự tiệc cưới. Lời nói, tiếng cười vui vẻ, điệu đờn khúc hát du dương, dường làm dấu hiệu báo trước rằng nhơn duyên sẽ được lâu dài bền chặt. Trò chuyện thì thào, kẻ mừng chú rể phú quí vẹn hai, người khen cô dâu sắc tài gồm đủ. Cuộc vui ngắn chẳng đầy gang, trăng xế canh tàn, chủ khách bắt tay từ giã nhau bằng cái nụ cười thân thiết.
Bữa sau, Bô-ô và Ru-tơ đến thăm Na-ô-mi. Thấy hai con quyến luyến, thương yêu nhau thì lòng bà vui mừng quá đỗi. Vợ chồng Bô-ô cùng thưa với bà rằng:
– Thưa mẹ, nhờ công đức cao dày của mẹ, chúng con mới có ngày nay. Song, “khôn dâu có trẻ,” nên lúc mới xây dựng gia đình, chúng con rất cần được mẹ dạy bảo. Vậy, chúng con thành kính mời mẹ về ở chung để được sớm khuya phụng dưỡng mẹ cho trọn đạo hiếu, và hằng ngày được nghe lời vàng ngọc.
Bà đáp:
– Hai con tỏ lòng kính mến, mẹ đây đâu nỡ chối từ.
Tòa nhà năm căn, nền vững ,tường cao, vườn to, sân rộng, từ nay là nơi ở của Na-ô-mi và vợ chồng Bô-ô. Danh thơm, bạc nhiều, thóc lắm, kẻ nể người yêu, một nhà nở mày đẹp mặt. Thật là:
“Vinh hoa có lúc phong trần,
Gẫm xem mới biết Trời gần, không xa.”
Sớm tối mẹ con nhóm lại đọc luật pháp, hát Thi-thiên, cùng nhau kêu cầu Thánh-Chúa để được dủ ơn phước mà lo tròn phận sự. Nhờ cuộc gia đình lễ-bái hằng ngày, đạo mẹ con và tình vợ chồng càng thêm thân thiết. Hễ ai bỏ qua cuộc lễ-bái ấy thì khó mà hưởng được ơn phước của Chúa.
Những khi trăng tròn vằng vặc, soi tỏ trần gian. Vợ chồng Bô-ô dắt tay nhẹ bước dạo chơi vườn cảnh. Gió thổi hiu hiu, hoa thơm phưng phức, tâm linh hai người khoan khoái vô cùng. Ngồi dưới gốc cây, chồng đờn, vợ hát, điệu thánh thót giọng véo von, ném thân ra ngoài vòng phàm tục. Có lúc đốt ngọn đèn cầy, chồng xem sách, vợ thêu thùa, treo một bức tranh gia đình đẹp đẽ khôn kể xiết.
Bô-ô, Ru-tơ được nếm hạnh phước, lại càng thương kẻ khốn cùng không vợ con, không bè bạn, không ai xẻ đắng chia cay, hằng ngày phải sống vật vờ trong đời đau khổ. Hai vợ chồng bèn bỏ tiền của, thì giờ mà làm việc từ thiện: chăm nom người bịnh hoạn, đỡ đần người già yếu, thăm viếng kẻ tóc tang, cứu giúp binh vực những hạng mồ côi, góa bụa. Họ biết mình làm vậy chỉ để đẹp lòng Thánh Chúa và trọn đạo yêu thương loài người, nên chẳng mong ai ngợi khen, tâng bốc chút nào cả.
Sau khi cưới hai năm, Ru-tơ sanh được một trai ngộ nghĩnh, phương-phi đặt tên là Ô-bết. Chính bởi dòng dõi con đó mà sau nhân loại mới có một Cứu-Chúa là Jêsus [1]. Vậy, ta mới biết “phước đức tại mẫu,” bông trái hiền từ, đạo đức của bà Ru-tơ há chẳng là thơm ngọt lắm sao? Lúc Ô-bết được một tuổi, họ mở tiệc ăn mừng mời hết thân bằng cố hữu. Trước khi dự tiệc, Na-ô-mi đứng dậy nói rằng:
– Thưa các ông, các bà, tôi xin thay mặt hai cháu, cảm ơn các ông các bà đã vui lòng dời gót ngọc đến tệ xá chia vui với chúng tôi trong bữa tiệc này. Tôi muốn nhơn dịp làm chứng về ơn lạ Chúa ban cho tôi để các ông các bà đồng thanh mà khen ngợi Ngài.
“Mười ba năm trước, làng ta mất mùa, tôi đành phải cùng chồng con từ giã núi cha sông tổ, xuống miền Mô-áp mưu sanh. Chồng con tôi ham mến quê người, nên phải gởi xương nơi đất khách. Quả thật, đã làm con cái Đức Giê-hô-va mà còn lẫn lộn với người tội lỗi, thì sao khỏi bị Ngài sửa phạt gớm ghê?
Riêng phần tôi vẫn ghi nhớ lời Ngài kêu gọi: “Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi”. Vậy nên tôi vẫn tiếc nơi chôn nhau cắt rún, mong sớm quay về. Song tôi giùng giằng lần lữa, vì thương xót hai dâu má hồng pha-phôi, đầu xanh tang tóc. Rút cuộc, dâu trưởng trở lại, dâu thứ đòi theo, mẹ con góa bụa cùng nhau đi về tổ quốc, hết lòng nhờ cậy Đức Giê-hô-va chăn nuôi đùm bọc cho đoạn tháng qua ngày. Sóng dập gió dồi, thuyền con khó bề vững lái! Nhưng, dầu nuốt đắng, ăn cay, mẹ con vẫn hết dạ trung thành, mong mình sẽ được hưởng cuộc tương lại vinh hiển.
Đấng Toàn-năng thử rèn hết cách, bèn ban cho ân điển lạ lùng. Bàn tay vô hình của Ngài dắt Ru-tơ đến với Bô-ô xe chặt mối duyên chồng vợ. Cảnh lạc thú ngày nay cũng bởi chính Ngài gây dựng. Nguyện vinh hiển thuộc trọn về Ngài! Tôi xin kết luận rằng: “Khá giữ trung tín cho đến chết, rồi Chúa sẽ ban cho ta mũ triều thiên của sự sống.” Mừng cho cháu đầy năm, xin các ông các bà cùng ngồi dự tiệc.”
Vừa khi chủ khách chung vui, thì bọn ca công cất tiếng hát rằng:
Ngợi khen danh Chúa Toàn Năng,
Cầm cân phước họa công bằng phân minh.
Những ai bền giữ đạo lành,
Lạ thay, thân phải điêu linh trên đời,
Như thuyền ở giữa biển khơi,
Lái tan, chèo gãy, buồm rơi, nước tràn.
Bao phen dời đổi, hiệp tan,
Thử lòng trông cậy, rèn gan trung thành.
Rồi Ngài cho được hiển vinh,
Mão triều trọng thưởng, thiên đình tiêu dao.
Khuyên ai tin Đấng Chí Cao,
Đi đường gai gốc, đừng nao núng lòng.
Trời nào phụ kẻ hiếu trung!
T.K.B. soạn.
Chú Thích:
[1] Ô-bết sanh Y-sai. Y-sai sanh Đa-vít, Đa-vít là tổ phụ Đức Chúa Jêsus.
Tài Liệu:
Cánh Chim Ngược Gió, Thánh Kinh Báo, Tháng 5-6/1934
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.