Tưởng Niệm Vua Hàm Nghi
Tưởng Niệm 70 Năm Vua Hàm Nghi Về Với Chúa
(1871-1944)
Vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871, là con trai của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai. Vua Hàm Nghi là cháu nội của vua Thiệu Trị, và là cháu cố của vua Minh Mạng. Vua Hàm Nghi là một vị vua yêu nước. Ông là biểu tượng của phong trào Cần Vương chống Pháp.
Vua Hàm Nghi lên ngôi trong hoàn cảnh đặc biệt. Tháng 7/1883, vua Tự Đức băng hà; vì vua Tự Đức không có con nên các cháu của vua Tự Đức được chọn làm vua. Vua Dục Đức kế ngôi vua Tự Đức chỉ có 3 ngày thì bị truất phế. Vua Hiệp Hòa làm vua được gần 4 tháng thì bị ám sát. Vua Kiến Phúc lên ngôi được 8 tháng, vì sợ hãi và quá căng thẳng trước áp lực trong triều nên bị bệnh chết. Ngày 2/8/1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch, lúc đó 13 tuổi, được các đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tôn làm vua, lấy vương hiệu là Hàm Nghi.
Việc vua Hàm Nghi lên ngôi không được người Pháp chấp thuận. Trước thái độ kinh mạn của người Pháp, tháng 7/1885, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đem quân tấn công quân Pháp tại đồn Mang Cá. Cuộc đột kích thất bại, Tôn Thất Thuyết mang vua Hàm Nghi rời kinh thành, ra Quảng Bình công bố hịch Cần Vương kêu gọi toàn dân chống Pháp giành độc lập.
Cuộc kháng chiến của phong trào Cần Vương kéo dài hơn 3 năm. Đêm 1/11/1888, Trương Quang Ngọc phản bội bắt vua Hàm Nghi nộp cho người Pháp. Ngày 12/12/1888, vua Hàm Nghi bị đưa xuống tàu, rời Sài Gòn lưu đày sang Algeria.
Vua Hàm Nghi đến Algeria vào ngày 13/1/1889. Trong 10 tháng đầu, vua Hàm Nghi giữ thái độ cô lập. Sau đó, vua có dịp tiếp xúc với một số người Pháp và biết rằng cũng có những người Pháp rất tốt. Vua học tiếng Pháp, nghệ thuật và văn hóa Pháp. Mười năm sau (1899), vua Hàm Nghi đến thăm Paris và có dịp tiếp xúc với một số văn nghệ sĩ tại Pháp.
Năm 1904, vua Hàm Nghi lập gia đình với cô Marcelle Laloe tại thủ đô Alger. Hôn lễ được cử hành tại nhà thờ vào ngày 4/11/1904. Vua Hàm Nghi và bà Marcelle Laloe sinh được ba người con là công chúa Nhữ Mây (1905), công chúa Như Lý (1908) và hoàng tử Minh Đức (1910).
Vua Hàm Nghi tiếp tục sống tại Alger cho đến ngày qua đời. Một số tài liệu cho rằng vua Hàm Nghi qua đời vào ngày 4/1/1943; tuy nhiên theo lời của công chúa Như Lý trả lời phỏng vấn tạp chí Sông Hương thì vua Hàm Nghi mất vào ngày 14/1/1944 tại Alger. Năm 1965, hài cốt của vua Hàm Nghi được cải táng về chôn tại nghĩa trang Thonac, Sarlat-la-Canéda, thuộc vùng Périgord (Dordogne), miền Tây Nam nước Pháp.
Phần mộ của vua Hàm Nghi thật đơn giản gồm hai khối cẩm thạch chồng lên nhau, chính giữa là một thập tự lớn. Bên cạnh thập tự có ghi dòng chữ “S.M. HAM NGHI, Empereur d’Annam, Hue 1871 – Alger 1944”
Vua Hàm Nghi đã về với Chúa được 70 năm. Trong quá khứ, vài lần đại diện từ Việt Nam đến Pháp xin phép đưa hài cốt vua Hàm Nghi về lăng miếu tại Huế; tuy nhiên con cháu của vua Hàm Nghi đã từ chối. Một trong những lý do từ chối là gia đình lo lắng hài cốt của vua Hàm Nghi sẽ được thờ phụng tại Việt Nam; điều này trái với niềm tin của vua Hàm Nghi. Bên cạnh đó, việc dời hài cốt của nhà vua cũng trái với ý nguyện những người thân trong gia đình là được an táng bên nhau để cùng nhau gặp Chúa trong ngày Ngài trở lại.
Chúng ta không rõ vua Hàm Nghi tiếp nhận Chúa trong trường hợp nào và thờ phượng Chúa trong giáo hội nào. Lúc vua Hàm Nghi lập gia đình, mặc dầu vợ ông là tín đồ Công giáo nhưng vua không phải là tín đồ Công giáo. Cộng đồng Cơ Đốc giáo tại thủ đô Alger vào lúc vua Hàm Nghi còn sống có Giáo hội Công giáo, Hội Thánh Tin Lành Reformed, và Hội Thánh Tin Lành Giám Lý.
Vua Hàm Nghi không phải là người duy nhất trong hoàng tộc nhà Nguyễn tin Chúa. Hai người cháu cố khác của vua Minh Mạng là bà Công Tôn Nữ Thị Hầu và Công Tôn Nữ Tú Oanh là tín hữu Tin Lành. Bà Công Tôn Nữ Tú Oanh là vợ của Mục sư Lê Văn Thái, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.
Thư Viện Tin Lành
14/1/2014
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.